Nhịp đập Thị trường 21/05: Một phút quyết định
VNIndex tăng đầu phiên chiều, nhưng sau đó nhanh chóng giảm về gần tham chiếu. VN30-Index thậm chí về dưới tham chiếu. Đến ATC, bên bán đổ lệnh ra trước, nhiều Large Cap giảm giá, bao gồm cả VHM, tuy nhiên chỉ trong khoảng 1 phút cuối cùng, lệnh đổ ào ạt vào bên mua, đẩy nhiều mã lên cao, thậm chí lên trần. Diễn biến này có liên hệ mật thiết với diễn biến trên sàn phái sinh. Đóng cửa VN-Index tăng lên mức cao nhất trong ngày (+9.8 điểm, +1.15%).
Đối với những người nắm HDB, EIB, TCB... thì đợt ATC đã mang lại món quà bất ngờ. EIB và HDB bỗng dưng tăng trần, TCB cũng tăng 4.5%. Biểu đồ xu hướng những mã này cũng “đẹp” lên rất nhiều. Điều này có liên quan với sàn phái sinh, khi giá hợp đồng tương lai 1 tháng (đáo hạn ngày mai) tăng trần 7%. Dù sao đi nữa, hiện trạng của nhóm cổ phiếu ngân hàng có phần nghịch đảo, nếu trong phiên sáng các cổ phiếu có gốc nhà nước dẫn dắt, thì đến cuối phiên chiều, là vài mã gốc tư nhân dẫn dắt.
Với diễn biến bất ngờ ở sàn phái sinh, chênh lệch giữ giá đóng cửa hợp đồng VN30F2005 cao hơn điểm số chỉ số VN30 đến 48.45 điểm. Nói cách khác nhưng ai đặt lệnh short vào ATC ở trạng thái mở vị thế, thì kiếm được gần 5 triệu đồng lãi, tính trên 1 hợp đồng. Tất nhiên có người lãi lớn thì cũng sẽ có người thua đậm. Diễn biến như vậy 1 lần nữa lại gây “náo loạn” trên cả sàn chứng khoán phái sinh lẫn cơ sở.
SHB tưởng như đã được giải cứu trong phiên chiều này, khi hơn 16 triệu lệnh chất bán sàn đã được bên mua cân hết, thậm chí giá cổ phiếu còn được đẩy lên tới 12.5 ngàn đ/cp. Tuy nhiên đến ATC bên bán lại xả hàng, kéo giá giảm về 12 ngàn đ/cp, chỉ cao hơn giá sàn 200 đồng. Chưa rõ cú bắt đáy này có thành công hay không, phải chờ thêm vài phiên nữa.
Diễn biến của chỉ số HNX-Index vẫn giảm dưới tham chiếu, một phần vì SHB, một phần nữa là không có chỉ số phụ nào làm cơ sở cho sàn phái sinh. HNX-Index hồi nhẹ 1 chút nhưng sau đó lại giảm vào phút cuối ATC. Trong nhóm Large Cap sàn này, ngoài SHB giảm 8.4%, còn có NTP giảm 1.4% và PLC giảm 2,8%.
Nhóm BĐS nhà ở vẫn phân hóa, nhưng chiều nay DXG lại trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý khi tăng gần 5%. Lượng khớp DXG cũng tăng gấp đôi hôm qua. VHM vẫn là cổ phiếu thu hút sự chú ý nhờ hôm qua tăng bất ngờ hơn 5.3%, nhưng chiều nay lại trở thành yếu tố “gây nhiễu” trước khi bước vào ATC.
Về nhóm ngành, ngân hàng, mía đường là những nhóm có nhiều sắc xanh. Ngược lại, chứng khoán, dệt may, xi măng, dầu khí hay thủy sản cá tra có nhiều sắc đỏ, còn những nhóm như bất động sản, sắt thép, bảo hiểm… lại phân hóa.
Kéo lên trước phiên chiều
VN-Index tăng đúng 5 điểm cuối phiên sáng nay, sau 2 đợt rung lắc nhẹ, tất nhiên là chịu ảnh hưởng từ giao dịch của nhóm VN30. Tương quan tăng giảm giá trên sàn HOSE khá cân bằng, hơi nghiêng về hướng tăng. Rõ ràng đang có sự điều chỉnh trên không ít cổ phiếu, nhưng chỉ số có vẻ vẫn muốn duy trì đà tăng nhờ các mã lớn.
Rung lắc 2 đợt trong phiên sáng, nhưng đến trước phiên chiều, VN30-Index được kéo lên. Bên sàn phái sinh, giá hợp đồng tương lai 1 tháng cũng đang được kéo lên cao nhất tính từ đầu phiên. Cổ phiếu trong nhóm VN30 hiện dao động nhẹ, quanh +/-1%. ROS không còn tăng sát trần như đầu phiên, hiện tại SAB là mã tăng giá tốt nhất +2.4%. Liệu phiên chiều nay có bất ngờ nào xảy ra trong nhóm VN30, cũng như hợp đồng tương lai 1 tháng hay không, thật khó dự báo.
VCB tăng 1.4% lên mức cao nhất sáng nay, 1 phần có lẽ nhờ khối ngoại mua gần 40% lượng khớp. CTG có lẽ cũng tương tự, giá tăng kèm khối ngoại mua vào nhiều. Tuy nhiên nhóm ngân hàng vẫn phân hóa, với các cổ phiếu có gốc nhà nước tăng giá, còn gốc tư nhân giảm giá. SHB vẫn giảm sàn nhưng lượng khớp cũng hơn 4.6 tr.cp.
Thông tin giá thịt heo hơi tăng cao tiếp tục đỡ cổ phiếu DBC. Sáng nay DBC tăng 5.6% với hơn 3.7 triệu cp khớp. Như vậy nếu cộng thêm phiên chiều, chắc chắn lượng khớp lệnh DBC sẽ tăng rất mạnh so với các phiên trước. Đó là 1 chỉ báo cảnh báo xả hàng, nhưng cũng khó nói DBC liệu có dứt đà tăng hay không.
Nhóm chứng khoán ngập tràn trong sắc đỏ, các đại gia top đầu đều giảm giá, chỉ số ít nhóm tầm trung như VDS hay CTS tăng giá.
VEA tiếp tục phiên thứ 3 tăng khá tốt, cho dù kết quả quý 1 không đẹp như trước, cũng như triển vọng lợi nhuận của các hãng liên danh liên kết bị ảnh hưởng nặng trong tháng Tư. Hiện giá VEA đã tăng lên 42,8 ngàn.đ/cp, gần về mặt bằng cũ (44-45 ngàn đ/cp) trước khi có dịch. Sáng nay VEA cũng là 1 trong những Large Cap chủ chốt giúp UPCoM-Index duy trì đà tăng điểm, bên cạnh MML, MCH, QNS, VIB…
Nhóm dệt may sáng nay khởi sắc đôi chút, có lẽ nhờ thông tin quốc hội sẽ phê chuẩn EVFTA.
11h: Large Cap rung lắc
Vẫn chịu ảnh hưởng từ Large Cap, nhưng trong nửa đầu phiên sáng nay VN-Index đã có 1 đợt lùi nhanh về tham chiếu, sau đó tăng trở lại. Có lẽ tâm lý đáo hạn phái sinh đang ảnh hưởng lên giao dịch, dù thực tế là giá hợp đồng tương lai 1 tháng sáng nay dao động trong phạm vi rất hẹp, chừng 4 điểm, và còn treo cao hơn điểm số chỉ số cơ sở.
VN30-Index có thời điểm đổi sang màu đỏ, sau đó ngay lập tức quay trở lại với sắc xanh. Trong nhóm này, VHM, GAS, MSN, ROS… là những mã có dao động giá tác động đáng kể lên chỉ số trong nửa đầu phiên sáng nay. VHM tăng giá, nhưng VIC và VRE giảm, có lẽ do khối ngoại bán ròng. Dù sao đi nữa, tương quan tăng giảm giá vẫn tích cực: 18 mã tăng so với 9 mã giảm.
HNX index chỉ giảm thêm chút xíu dù VN-Index lùi nhanh về tham chiếu, nguyên nhân đơn giản vẫn là do sức ảnh hưởng lớn từ SHB. Nhiều Large Cap khác của sàn này hiện đang giảm nhẹ, laonh quanh 1% như NTP, PVI, VCG, PLC…
Cổ phiếu SHB vẫn đo sàn dù khớp hơn 4 triệu cổ phiếu, nhiều hơn hẳn so với cả ngày hôm qua. Dường như càng khớp, lệnh bán càng được treo thêm, hiện vẫn có hơn 16 triệu lệnh chất tại giá sàn.
Chỉ số UPCoM-Index dường như duy trì được mức tăng ổn định nhờ VEA, QNS, MML… nhìn chung đa số mã vốn hóa lớn sàn này ít dao động trong nửa đầu phiên sáng nay, ngoại trừ ACV, vừa nổi sóng được 2 phiên với thông tin được phép đầu tư nhà ga T3 TSN, thì sáng nay lại giảm 1.6%.
Nhóm ngân hàng đang có phân hóa với 1 loạt ngân hàng tư nhân quay đầu giảm như TCB, STB, TPB hay VPB. Bộ ba đại gia nhà nước là VCB, BID và CTG vẫn giữ được mức tăng, riêng MBB lẩn quẩn quanh tham chiếu.
Không chỉ ngân hàng, nhóm bất động sản, dầu khí, sắt thép, thủy sản và nhiều nhóm nhỏ hơn cũng đang phân hóa, sắc đỏ hiện lên nhiều hơn so với đầu phiên. Tuy nhiên mía đường lại nằm trong số ít đang phủ toàn sắc xanh.
Mở cửa: Large Cap tiếp tục đẩy VN-Index
Thị trường đang mang lại cảm giác, rằng cổ phiếu có thể điều chỉnh, nhưng VN-Index thì không. Chỉ số sáng nay mở cửa tăng hơn 4 điểm, có lẽ tiếp tục hưởng lợi từ thông tin chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm đêm qua.
Hơn nữa, thông tin về giá dầu thế giới và kỳ họp Quốc hội cũng tác động tích cực lên sàn chứng Việt Nam. Lưu ý duy nhất là hôm nay là ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng tương lai 1 tháng, tuy nhiên tác động từ sàn phái sinh có lẽ chỉ đến trong phiên chiều. Trên sàn HOSE, Large Cap tiếp tục đẩy VN-Index.
KHÓA HỌC ONLINE
Chứng khoán Cơ bản
- Khai giảng: 25/5/2020
- Ưu đãi 50% ++
Hotline: 0908 16 98 98
>>Đăng ký ngay
|
HNX tiếp tục giảm, vẫn là do SHB đo sàn. Cổ phiếu ngân hàng này rớt tiếp 9.9% sáng nay với hơn 17 triệu lượng chờ được ai đó mua giùm. So với mức đỉnh khoảng 18 ngàn đồng trong nửa đầu tháng Tư, hiện SHB lại có cơ quay về mệnh. Ngoai SHB, trong nhóm Large Cap sàn HNX không có mấy cổ phiếu gây chú ý, ngoài PLC giảm nhẹ 1.1%.
Giá dầu WTI đêm qua tăng 5% khi nguồn cung tại Mỹ giảm, không chỉ thế giá dầu đang cho thấy sự phục hồi khá nhanh trong vòng 1 tháng trở lại đây. Điều này có thể có tác dụng hỗ trợ giá cổ phiếu dầu khí, dù mức giá dầu hiện vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng trước khi có dịch Covid-19. Sáng nay GAS tăng 1.6% lúc ATO, và biểu đồ cho thấy 1 xu hướng tăng dần đều. các mã khác như PVS, PVD, PVT… cũng tăng nhẹ, duy có DCM giảm chừng 1,3%.
Nhóm ngân hàng đang có khởi đầu thuận lợi với sắc xanh hiện diện trên đa số. SHB là 1 trường hợp “bất thường”, không có liên hệ gì với các mã khác trong nhóm ngành này. BID đang nổi lên với mức tăng hơn 2%, 3 đại gia gốc nhà nước khác VCB, CTG và MBB cũng tăng nhẹ.
Trong nhóm VN30, ROS tiếp tục gây bão phiên thứ 2. Chưa rõ thông tin gì khiến cổ phiếu này tăng trần chiều qua, và ngấp nghé tăng trần ngay ATO sáng nay, nhưng rõ ràng ROS đang hút sự chú ý của dân traders vốn dành cho VHM và VRE của ngày hôm qua. Hiện trong nhóm này chỉ có 2 mã giảm giá ATO, trong đó PNJ có lẽ còn chịu ảnh hưởng 1 chút từ thông tin lỗ tháng Tư.
Trên sàn HOSE, KDC và FRT tiếp tục đà tăng trần, trong đó KDC đã tăng trần phiên thứ 4 liên tiếp.
Nhóm phân bón hôm qua có phiên dậy sóng thì đến sáng nay lại chìm xuống. DCM, DPM, BFC… loanh quanh sát tham chiếu. Không rõ kỳ họp quốc hội lần này có đả động gì đến câu chuyện “thuế VAT” của nhóm ngành nay hay không.
Hoàng Nam
FILI
|