Tháo chạy khỏi chợ 'nhà giàu'
Ế ẩm chưa từng thấy khiến nhiều người đóng cửa, trả sạp; nhiều chủ sạp cũng nản lòng muốn sang nhượng cho khỏe... Chưa bao giờ số lượng sạp cho thuê, sang nhượng tại các chợ “nhà giàu” tại TP.HCM lại nhiều như hiện nay.
Chợ Bến Thành ngày chủ nhật 3.5 đìu hiu, nhiều quầy sạp đóng cửa Ảnh: Đậu Tiến Đạt
|
Chạy từ chợ Bến Thành...
Trở lại chợ Bến Thành (Q.1) sau gần 2 tuần kể từ ngày TP.HCM chính thức nới lỏng quy định cách ly xã hội, không khí vẫn vắng lặng, ảm đạm không khác gì so với giai đoạn cả nước “nín thở” chống dịch.
Gần 14 giờ ngày 3.5, cả khu chợ vẫn vắng tanh, chỉ có vài ba người khách ghé vội mua mấy món đồ rồi đi luôn. Số lượng các hàng, quán mở cửa trở lại vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi khu vực như quần áo, khu vực đồ khô, khu bán vải chỉ có 3 - 4 quầy mở cửa.
“Metro sắp đi vào hoạt động thì chợ Bến Thành vẫn đông khách. Một tháng có khi buôn bán kiếm được mấy trăm triệu là bình thường. Thật ra do cha mẹ đã già nên muốn sang hẳn để ông bà nghỉ luôn cho khỏe, hoặc không thì cho thuê chứ không phải do dịch, ế mới rao sang sạp”.
Bà Hương, chủ sạp chợ Bến Thành
|
Khu ẩm thực vốn là điểm đông đúc nhất chợ Bến Thành với hàng trăm quầy hàng cũng đóng cửa gần hết, những quầy mở thì... không có khách. Đặc biệt, hàng loạt sạp treo biển cho thuê, sang nhượng để lại số điện thoại cho ai có nhu cầu.
Liên hệ với chị Loan, chủ 3 quầy sạp liền kề 3 mặt tiền khu vực bán giày dép, túi xách treo biển sang sạp, thì được biết chị giờ chỉ cho thuê, không sang sạp như thông báo nữa.
“3 sạp liền kề này trước đây tôi cho thuê giá 4.500 USD/tháng, chủ tiệm bán được lắm. Đợt này dịch bệnh, ế khách nên mọi người đồng loạt trả mặt bằng. Lúc đầu chúng tôi tính sang lại cả 3 sạp giá khoảng hơn 10 tỉ đồng, nhưng sau suy đi tính lại, không sang nữa. Hết dịch, buôn bán trở lại bình thường thì cho thuê vẫn có lời. Bây giờ có người thuê tôi vẫn lấy giá như cũ là 4.500 USD/tháng”, chị Loan cho hay.
Dẫn chúng tôi tham quan mặt bằng, cô Nga, chủ 4 sạp vải ngay khu vực cửa Bắc, bảo cho thuê 2 quầy phía mặt tiền, mỗi sạp diện tích 1 m2 với giá 30 triệu đồng/tháng. Riêng cô đang kinh doanh tại 2 quầy phía trong vì đã buôn bán tại chợ Bến Thành hơn 30 năm, có nhiều khách quen. “Lúc này đi tìm thuê sạp thì “bao la”, muốn khu nào cũng có. Các cháu mới làm, chưa có khách quen thì nên chọn quầy mặt tiền. Giai đoạn này khó khăn một chút chứ hết dịch, bình thường trở lại là bán tốt lắm. Chợ Bến Thành nổi tiếng là chợ nhà giàu mà, chủ yếu khách du lịch nước ngoài tới mua rất nhiều, đặc biệt là người Malaysia, mua vải sỉ luôn. Bây giờ khó khăn, chưa muốn thuê thì 1 - 2 tháng nữa, tình hình ổn định quay lại đây tìm cô cũng được, cô sẽ giảm giá xuống 28 triệu đồng/2 sạp, coi như hỗ trợ nhau mùa dịch”, cô Nga nhiệt tình.
Vẫn còn đang đóng cửa nghỉ bán do dịch bệnh Covid-19 nhưng bà Hương, chủ 4 sạp liền kề khu vực ăn uống cũng cho biết cần sang gấp hoặc cho thuê luôn cả 4 sạp. Bà Hương cho biết giá sang 4 sạp là 12 tỉ đồng, còn nếu thuê là 70 triệu đồng/tháng. “Giá hiện nay là “mềm” nhất rồi. Cách đây 8 năm tôi đã sang 1 quầy mặt tiền tương tự ở khu ăn uống này cũng có giá 4 tỉ đồng”, bà Hương nói.
... đến Saigon Square, chợ Bình Tây
Là một trong những khu mua sắm đông đúc nhất TP.HCM nhưng Saigon Square (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1) cũng không thoát khỏi cảnh “ế” khách, đóng quầy, treo bảng cho thuê. Chúng tôi liên hệ theo số điện thoại để lại trước cửa 2 quầy liền kề có diện tích khoảng 3 - 4 m2 và được chị Thanh - chủ sạp chia sẻ, tiền thuê mỗi quầy là 600 USD/tháng, cộng thêm phí quản lý là 18,6 triệu đồng/tháng và hơn 2 triệu đồng tiền thuế.
Tổng cộng, chi phí thuê 1 quầy hàng xấp xỉ 35 triệu đồng/tháng, 2 quầy liền kề giá thuê khoảng 70 triệu đồng/tháng. “Mùa dịch bệnh khó khăn, nếu em thuê, chị sẽ không lấy tiền thuê, em chỉ cần trả phí quản lý và tiền thuế. Bọn chị sẽ hỗ trợ như vậy cho đến khi hết sạch dịch bệnh, Saigon Square đông khách bình thường trở lại”, chị Thanh nói.
Chị Mai cũng đang rao sang nhượng sạp đôi diện tích 12 m2 tại chợ Bình Tây (Q.6) chuyên kinh doanh ngành hàng lưu niệm với giá 2,8 tỉ đồng “do lớn tuổi nên muốn nghỉ làm”. “Cách đây 2 năm sau khi chợ vừa sửa xong, có người trả tui đến 5 tỉ đồng cho 2 sạp này nhưng họ đòi phải chuyển đổi qua ngành hàng giỏ xách mà thủ tục tới lui phức tạp nên tui không làm. Hơn 30 năm trước khi tui sang sạp cũng mười mấy cây vàng một sạp, nên giờ tính ra giá cũng không phải quá mắc”, chị Mai nói.
Một số quầy rao cho thuê tại chợ An Đông (Q.5) với lý do nghỉ hưu, định cư ở nước ngoài... Thế nhưng theo cô Nga, một tiểu thương có gần 50 năm kinh doanh ở chợ thừa nhận, người đang muốn sang nhượng hay cho thuê không ai muốn nói do ế khách dù đó là thực tế đang diễn ra. Vì vậy các chủ sạp cố gắng cho thuê hay sang sạp lấy tiền tốt hơn là để không.
Dù nhiều tiểu thương phải rời bỏ chợ “nhà giàu” nhưng giá thuê sạp tại các chợ như Bến Thành, An Đông hiện giảm không đáng kể so với trước đây 1 năm và chỉ giảm cho các sạp nằm phía trong. Riêng giá thuê các sạp mặt tiền vẫn dao động 14 - 18 triệu đồng/tháng. Tương tự, giá sang sạp ở các chợ này hầu như không thay đổi như tại chợ Bến Thành vẫn 3,5 - 4 tỉ đồng/sạp mặt tiền, hay tại chợ An Đông giá vẫn duy trì tầm 700 triệu - 1 tỉ đồng cho một ki ốt nằm phía trong...
Hà Mai
Thanh niên
|