Thứ Tư, 06/05/2020 09:28

'Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc Trung Quốc'

Covid-19 đã gây những tác động không nhỏ đến nền kinh tế trong nước. Việt Nam đang đứng trước những thách thức cũng như những thuận lợi nào cần được phát huy? TBKTSG đã phỏng vấn TS. Nguyễn Văn Phú, Đại học Strasbourg, Pháp, Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS).

* Xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm giảm 10% do dịch COVID-19

* Hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ

Hàng may mặc chịu nhiều tác động do dịch bệnh Covid-19. Ảnh minh họa: Thành Hoa.

- TBKTSG: Theo ông, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đối mặt với những thách thức lớn nào?

- TS. Nguyễn Văn Phú: Về phòng chống dịch bệnh Việt Nam đã làm tốt, nhưng tôi nghĩ Việt Nam đang gặp nhiều thách thức về khía cạnh kinh tế. Thời gian giãn cách xã hội vừa qua đã có nhiều ảnh hưởng lên hoạt động của các doanh nghiệp trong nước. Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng trực tiếp do vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Có nhiều dự báo là mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào năm nay sẽ thấp hơn rất nhiều so với dự kiến.

Tôi nghĩ có ba lý do khiến Việt Nam phải đối mặt với những thách thức kinh tế. Thứ nhất, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài (nhiều dự đoán là không thể có vaccin trước năm 2021), trong khi đó tiềm lực kinh tế của Việt Nam lại ít (so với các nước công nghiệp), do đó chúng ta không thể tung ra nhiều gói hỗ trợ kinh tế.

Thứ hai là kinh tế thế giới hiện đang bị khủng hoảng, nhiều nước có dự báo tăng trưởng âm ngay trong năm nay và tình hình vào năm 2021 được dự báo khá bi quan. Vì vậy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ năm nay cho đến năm sau (do độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn, tổng xuất nhập khẩu bằng khoảng 200% GDP).

Thứ ba, nhiều nước đang tổ chức cơ cấu lại nền kinh tế của họ vì qua khủng hoảng Covid-19, họ nhận thấy việc toàn cầu hóa làm cho họ không trở tay kịp trong việc ứng phó dịch bệnh. Một ví dụ rõ ràng về việc này là sự khan hiếm các mặt hàng y tế (khẩu trang, nước tẩy trùng, quần áo bảo hộ ở bệnh viện) trên thị trường châu Âu ngay từ tháng giêng năm nay, vì đa số các mặt hàng này được sản xuất tại Trung Quốc, nơi xuất xứ dịch bệnh và cũng là nơi mà các mặt hàng y tế cũng khan hiếm.

Việc tái cơ cấu này cũng sẽ tác động lên kinh tế Việt Nam, nhất là các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, như hàng may mặc, nông sản.

- Ông đánh giá thế nào về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện tại của Chính phủ?

TS. Nguyễn Văn Phú

- Tôi nghĩ là các gói hỗ trợ vừa được đưa ra (gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, hỗ trợ về thuế, hỗ trợ tín dụng 300.000 tỉ đồng) có thể nói là đúng đắn, so với tiềm lực có sẵn. Tuy nhiên, tôi không biết là quá trình thực thi có tốt hay không. Điều nên cần tập trung là các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh, tuy nhiên rất khó quản lý do quy mô và cách hoạt động.

Nới lỏng giãn cách xã hội có phần nào giúp họ trở lại hoạt động nhưng vẫn còn gặp khó khăn. Các gói hỗ trợ cũng nên hướng tới bảo vệ người lao động cũng như hỗ trợ doanh nghiệp có cố gắng bảo vệ lao động trong giai đoạn này bằng các chính sách như giảm thuế doanh nghiệp và thu nhập.

Một số ngành nghề bị ảnh hưởng do dịch bệnh (cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ; du lịch; vận chuyển hành khách; các nhà máy, cơ sở sản xuất áp dụng cách giãn xã hội khi hoạt động...) cần được hỗ trợ đặc biệt theo các gói hỗ trợ được đưa ra.

Trong khi đó, dịch bệnh cũng có thể sẽ bùng phát trở lại (nhất là đến từ các nguồn bên ngoài) và có ảnh hưởng lâu dài lên kinh tế nên phải có thể phải chuẩn bị phương án kéo dài thời hạn của các gói hỗ trợ hơn ba tháng (có nghĩa là sau tháng 6).

- Theo ông, kinh tế Việt Nam nên đi theo hướng nào sau Covid, cần tập trung vào những lĩnh vực nào?

