Thứ Ba, 12/05/2020 10:30

Một đợt thẩm tra, lộ 34 tỉnh thành dùng sai ngân sách gần 900 tỷ đồng

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhận định nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thu - chi ngân sách nhà nước vẫn tái diễn và chưa được khắc phục triệt để.

* Dịch Covid-19 làm thu ngân sách tháng 4 sụt giảm mạnh

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội vừa báo cáo thẩm tra sơ bộ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Ủy ban Tài chính ngân sách đánh giá cao việc thu ngân sách vượt dự toán 8,5% (112.462 tỷ đồng), nhiều khoản thu đạt hoặc vượt dự toán. Tuy nhiên, nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa thực sự bền vững, cơ cấu thu chuyển dịch chậm, khó đạt mục tiêu của Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Năm 2018 tăng thu so với dự toán nhưng số vượt thu chủ yếu là do thu từ nhà, đất tăng 67,5%; thu từ dầu thô tăng 84%; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi ngân hàng nhà nước tăng 16,1%.

“Việc vượt dự toán thu lớn cho thấy sự cố gắng của Chính phủ song cũng cho thấy chất lượng dự báo, xây dựng dự toán chưa cao” Ủy ban này nhân định.

Trước thực trạng các khoản thu về nhà, đất, tài nguyên, thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các doanh nghiệp nhà nước, còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước, Ủy ban đánh giá cơ cấu nguồn thu chưa bền vững, các giải pháp Chính phủ đưa ra vẫn chưa thực sự tạo chuyển biến tích cực.

Giá dầu năm 2018 đạt mức cao nên tác động tích cực đến thu ngân sách

Theo Ủy ban Tài chính ngân sách, tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp; trốn, lậu thuế; nợ đọng thuế lớn vẫn chưa được khắc phục.tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước... còn xảy ra tại nhiều đơn vị.

Qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp tăng thêm trên 8.100 tỷ đồng.

Công tác lập, giao dự toán chi đầu tư vẫn tái diễn tình trạng giao vốn nhiều lần, chưa sát thực tế, bố trí vốn dàn trải. Một số dự án chưa tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, giao vốn chậm, không đúng đối tượng, bổ sung danh mục dự án khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn...

“Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư đạt tỷ lệ thấp, kéo dài trong nhiều năm, gây lãng phí trong sử dụng nguồn vốn đầu tư công”, Ủy ban Tài chính ngân sách nhấn mạnh.

Ngoài ra, Ủy ban này cũng đánh giá tình trạng chi ngân sách chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Tại một số bộ, ngành và địa phương được kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xuất toán thu hồi nộp ngân sách 331 tỷ đồng, phát hiện 34/45 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn 889 tỷ đồng, 20/45 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp 145 tỷ đồng.

Một số địa phương sử dụng kinh phí thường xuyên chi đầu tư XDCB. Qua kiểm soát chi, KBNN cũng từ chối thanh toán 96 tỷ đồng các khoản không đúng chế độ .

“Việc giải ngân đạt tỷ lệ thấp đã diễn ra nhiều năm, Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân và quyết liệt chỉ đạo để khắc phục tình trạng nêu trên”, Ủy ban đề nghị.

Bên cạnh đó, công tác nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án được kiểm toán đều có sai sót nên qua kiểm toán 2.055 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 14.700 tỷ đồng.

Con số bội chi ngân sách năm 2018 dù “đẹp” nhưng Ủy ban Tài chính ngân sách vẫn băn khoăn. Theo đó, bội chi ngân sách là 153.110 tỷ đồng, bằng 2,8% GDP, giảm 50.889 tỷ đồng (0,9% GDP) so với dự toán Quốc hội quyết định, thể hiện sự điều hành tích cực của Chính phủ. Tuy nhiên, bội chi giảm so với dự toán chủ yếu là do giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay chậm, không thực sự là do tiết kiệm chi để giảm vay nên Chính phủ cần lưu ý có giải pháp hiệu quả hơn trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước.

Tại Tờ trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2018 như sau:

- Tổng số thu cân đối NSNN là 1.880.029.177 triệu đồng (bao gồm cả nguồn năm 2017 chuyển sang năm 2018, thu kết dư NSĐP năm 2017, và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN);

- Tổng số chi cân đối NSNN là 1.869.791.887 triệu đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019);

- Bội chi NSNN 153.110.403 triệu đồng, bằng 2,8% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP 157.886.227 triệu đồng).

Lương Bằng

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Dịch Covid-19 làm thu ngân sách tháng 4 sụt giảm mạnh (12/05/2020)

>   Động lực mới cho nền kinh tế thời hậu COVID-19 (11/05/2020)

>   Ủy ban Kinh tế: Bội chi năm 2020 có thể tới 5% GDP (07/05/2020)

>   Nới thời gian gia hạn nộp thuế (06/05/2020)

>   Chính thức giảm từ 20-50% nhiều loại phí, lệ phí (06/05/2020)

>   Cơ quan thuế giải quyết ngay yêu cầu ngừng kinh doanh của cá nhân ảnh hưởng COVID-19 (05/05/2020)

>   Bán ký thịt, bộ quần áo... đã phải đóng thuế (05/05/2020)

>   Bộ Tài chính phản hồi về chính sách thuế đối với công nghiệp hỗ trợ (04/05/2020)

>   Người tiêu dùng sẽ không được giảm 50% thuế giá trị gia tăng (04/05/2020)

>   Trái phiếu Chính phủ - Lời giải bài toán cân đối ngân sách năm 2020 (02/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật