Thứ Ba, 12/05/2020 09:00

Lát cắt nền kinh tế qua lăng kính VN30

Những ông lớn đầu ngành phải đối chọi cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ trong quý đầu tiên của năm.

Vào thời điểm nền kinh tế Việt Nam đầy lạc quan thì đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến. Mức tăng trưởng 7% đối với GDP năm 2020 từ trong tầm với bỗng trở nên quá xa vời.

Việt Nam là quốc gia có phản ứng nghiêm túc và kịp thời với sự nguy hiểm của virus Corona ngay từ ban đầu. Điều này trao cho đất nước vị thế phục hồi tốt hơn, tuy nhiên, những đau đớn trước mắt là điều không thể tránh khỏi.

Quý đầu tiên của năm, nền kinh tế Việt Nam (GDP) chỉ tăng trưởng 3.82% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức tăng thấp nhất trong quý 1 trong cả giai đoạn 2011-2020.

Trên toàn thế giới, các quốc gia đồng loạt bế quan tỏa cảng nhằm chặn đứng sự lây lan của virus Corona đã bóp nghẹt chuỗi cung ứng. Nhà máy không có nguyên liệu sản xuất, hàng làm xong không thể vận chuyển, các đơn hàng mới mất hút.

Tiêu dùng nội địa cũng u ám khi các cửa hàng đóng cửa và thu nhập người dân giảm sút.

Để cảm nhận sự tàn khốc của đại dịch Covid-19, hãy nhớ lại quang cảnh những cửa hàng, con đường trong thời điểm cả nước cách ly. Để nắm được bức tranh khái quát hơn, việc xem xét tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp lớn có thể tiết lộ nhiều điều (xét đến trong bài là nhóm doanh nghiệp có cổ phiếu thuộc chỉ số VN30).

Với ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng, những doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm thiết yếu như Masan (HOSE: MSN) có sự tăng trưởng rõ nét về doanh thu; Vinamilk (HOSE: VNM) cũng duy trì được kết quả kinh doanh khả quan trong quý đầu tiên của năm.

Người dân tăng cường tích trữ nhu yếu phẩm và nấu ăn tại nhà đã thúc đẩy doanh số các sản phẩm mì tôm, nước chấm và cả doanh thu của Vinmart, Vinmart+ chuỗi siêu thị, tạp hóa mà Masan nhận chuyển nhượng từ Vingroup hồi cuối năm 2019. Dù vậy, việc Vinmart và Vinmart+ vẫn chưa thể sinh lời khiến Masan phải báo lỗ trong quý 1/2020.

Đấy cũng là câu chuyện của Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) với chuỗi Bách Hóa Xanh. Chuỗi siêu thị này góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng doanh thu trong quý 1/2020 nhưng chưa đóng góp về mặt lợi nhuận cho MWG.

Thực tế, mảng kinh doanh điện thoại và điện máy của MWG cũng chưa chịu ảnh hưởng rõ nét trong các tháng 2-3. Tháng 4 mới là thời điểm hàng trăm siêu thị thuộc hai chuỗi này phải đóng cửa theo chính sách cách ly xã hội. Ban lãnh đạo MWG cũng tin rằng thu nhập giảm của người dân trong mùa dịch sẽ ảnh hưởng đến những quyết định mua sắm các sản phẩm điện thoại, điện máy trong phần còn lại của năm.

Kết quả kinh doanh nhóm doanh nghiệp bán lẻ, tiêu dùng VN30
Đvt: Tỷ đồng

“Đắng cay” phải kể đến Sabeco (HOSE: SAB). Nghị định 100 và rồi Covid-19 thay phiên giáng những đòn đau vào nhu cầu tiêu thụ bia. Các quán nhậu đóng cửa, doanh thu của Sabeco cũng theo đó sụt giảm đến 47% trong quý 1.

Một ông lớn khác là Petrolimex (HOSE: PLX) thậm chí nhận trái đắng với khoản lỗ gần 1.9 ngàn tỷ đồng trong quý đầu tiên của năm 2020, giữa bối cảnh giá xăng dầu tuột dốc về các mức thấp lịch sử.

Ngân hàng chuẩn bị cho “những ngày giông bão”

Với các nhà băng, nguy cơ tiềm ẩn rằng nợ xấu sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, khi người đi vay khó khăn trong việc trả nợ, đã dẫn đến động thái tăng cường trích lập dự phòng cho “những ngày mưa”.

So với cùng kỳ năm trước, những ông lớn như BIDV (HOSE: BID), Vietcombank (HOSE: VCB), VietinBank (HOSE: CTG) hay như MB Bank (HOSE: MBB) đều tăng trích lập cả ngàn tỷ đồng trong quý 1/2020 và chấp nhận báo cáo lợi nhuận suy giảm.

Đáng lưu ý là VPBank, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng lớn nhất trong quý 1. VPBank và công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc là FE Credit nằm trong số những đơn vị đang bị Moody’s xem xét hạ tín nhiệm.

Các khoản vay của FE Credit chỉ chiếm 22% trong tổng cho vay của ngân hàng hợp nhất, nhưng đóng góp đến 43% lợi nhuận trước thuế năm 2019 của VPBank.

