Thấy gì từ việc tái mở cửa kinh tế thận trọng của Trung Quốc?
Trung Quốc đã giúp thế giới nhận ra một bài học rằng: Tái mở cửa một nền kinh tế còn khó khăn hơn cả việc đóng cửa.
Du khách tham dự lễ khai trương Disneyland Thượng Hải của Công ty Walt Disney Co. hôm 11/05 – Nguồn: Bloomberg
|
Theo các số liệu mới nhất về nền kinh tế trong tháng 4 (bao gồm giai đoạn Chính phủ đẩy mạnh việc tái mở nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát), doanh số bán lẻ tiếp tục sụt giảm khi người tiêu dùng xa lánh các nhà hàng và thắt chặt chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu.
Trong khi sản lượng tại các nhà máy tăng lần đầu tiên kể từ khi virus xuất hiện và đầu tư công cũng cải thiện thì đầu tư tư nhân vẫn còn ảm đạm. Điều đáng lo ngại đối với các nhà sản xuất, vốn đã phải chống chọi với tình trạng giảm phát và đà sụt giảm của nhu cầu trên toàn cầu, chính là lượng hàng tồn kho đang gia tăng khi cung vượt cầu.
Các số liệu trên chứng minh một điều: Kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi từ từ và chưa có tín hiệu nào cho thấy nền kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi về các mức cũ như một số người đã dự báo khi khủng hoảng bắt đầu. Điều đó cũng cho thấy rằng đà phục hồi chủ yếu nhờ nguồn cung sẽ tạo ra tình trạng công suất dư thừa và tình trạng giảm phát nếu nhu cầu – cả trong và ngoài nước - không sớm bắt kịp.
“Mở cửa nền kinh tế là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp hơn so với khi đóng cửa”, Chua Hak Bin, nhà kinh tế cấp cao của Maybank Kim Eng Research Pte. tại Singapore, nhận định.
Những gì đã xảy ra ở Trung Quốc là bài học dành các chính quyền đang tìm cách nới lỏng các biện pháp kiểm soát với hy vọng ngăn chặn cuộc suy thoái sâu nhất trong nhiều thập kỷ. Các nhà hoạch định chính sách, bao gồm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đều cảnh báo rằng còn lâu nền kinh tế mới có thể phục hồi hoàn toàn.
Đã xuất hiện một số tín hiệu về đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc – nhất là trong lĩnh vực sản xuất – trong loạt số liệu kinh tế tháng 4 công bố hôm thứ Sáu tuần trước. Theo đó, sản lượng công nghiệp tăng mạnh hơn dự báo 3.9% so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược với mức sụt giảm 1.1% trong tháng 3 và đà giảm sâu trong 2 tháng đầu năm. Đầu tư tài sản cố định 4 tháng đầu năm giảm 10.3%, cũng nhẹ hơn so với mức sụt giảm 16.1% trong giai đoạn từ tháng 1-3.
Dù vậy, doanh số bán lẻ trượt dài 7.5%, mạnh hơn so với dự báo giảm 6% khi người mua hàng tránh mua sắm tại những nơi tụ tập đông người và chuyển sang hình thức mua hàng trực tuyến. Doanh số tại các nhà hàng và dịch vụ ăn uống giảm 31.1% so với cùng kỳ năm ngoái sau đà lao dốc tới 46.8% trong tháng 3.
“Có thể phải mất một thời gian dài, các hoạt động kinh tế mới có thể trở về trạng thái tương đối bình thường. Trong trường hợp của Trung Quốc – nơi Chính phủ có thể kiểm soát chặt chẽ các ngành, có thể mất từ 6 đến 8 tuần để sản xuất quay về các mức trước đại dịch, trong khi hai lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng tư nhân có thể cần nhiều thời gian hơn”, Chang Shu, Chuyên gia kinh tế tại Bloomberg, nhận định.
Sự gia tăng của lượng hàng tồn kho càng làm tăng thêm lo sợ rằng đà phục hồi của sản lượng công nghiệp sẽ “chạm trần” nếu nhu cầu tiếp tục ì ạch. Tồn kho tăng sẽ cản trở đà phục hồi của sản xuất và cuối cùng là tác động đến nền kinh tế nói chung. Chỉ báo hàng tồn kho đã tăng lên mức 49.3 trong tháng 4, so với mức 46.1 trong tháng 1.
Nguồn cung gia tăng trong khi nhu cầu giảm sút cũng dẫn đến giảm phát. Đây không chỉ là tình trạng riêng của Trung Quốc mà còn là tình hình chung của cả thế giới khi các tín hiệu giá này được truyền đi khắp thế giới. Điều này đã được minh chứng trong những ngày qua khi số liệu cho thấy giá xuất xưởng giảm mạnh hơn dự báo 3.1% trong tháng 4.
Trước đó vào ngày thứ Hai, dữ liệu tín dụng cho thấy dòng tiền mặt đang lưu chuyển khi tổng lượng cấp vốn đã tăng thêm 3.09 ngàn tỷ Nhân dân tệ (436 tỷ USD) trong tháng qua. Nếu duy trì, đà tăng trưởng của loại hình tín dụng này cũng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế phục hồi – nhưng về dài hạn lại khiến nợ gia tăng.
Mặc dù khó có thể so sánh với sự sụt giảm của số lượng việc làm tại Mỹ, nhưng ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy thị trường lao động Trung Quốc ngày càng tồi tệ hơn. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại đô thị – một chỉ báo về tổng lực lượng lao động – đã tăng lên 6%, từ mức 5.9% trong tháng 3.
Nỗi lo lắng về số người mất việc chưa được thống kê trong số các lao động nhập cư, cũng như các tín hiệu kéo dài về sự căng thẳng trong lĩnh vực dịch vụ, vốn chiếm gần một nửa lực lượng lao động tại Trung Quốc, cho thấy nền kinh tế cần thêm sự hỗ trợ từ Chính phủ. Tuần này, Quốc hội Trung Quốc sẽ nhóm họp và vạch ra kế hoạch kinh tế cho khoảng thời gian còn lại của năm nay.
“Mối lo lắng về sự phục hồi về việc làm trong lĩnh vực dịch vụ có thể thôi thúc các nhà làm chính sách Trung Quốc tung ra các gói kích thích”, nhận định của Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng APAC của S&P Global Ratings.
Thậm chí khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nỗi lo sợ về một làn sóng bùng phát virus thứ hai đang gia tăng. Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi tăng cường các biện pháp kiểm soát tại các tỉnh Đông Bắc khi một ổ dịch gần biên giới Nga và Bắc Triều Tiên đang có nguy cơ trở thành làn sóng thứ 2.
“Bài học rút ra là việc tái mở cửa nền kinh tế không đồng nghĩa với sự phục hồi trở lại các mức trước Covid-19”, nhà kinh tế Iris Pang tại ING Bank, Hong Kong cho biết.
Tuệ Nhiên (Theo Bloomberg)
FILI
|