Resort chắn lối xuống biển của cư dân địa phương và khách du lịch là một hiện trạng ở các tỉnh thành có bờ biển dài và thuận lợi cho việc phát triển du lịch biển. Câu chuyện này không mới nhưng nay là một đề tài nóng tại nghị trường Quốc hội khi một lần nữa câu chuyện phát triển du lịch biển sao cho bền vững và vấn đề an ninh quốc gia được đưa lên bàn hội nghị.
Ở nhiều địa phương có bãi biển dài và đẹp, người dân và khách du lịch hiện không còn nhiều không gian để xuống được bãi để tắm hay ngắm biển trong xanh vì bãi đã bị các khu resort mới chiếm dụng. Ảnh: Nhân Tâm
|
Không còn lối đi xuống bãi tắm tự nhiên
Cách đây khoảng 20 năm, bờ biển phía đông Đà Nẵng - dài hơn 15km kéo dài từ chân núi Sơn Trà thuộc quận Sơn Trà đến quận Ngũ Hành Sơn - chỉ có một resort duy nhất là Furama. Vào thời điểm đó việc đi tắm biển, ngồi chơi hay dạo ngắm biển cùng gia đình, bạn bè mỗi sáng, mỗi chiều là điều... rất bình thường. Biển mặc nhiên là của mọi người, bãi biển cũng mặc nhiên là nơi cư dân địa phương hay bất cứ ai cũng được tự do xuống bơi, ngắm thỏa thích.
Nhưng điều này đã bị hạn chế dần theo đà phát triển của đô thị, của ngành du lịch, của các chính sách phát triển dự án du lịch của thành phố. Dải bờ biển xinh đẹp này bây giờ có hàng chục dự án resort 4-5 sao đang hoạt động cũng như đang trong quá trình xây dựng và các công trình đó đã chắn các lối đi xuống bãi tắm biển của người dân, chỉ còn chừng 1/3.
Chưa hết, tình trạng nhiều công trình resort đang hoạt động cũng như bị bỏ hoang không hoạt động nhiều năm qua đã bít hẳn các lối xuống biển của người dân cũng rất phổ biến và đã rất nhiều lần được cử tri và lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn liên tục phản ánh trong các cuộc họp Hội đồng Nhân dân thành phố trong những năm gần đây.
Resort chắn biển có ở khắp nơi
Theo ghi nhận của PV, tình trạng resort chắn biển đã diễn ra nhiều năm trước đây không chỉ riêng tại Đà Nẵng mà còn nhiều địa phương có biển, chủ yếu khu vực miền Trung kéo dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận khi du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng ven biển bùng nổ.
Có một số dự án “gây tiếng vang” trong những năm qua vì chặn lối đi xuống biển của người dân, gây bức xúc, thậm chí là khiếu nại kéo dài.
Điển hình như tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, khu du lịch Ana Mandara với diện tích 26.000 m2 bị phản ánh là đã “bít” toàn bộ chiều dài khoảng 400m của bờ biển Nha Trang. Khoảng mươi năm trước, UBND tỉnh Khánh Hòa có chủ trương di dời khu nghỉ dưỡng này ra khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh (thuộc huyện Cam Lâm). Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn đang nằm chắn biển.
Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Lancaster Nam Ô Resort & Spa tại thành phố Đà Nẵng cũng từng gây bức xúc cho người dân làng chài Nam Ô vào năm 2018 khi thiết lập rào chắn, cản trở việc ngư dân xuống biển.
Dự án có số vốn đầu tư lên đến 3.300 tỉ đồng, trên diện tích 30 héc ta này sau đó được UBND thành phố chỉ đạo tháo dỡ hàng rào chắn, mở lối cho người dân xuống biển và cam kết hỗ trợ người dân trong vùng.
Tại một số bãi biển như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Thuận An (Thừa Thiên-Huế), Cửa Đại (Hội An), hay Quy Nhơn (Bình Định), người dân cũng bức xúc các dự án lớn chiếm dụng mặt tiền biển.
Những thách thức không thể làm ngơ
Sự bùng nổ của những khu nghỉ dưỡng ven biển phần nào phản ánh sự phát triển mạnh mẽ cũng như xu hướng tăng trưởng của du lịch biển, tuy nhiên, xét trên nhiều góc độ thì sự gia tăng chóng mặt các khu nghỉ dưỡng ven biển cũng đặt ra nhiều sự thách thức mà các nhà quản lý không thể làm ngơ.
Trước tiên là thách thức về quy hoạch biển. Quy hoạch nhiều bãi biển đẹp ở Việt Nam đã bị phá vỡ, phát triển manh mún và khó điều chỉnh.
Kế đến, sự phát triển này còn gia tăng các áp lực lên môi trường ven biển, tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển và làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo.Lý do: tại rất nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển hiện nay chưa có được hệ thống xử lý chất thải và nước thải chuyên nghiệp dẫn đến việc nước thải chưa qua xử lý xả thải trực tiếp ra biển.
Theo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Quốc hội thông qua ngày 25-6-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016, phải bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. Nhưng sự hiện diện của các resort phần nào đó đã tước đi đặc quyền này của người dân.
Bên cạnh đó, tài nguyên biển và hải đảo phải được quản lý thống nhất theo chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Liên quan đến an ninh quốc gia tại các vùng bờ biển, đầu năm nay tại Văn bản số 179/BQP-BĐBP ngày 15-01-2020 trả lời cử tri, Bộ Quốc phòng thông tin tính đến ngày 30-11-2019, có 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc (92 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, 57 doanh nghiệp vốn liên doanh) đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh, thành biên giới (khu vực biên giới đất liền 24, khu vực biên giới biển 125).
Số doanh nghiệp đang hoạt động 134, số doanh nghiệp đã triển khai nhưng tạm ngưng hoạt động 15; tổng diện tích 162.467,7 héc ta (khu vực biên giới đất liền 943,7 héc ta, khu vực biên giới biển 5.393,7 héc ta kể cả mặt biển); tổng vốn đầu tư 30,872 tỉ đô la (khu vực biên giới đất liền 1,637 tỉ đô la, khu vực biên giới biển 29,235 tỉ đô la).
Không chỉ lối ra bãi biển mà tầm nhìn ra biển cũng bị các dự án resort và khu phức hợp che khuất. Nguồn: Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng
|
Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, may mặc, nuôi trồng thủy sản, giày da, sản xuất bao bì, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử... Địa bàn tập trung nhiều ở các tỉnh, thành như Đà Nẵng (22 dự án), Quảng Ninh (17), Hải Phòng (16), Bình Định (9), Hà Tĩnh (5), Bình Thuận (5)...
Theo nhận định trong văn bản, để sở hữu các lô đất ở thành phố Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo hình thức thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam (người Việt Nam góp vốn chủ yếu bằng đất).
Doanh nghiệp sẽ do người Việt Nam điều hành. Sau một thời gian, bằng nhiều cách Trung Quốc tăng vốn giành quyền điều hành doanh nghiệp. Hầu hết các lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.
Và câu chuyện phát triển du lịch biển bền vững
Những ngày gần đây, nội dung trong văn bản này lại làm “nóng” nghị trường tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV đang diễn ra.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Việt Nam có 3.260 km bờ biển, khoảng 4.000 đảo, vùng ven biển và hải đảo rất đa dạng về cảnh quan thiên nhiên và sinh học cùng với rất nhiều hệ sinh thái, vì vậy các loại hình du lịch biển nhờ vậy trở nên rất phong phú và đa dạng.
Trước đây, ở Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định du lịch là một trong sáu ngành kinh tế biển quan trọng. Mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết là đến năm 2030 phát triển thành công, đột phá các ngành kinh tế biển, trong đó du lịch và dịch vụ biển có vị trí quan trọng hàng đầu.
Hiện nay, việc cấp giấy phép các dự án xây dựng (trong đó có việc xây dựng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng) phải tuân theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các quy trình về thẩm định và cấp phép xây dựng dự án, thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Việc lập quy hoạch phát triển du lịch dựa trên các quy định của luật Du lịch năm 2017, có xét đến sự phù hợp với các quy định của luật Quy hoạch; luật Di sản văn hóa; luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Di sản văn hóa; luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; luật Bảo vệ môi trường; luật Xây dựng; luật Bảo vệ và Phát triển rừng... và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Trong các văn bản tham mưu góp ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (khi được xin ý kiến) về việc lập quy hoạch xây dựng các khu du lịch, luôn yêu cầu việc lập quy hoạch xây dựng phải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ hành lang bờ biển. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ủng hộ việc các địa phương ngừng (hoặc rút giấy phép) đối với các dự án xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng che chắn hết tầm nhìn bãi biển.
Một lối đi xuống biển được mở giữa 2 resort tại Đà Nẵng. Ảnh: Nhân Tâm
|
Bên cạnh đó, việc mở lối xuống biển cho người dân có thể là giải pháp mà các địa phương có thể tham khảo.
Từ tháng 10-2018 đến nay, với sự hợp sức của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, năm con đường xuyên qua các khu nghỉ dưỡng, resort đâm thẳng xuống bãi biển Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành. Những con đường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với không gian biển, tham gia các hoạt động vui chơi, tắm biển.
Điểm nhấn của các công trình này là không chỉ có đường đi bộ được lát đá tự nhiên, mà còn có vườn hoa, vệt cỏ xanh chạy dọc hai bên đường đi bộ, cùng các hạng mục vui chơi, vận động phục vụ người dân.
Sau những gì đang diễn ra như phân tích ở trên, cần sự cân nhắc kỹ của các bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương, để phát triển du lịch bền vững, bảo đảm chiến lược phát triển kinh tế, nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi người dân và an ninh quốc gia.
Ngày 19-5, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng có văn bản phản hồi thông tin báo chí liên quan đến việc doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê đất tại các vị trí ven biển.
Theo đó, có ba doanh nghiệp có sở hữu các lô đất ven biển là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Nguyên Thịnh Vượng; Công ty TNHH thương mại, du lịch và dịch vụ Silver Park; Công ty TNHH thương mại, du lịch và dịch vụ Hoàng Gia Trung. Tất cả đều là doanh nghiệp 100% vốn trong nước.
Công ty TNHH thương mại, du lịch và dịch vụ V.N.HOLYDAY hiện đã thực hiện đăng ký thay đổi và trở thành doanh nghiệp 100% vốn trong nước (đăng ký thay đổi lần thứ 16 vào ngày 5-3-2020).
Đối với các lô đất của Công ty TNHH MTV Golden Wynn Đà Nẵng và Công ty TNHH Sliver Sea Triệu Nghiệp, nay đã chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân trong nước.
Riêng đối với Công ty Liên doanh Du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Sliver Shores Hoàng Đạt được thành lập theo giấy phép đầu tư vào năm 2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trên cơ sở giấy phép đầu tư, công ty này được thuê 20 héc ta đất sản xuất kinh doanh với thời hạn thuê là 50 năm để đầu tư Khu du lịch và giải trí quốc tế (casino).
Sở cũng cho rằng, theo quy định tại Điều 54, 55 và 56 của Luật Đất đai năm 2013, không giao đất, cho thuê đất cho cá nhân người nước ngoài. Còn theo quy định tại Điều 169 của Luật Đất đai năm 2013, không quy định người nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất... Sở đã thực hiện theo các quy định nói trên, không thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và cho phép nhận quyền sử dụng đất đối với các cá nhân là người nước ngoài. Hiện nay, đơn vị vẫn đang tiếp tục rà soát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài.
Để hạn chế tình trạng người nước ngoài “núp bóng” sở hữu, cho người nước ngoài thuê đất đai ở các khu vực nhạy cảm, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, cần thiết phải rà soát các luật có liên quan (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở…) để bảo đảm tính thống nhất và chặt chẽ trong việc giải quyết các hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài.
Trong công tác giao đất, cho thuê đất, quản lý hoạt động xây dựng, cần phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật liên quan. Đặc biệt, phải lấy ý kiến của các bộ, ngành đối với khu vực ven biển, khu vực cần bảo đảm an ninh quốc phòng theo đúng quy định.
|