- Trước khủng hoảng, đã có nhiều ý kiến về việc nền kinh tế của Việt Nam quá phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên vật liệu sản xuất và xuất khẩu. Tới khi đại dịch xảy ra, các ý kiến trên càng trở nên đúng đắn hơn.

Tôi nghĩ, nền kinh tế Việt Nam cần phải có sự dịch chuyển, tránh phụ thuộc vào một thị trường, cần phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp nguyên vật liệu và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Điều thứ hai là nên tập trung hơn nữa vào ngành y tế. Đây cũng là lĩnh vực quan trọng sau này khi dân số trở nên già hơn. Rất may vừa qua chúng ta chưa bị quá tải về việc điều trị bệnh nhân Covid-19 như một số nước ở phương Tây nhưng chúng ta nên xem đó là bài học để chuẩn bị các phương tiện đối phó. Điều tiếp theo là phát triển các lĩnh vực đã phát huy tác dụng trong thời kỳ giãn cách xã hội như các dịch vụ trực tuyến, kỹ thuật số, công nghệ thông tin...

Đại dịch xảy ra giúp chúng ta thấy rõ các hoạt động kinh tế đã có tác động lên môi trường sống. Trong thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, người ta nhận thấy vấn đề ô nhiễm ở các thành phố lớn (ô nhiễm không khí, rác thải) có phần nào được cải thiện.

Khi các hoạt động kinh tế trở lại bình thường sau Covid-19 thì chắc chắn rằng vấn đề môi trường sẽ quay trở lại. Vì vậy tôi nghĩ ngay từ bây giờ, các chính sách kinh tế và các gói hỗ trợ cần có ưu tiên cho các ngành nghề vừa thân thiện với môi trường, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế.

Phát triển các ngành công nghệ và nông nghiệp thân thiện với môi trường, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, dịch vụ trực tuyến sẽ có ích trong việc này.

Việt Nam có đầy đủ khả năng thành công xưởng sản xuất khẩu trang lớn của thế giới. Ảnh minh họa TTXVN

- Trong đại dịch Covid - 19, nhu cầu về khẩu trang rất lớn. Liệu đây có phải cơ hội cho các doanh nghiệp Việt?

Tôi nghĩ Việt Nam có đầy đủ khả năng thành công xưởng sản xuất khẩu trang lớn của thế giới. Các doanh nghiệp nên nhanh chóng bắt lấy thời cơ vì theo tôi được biết, không chỉ Việt Nam mà Trung Quốc cũng đang rất tích cực trong việc xuất khẩu mặt hàng này.

Hiện nay các nước đang rất cần khẩu trang, ngay những nước mà trước đây người dân không có thói quen (ví dụ như ở Pháp), chính quyền đã có khuyến cáo người dân mang khẩu trang (nhất là trong giao thông công cộng), nhiều nơi người dân đã tự giác mang khẩu trang mà không cần có yêu cầu từ chính quyền. 

Đối với tình hình dịch bệnh hiện nay (mà có khả năng còn kéo dài), các nước cần tất cả các loại khẩu trang (khẩu trang vải, khẩu trang y tế thông thường, và các loại khẩu trang dạng FFP2-3/N95). Tuy nhiên, chúng ta phải bảo đảm nguồn nguyên liệu, không phụ thuộc vào Trung Quốc (hay một nước nào khác) để xuất khẩu mặt hàng này, không bị phụ thuộc vào nguồn cung cấp.

Lợi thế của chúng ta là có thể sản xuất nhanh chóng, sản phẩm vừa rẻ và vừa tốt. Ngoài ra Việt Nam có lợi thế không nhỏ là chúng ta cung cấp cho thế giới các sản phẩm không phải là "Made in China".

Xin cảm ơn ông.

Thư Linh thực hiện

TBKTSG

Các tin tức khác

>   TP.HCM điều chỉnh giao thông 'thúc' phát triển kinh tế đêm (06/05/2020)

>   Vì sao tiền điện tăng cao? (06/05/2020)

>   Mở rộng điều tra vụ Đường ‘nhuệ’, làm rõ nghi vấn bảo kê (06/05/2020)

>   Xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm giảm 10% do dịch COVID-19 (05/05/2020)

>   VinaCapital: 'Phát triển bất động sản là cách nhanh hơn để tạo đà tăng trưởng kinh tế' (05/05/2020)

>   Bốn kịch bản tăng trưởng kinh tế cho TP HCM (05/05/2020)

>   Robot có lấy đi việc làm của hàng vạn người lao động Việt Nam? (05/05/2020)

>   Mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng - Kỳ 1: Phù hợp với đô thị nhỏ gọn (05/05/2020)

>   Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (05/05/2020)

>   TP.HCM: Khẩn trương vực dậy, phát triển kinh tế (05/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật