Sự trở lại của HSG
Thị phần doanh nghiệp được củng cố và mức tăng trưởng ngoạn mục của lợi nhuận hoạt động kinh doanh đã giúp cổ phiếu HSG bay cao.
* Doanh thu ngành thép sụt giảm đồng loạt, lợi nhuận nằm trong tay ông lớn
Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) nằm trong số ít những doanh nghiệp thép niêm yết có lợi nhuận khả quan trong quý đầu tiên của năm 2020 (đối với HSG là quý 2 niên độ tài chính/NĐTC 01/10/2019-30/09/2020).
Dù sản lượng và doanh thu bán hàng của HSG suy giảm theo tình cảnh chung của cả ngành thép Việt, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp này tăng trưởng đến 278% trong quý 2 NĐTC 2019-2020, đạt 201 tỷ đồng.
Cần nhớ rằng, trong ngành tôn mạ, việc tìm kiếm lợi nhuận là điều không hề dễ dàng trong chu kỳ giá nguyên liệu thép cán nóng suy giảm. Kể từ đầu năm 2020 đến ngày 10/04, giá thép cuộn cán nóng đã giảm 90-92 USD/tấn.
Lợi thế về quy mô có lẽ giúp ích cho các doanh nghiệp thép trong giai đoạn toàn ngành gặp khó. Trong quý 2 NĐTC 2019-2020, không khó để nhận thấy chỉ có những doanh nghiệp lớn đầu ngành mới có được những kết quả doanh thu, lợi nhuận khả quan.
Tuy nhiên, sự cải thiện của biên lãi gộp mới chính là động lực tạo nên khoản lợi nhuận đi ngược thị trường của HSG. Chính sách không cạnh tranh về giá bán của những người điều hành Công ty đến nay đã cho thấy tính đúng đắn.
Biên lãi gộp HSG dần cải thiện
|
HSG cũng có dòng tiền dương đến hơn 1,260 tỷ đồng trong hai quý đầu NĐTC 2019-2020 mà không cần phải cắt giảm hàng tồn kho. Cùng kỳ niên độ trước, hãng tôn mạ này cũng ghi nhận dòng tiền dương lớn hàng ngàn tỷ, nhưng lúc bấy giờ là thời điểm HSG phải hạ thấp hàng tồn kho để ổn định tài chính.
Trong quý 2 NĐTC 2019-2020, vay nợ tài chính của HSG giảm cả ngắn hạn lẫn dài hạn, theo đó, chi phí lãi vay ghi nhận trong quý vừa qua giảm 21% so với cùng kỳ.
Xây chắc ngôi đầu ngành tôn mạ
Tình hình tiêu thụ của hãng tôn mạ lớn nhất Việt Nam cho thấy sự khả quan so với thị trường chung.
Sản lượng tiêu thụ trong quý đầu năm 2020 vừa qua của HSG giảm 8.6%, trong khi đối với ngành thép thì hoạt động bán hàng và xuất khẩu giảm lần lượt 12.4% và 21.3%, theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam. Như vậy, có thể hiểu rằng thị phần dẫn đầu của HSG càng được củng cố trong giai đoạn thử thách.
Thị phần ngành tôn mạ
trong hai tháng đầu năm 2020
Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam, CTCK Rồng Việt
|
Theo phía HSG, hệ thống phân phối hàng trăm cửa hàng tại nội địa và mạng lưới kênh xuất khẩu đa dạng đã giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Trong khi hệ thống phân phối của các doanh nghiệp cùng ngành thường là các đại lý độc lập, thì HSG tự sở hữu và vận hành hệ thống chi nhánh khắp cả nước. Nhờ đó, HSG có thể chủ động đưa sản phẩm đến tận tay khách hàng và điều chỉnh chính sách bán hàng theo biến động thị trường.
Trở lại với kết quả kinh doanh của HSG, chỉ trong nửa đầu NĐTC 2019-2020, doanh nghiệp này đã thực hiện xấp xỉ 96% kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất đề ra cả niên độ.
Trên thị trường chứng khoán, đi theo xu hướng tích cực chung của thị trường kể từ đầu tháng 4, cộng hưởng với những con số kết quả kinh doanh đầy lạc quan, cổ phiếu HSG đã bật tăng ngoạn mục gần 70% chỉ trong một tháng.
HSG tăng gần 70% trong tháng 4
Nguồn: VietstockFinance
|
Thừa Vân
FILI
|