Theo phía Moody’s, những công ty tài chính tiêu dùng thường cho vay không tài sản đảm bảo và tập trung vào phân khúc người có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế.

Kết quả kinh doanh các ngân hàng nhóm VN30
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Bất động sản, xây dựng khó chồng khó

Covid-19 khiến tình hình của ngành bất động sản, vốn đã chững lại kể từ 2018-2019, nay lại càng xấu hơn. Chẳng hạn tại thành phố Hồ Chí Minh, nguồn cung và cả sức cầu của hầu hết phân phúc đều sụt giảm trong quý 1/2020.

Kéo theo đó, ngành xây dựng trong quý vừa qua cũng chỉ có mức tăng trưởng 4.37%, thấp nhất so với các quý cùng kỳ kể từ năm 2012.

Doanh thu của hai ông lớn Novaland (HOSE: NVL) và Coteccons (HOSE: CTD) sụt giảm lần lượt 81% và 16% trong quý đầu năm. Lợi nhuận của Novaland vẫn tăng so với cùng kỳ hoàn toàn là nhờ khoản lãi từ thoái vốn công ty con.

Đáng chú ý là một doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng (thép) như Hòa Phát (HOSE: HPG) lại cho thấy bộ mặt tích cực ở cả doanh thu và lợi nhuận; đặt giữa bối cảnh sản lượng bán hàng và xuất khẩu thép cả nước đều suy yếu trong quý 1/2020, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).

Kết quả kinh doanh nhóm bất động sản,
xây dựng và vật liệu xây dựng VN30
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Với nhóm Vingroup (HOSE: VIC), mảng bất động sản lại là bệ đỡ cho kết quả kinh doanh quý 1/2020, khi mà tập đoàn này còn đang chịu lỗ ngàn tỷ tại mảng sản xuất ô tô, điện thoại...

Khoản lãi ròng trên 6.8 ngàn tỷ đồng của Vinhomes (HOSE: VHM) thực tế đạt được là nhờ chuyển nhượng tài sản.

Mảng kinh doanh trung tâm thương mại của Vingroup cũng chịu ảnh hưởng khi các khách thuê bán lẻ gặp khó vì lượng người đến mua sắm giảm mạnh trong mùa dịch. Phía Vincom Retail (HOSE: VRE) đã chấp nhận bớt đi thu nhập và tiến hành giảm giá tiền thuê để hỗ trợ các nhà bán lẻ.

Kết quả kinh doanh nhóm "họ Vin"
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Tương lai sẽ còn nhiều thử thách đối với Vingroup khi ô tô hay điện thoại di động là những mặt hàng lâu bền vốn thường bị người tiêu dùng bỏ qua trong giai đoạn thu nhập bị ảnh hưởng.

Hầu hết những doanh nghiệp còn lại trong nhóm VN30 ghi nhận những con số lợi nhuận sụt giảm trong quý 1.

Từ ông lớn ngành chứng khoán SSI (HOSE: SSI) trải qua một quý đáng quên khi hoạt động tự doanh ghi nhận thua lỗ nặng nề vì thị trường chứng khoán biến động bất lợi; cho đến hãng hàng không Vietjet (HOSE: VJC) cũng đã báo cáo một khoản lỗ ngàn tỷ đồng trong quý 1/2020.

Kết quả kinh doanh các doạnh nghiệp nhóm VN30
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Vẫn còn điểm sáng khi FPT (HOSE: FPT) có được kết quả tích cực nhờ các mảng kinh doanh chưa bị ảnh hưởng rõ nét bởi Covid-19 trong quý 1/2020. Dù vậy, tình hình dịch bệnh cũng tạo áp lực lên chi tiêu công nghệ trên toàn thế giới trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, về lâu dài, các doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn vào công nghệ thông tin và số hóa để cải thiện hiệu quả hoạt động. FPT sẽ là người hưởng lợi lớn trong xu hướng này.

Thừa Vân

FILI

Các tin tức khác

>   FUCTVGF1: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng tuần từ 01/05/2020 đến 07/05/2020 (11/05/2020)

>   FUCTVGF2: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng tuần từ 01/05/2020 đến 07/05/2020 (11/05/2020)

>   BCE: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 12 (11/05/2020)

>   DTD: Đính chính Báo cáo tài chính quý 1/ 2020 (11/05/2020)

>   HNG: Nghị quyết HĐQT về việc chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên cho năm 2020 (11/05/2020)

>   HAG: Nghị quyết HĐQT về việc chốt danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ thường niên cho năm 2020 (11/05/2020)

>   PVT: Nghị quyết HĐQT về việc chốt danh sách cổ đông để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên cho năm 2020 (11/05/2020)

>   SCR: Nghị quyết HĐQT về việc thông qua thời gian, địa điểm tổ chức họp ĐHĐCĐ 2020 (11/05/2020)

>   DQC: Nghị quyết và Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 (11/05/2020)

>   VIP: Thông báo hủy DSNSHCK để thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐTN 2020 (11/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật