Thứ Ba, 26/05/2020 08:52

Vạ lây vì đối tác phá sản

Số lượng doanh nghiệp đệ đơn xin phá sản do Covid-19 cả trong nước và nước ngoài ngày càng gia tăng khiến nhiều công ty bị vạ lây mất tiền.

* Ngã quỵ vì Covid-19, đại gia bán lẻ 118 năm tuổi nộp đơn phá sản

* WeFit tuyên bố phá sản

* Hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ, nhà hàng ở Mỹ tuyên bố phá sản

DN Việt sẽ bị vạ lây nếu đối tác ngoại bị phá sản. Ảnh: Phạm Hùng

Mất tiền theo đối tác

Giữa tháng 10.2018, hãng bán lẻ Sears Holdings của Mỹ chính thức đệ đơn xin bảo hộ phá sản sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ và nợ nần chồng chất. Đây là một thương hiệu bán lẻ lớn của Mỹ với 125 tuổi, Sears từng được xem là “gã khổng lồ” bán đủ mọi thứ cho người dân Mỹ.

Tại Việt Nam, Công ty dệt may Thành Công (TCM) có giao dịch với 2 công ty con của Công ty Sears là Roebuck & Co và Công ty Kmart Corporation với doanh số chiếm khoảng 7% doanh thu hằng năm của Thành Công.

Sau khi Sears phá sản, Công ty dệt may Thành Công cũng nỗ lực tham gia vào quá trình tòa án giải quyết thủ tục phá sản để thu hồi số tiền chưa thanh toán. Thế nhưng, đến Báo cáo tài chính cuối năm 2018 của dệt may Thành Công, khoản nợ phải thu từ Công ty Sears, Roebuck & Co là 63,86 tỉ đồng và từ Kmart Corporation là hơn 37 tỉ đồng, chiếm gần 41% tổng nợ phải thu ngắn hạn. Công ty dệt may Thành Công đã trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi cho khoản nợ 2 công ty trên là 78,65 tỉ đồng.

Đến cuối năm 2019, số nợ phải thu được ghi nhận tại 2 công ty trên hầu như không thay đổi, tổng cộng khoảng 100,8 tỉ đồng và công ty phải tăng trích lập dự phòng lên hơn 84 tỉ đồng. Mới nhất tại Báo cáo tài chính quý 1/2020 của dệt may Thành Công, số nợ phải thu từ 2 công ty thuộc Sears Holdings vẫn còn nguyên. Điều này cho thấy kết quả là dệt may Thành Công đã bị mất trọn khoản tiền nêu trên khi đối tác bị phá sản.

Theo quy định của Việt Nam và nhiều nước, khi doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ, không có khả năng chi trả các khoản nợ đến hạn, thì có quyền nộp đơn ra tòa phá sản để yêu cầu tuyên bố phá sản. Theo luật Phá sản 2014 của Việt Nam, thứ tự ưu tiên thanh toán khi DN bị phá sản sẽ do tòa án mở thủ tục phá sản thực hiện.

Bao gồm chi trả phí phá sản; khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động và quyền lợi khác liên quan đến người lao động; khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của DN; nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.

Sau đó mới đến việc chi trả cho các khoản nợ có bảo đảm và nợ không bảo đảm. Trường hợp giá trị tài sản của DN sau khi đã thanh toán đủ các khoản nghĩa vụ tài chính nêu trên thì phần còn lại mới được chia cho các cổ đông theo tỷ lệ vốn góp tương ứng của họ.

Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thông tin về cơ bản, luật phá sản của các nước đều tương tự nhau. Theo quy định của luật Phá sản Mỹ, thứ tự ưu tiên thanh toán đối với các chủ nợ cũng bao gồm: nợ thuế, bao gồm thuế thu nhập, thuế an sinh xã hội, và các nghĩa vụ tài chính đối với tiểu bang và liên bang, địa phương; nợ lương nhân viên, các khoản bảo hiểm y tế, sức khỏe cho nhân viên; các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp và tiền lãi phát sinh; các khoản nợ không được bảo đảm bằng tài sản thế chấp.

Nên “níu” ngân hàng

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc điều hành Công ty luật Nghiêm & Chính, phân tích trong trường hợp các đối tác nước ngoài bị phá sản, DN trong nước sẽ bị ảnh hưởng. Nếu DN nhận đơn hàng gia công với số lượng nguyên vật liệu đã đủ và được ứng trước một phần tiền gia công thì khi đối tác phá sản mà chưa kịp giao hàng, bắt buộc phải hoàn trả lại cả nguyên vật liệu lẫn số tiền đã nhận trước.

Còn trường hợp phía DN của Việt Nam đã bán hàng, giao hàng thành công mà đối tác ngoại chưa thanh toán hết tiền thì phải tham gia vào thủ tục tuyên bố phá sản của tòa án nước sở tại.

Điều này rất mất thời gian lẫn chi phí vì khoảng cách địa lý xa cũng như thủ tục phá sản luôn rắc rối, kéo dài. Hơn nữa các công ty đệ đơn phá sản là đã mất khả năng thanh toán nên rất hiếm khi tài sản còn đủ để trả hết các khoản nợ.

Tuy nhiên, trường hợp DN ký hợp đồng xuất khẩu theo phương thức thanh toán bằng thư tín dụng (L/C) với sự tham gia của ngân hàng làm trung gian thanh toán thì trong trường hợp đã giao đủ hàng với các điều kiện như trong L/C nhưng chưa nhận được tiền, DN trong nước sẽ đòi nợ với bên ngân hàng. Nếu ngân hàng chây ì không trả tiền thì DN có quyền khởi kiện ngân hàng và không liên quan đến việc đối tác có phá sản hay không.

Chuyên gia thương mại Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch HĐTV Công ty VietEuro, cũng chia sẻ rằng nếu kinh doanh với đối tác nước ngoài thì các DN phải chọn giải pháp thanh toán mở L/C khi ký hợp đồng để giảm thiểu rủi ro. Nếu DN Việt làm gia công hay bán hàng cho đối tác ngoại mà đã nhận xác nhận tín dụng thư L/C từ phía ngân hàng, DN ngoại có phá sản hay bị rủi ro bất cứ điều gì, việc thanh toán vẫn phải được bảo đảm. Khi đã được ngân hàng uy tín xác nhận, ngân hàng phải chi trả cho DN cho dù DN phá sản hay không, các chủ nợ không phải lo lắng.

Trường hợp DN phá sản không xét trong tình trạng bất khả kháng. Nên DN Việt làm ăn với nước ngoài, trong thời điểm họ gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, buộc lòng phải tuyên bố phá sản nhưng đang nợ tiền hàng của mình thì mọi thủ tục đòi quyền lợi, nếu có, cũng như bình thường, không có trường hợp ngoại lệ bất khả kháng với tuyên bố phá sản.

Luật sư Trương Xuân Tám

Nguyên Nga

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Vì sao đề xuất đưa hộ kinh doanh vào Luật? (25/05/2020)

>   ‘Đi du lịch trong nước ở thời điểm này là thông thái’ (25/05/2020)

>   Việt Nam giảm xuất khẩu điện thoại, máy vi tính (24/05/2020)

>   Phục hồi du lịch sau giãn cách (24/05/2020)

>   Chưa doanh nghiệp nào được kinh doanh cá độ bóng đá (24/05/2020)

>   Việt Nam thêm 1 bệnh nhân COVID-19 là người từng được chữa khỏi tại Nga (24/05/2020)

>   Dễ và khó trong đón 'sóng' FDI mới (24/05/2020)

>   'Việt Nam nắm nhiều lợi thế đón sóng chuyển dịch sản xuất' (23/05/2020)

>   Nhiều công ty vốn Nhà nước vào diện 'giám sát tài chính đặc biệt' (23/05/2020)

>   Nhiều thủ tục sẽ được gỡ bỏ trong hoạt động đầu tư xây dựng (23/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật