Thứ Hai, 11/05/2020 08:10

Giá vàng trong nước sẽ lên 59 triệu đồng/lượng?

Vàng không chỉ là nơi “trú ẩn”, mà còn là kênh đầu tư quan trọng với rất nhiều người.

Vàng vẫn là kênh trú ẩn và đầu tư với nhiều người. Ảnh: Khả Hòa

Dự báo ẩu, nguy cơ vốn chôn vào vàng

Vàng là nơi “trú ẩn” trong nền kinh tế thị trường là điều không phải bàn cãi, khi việc đầu tư kéo theo sự chuyển động của dòng tiền có những biến động lớn. “Trú ẩn” không chỉ có tính ngắn hạn, mà còn có tính dài hạn, khi xét trong thời gian dài thì đầu tư vào vàng có tỷ suất lợi nhuận (tốc độ tăng giá) vẫn cao hơn nhiều kênh đầu tư khác như hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng (biểu hiện bằng giá tiêu dùng), ngoại tệ mạnh (như USD chẳng hạn), bất động sản, chứng khoán (biểu hiện bằng chỉ số chứng khoán)...

Dự đoán về tốc độ tăng/giảm giá vàng có vai trò quan trọng, không chỉ “nắn” sự chuyển động của dòng tiền đầu tư với tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng, mà còn để bảo toàn lượng vốn hoặc giảm lượng tiền phải chi tiêu khi mua, tăng lượng tiền thu được khi cần bán. Sự chuyển động của dòng tiền là một trong những nội dung quan trọng nhất cần tham khảo, cần được theo dõi chặt chẽ của các nhà đầu tư, của các nhà sản xuất kinh doanh và sử dụng. Đối với Việt Nam, đầu tư không chỉ là tổ chức, mà còn là các cá nhân; nhà đầu tư cá nhân lại chiếm tỷ trọng lớn, “tính phong trào” còn lớn và bị tác động lớn của yếu tố tâm lý - tuy không phải là yếu tố kinh tế trực tiếp, nhưng tác động cộng hưởng trong nhiều trường hợp nhanh chóng, thái quá còn lớn hơn cả yếu tố kinh tế.

Do vậy, dự đoán nếu thiếu cơ sở sẽ gây ra những tác hại lớn. Một tác hại lớn quan trọng là “nắn” dòng vốn của xã hội rồi “chôn” vào vàng, trong khi nhiều ngành, lĩnh vực đang rất thiếu vốn hoạt động; việc luân chuyển dòng vốn cần được liên tục, nhanh chóng, bởi luân chuyển vốn nhanh là một trong những yếu tố quan trọng làm tăng vòng quay của vốn, làm cho tổng lượng vốn sử dụng trong năm được tăng lên và làm tăng tỷ suất lợi nhuận, tăng hiệu quả sử dụng vốn. Một tác hại lớn khác là không ít người đã bị thiệt hại lớn như đã từng xảy ra: Như từ 49 triệu đồng/lượng, rơi dần xuống còn 35 triệu đồng/lượng và nằm ở đó trong nhiều năm liền; hay gần đây, sau khi vượt 49 triệu đồng/lượng, giá vàng lại xuống còn dưới 46 triệu đồng/lượng.

“Lướt sóng” vàng tăng mạnh

Để dự đoán, cần dựa vào các cơ sở nhất định. Trước hết là công thức tính toán. Giá vàng trong nước được xác định theo công thức: Giá vàng trong nước = Giá vàng thế giới x Tỷ giá x 1,01 (chi phí, thuế, lợi nhuận).

Ví dụ, giá vàng thế giới hiện là 1.700 USD/ounce, tỷ giá VND/USD hiện là 23.500 VND/USD thì giá vàng trong nước sẽ là 1.700/8,3 × 23.500 × 1,01 = 47,6 triệu đồng/lượng.

Trên cơ sở này, người kinh doanh vàng ở trong nước mua vào 47,1 triệu đồng/lượng và bán ra 47,6 triệu đồng/lượng là hợp lý. Song người kinh doanh vàng ở trong nước thường giãn khoảng cách giữa giá bán và giá mua lên đến hàng triệu đồng/lượng để lãi cao hơn và đề phòng giá xuống. Như vậy, giá vàng trong nước bên cạnh việc phụ thuộc vào giá vàng thế giới, tỷ giá VND/USD thì còn có yếu tố tâm lý của người mua (để đầu tư, để sử dụng).

Năm nay, cụ thể là 4 tháng đầu năm, giá vàng có một số điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, giá vàng biến động (tăng/giảm) không theo chu kỳ dài như mấy thời kỳ trước (giảm 0,38%/năm trong thời kỳ 1992 - 2001; tăng 24,04%/năm trong thời kỳ 2002 - 2011; giảm 3,04%/năm trong thời kỳ 2012 - 2018. Chu kỳ 10 năm và 7 năm). Vàng bước vào thời kỳ tăng cao từ năm 2019 (tăng 16,23% và 4 tháng 2020 tăng 12,14%).

Thứ hai, chu kỳ tăng/giảm khá ngắn (hàng tháng, hàng tuần, thậm chí một vài ngày). Điều đó chứng tỏ trạng thái đầu tư “lướt sóng” mạnh hơn, thường xuyên hơn, nếu thấy cao thì bán, thấp hơn thì mua. Giá vàng tăng ngay cả khi giá USD tăng, khi chứng khoán tăng điểm và ngược lại giá vàng giảm ngay cả khi giá USD giảm, khi chứng khoán giảm điểm.

Thứ ba, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã giảm so với trước kia (khoảng 1 triệu đồng/lượng, thậm chí 400.000 - 500.000 đồng/lượng). Điều đó chứng tỏ tỷ giá VND/USD trong nước ổn định, lạm phát không cao (thậm chí đã giảm trong 3 tháng liền) và nhu cầu đầu cơ vàng không cao như trước. Mức chênh lệch giữa giá bán và giá mua của các công ty, cửa hàng kinh doanh vàng ở mức khá cao (thường ở mức trên dưới 1 triệu đồng/lượng), do họ lo sợ rủi ro khi tăng/giảm lớn, họ sẽ là người thu lợi, còn người mua dễ bị thiệt thòi.

Hiện dự đoán được nhiều chuyên gia, tổ chức uy tín trên thế giới đưa ra là vàng sẽ lên mức 2.000 USD/ounce. Nếu tính giá vàng thế giới ở mức 2.000 USD/ounce, thì giá vàng trong nước sẽ ở mức 2.000/8,3 × 24.088 × 1,01 = 58,9 triệu đồng/lượng.

 

Ngọc Minh

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Giá vàng ngày 10.5: Dậm chân tại chỗ sau một tuần (10/05/2020)

>   Giá vàng ngày 9/5: Vẫn neo trên 48 triệu đồng/lượng (09/05/2020)

>   Sản xuất kinh doanh vàng hết thời? (09/05/2020)

>   Vàng thế giới vẫn tăng trong tuần qua bất chấp đà suy yếu trong phiên (09/05/2020)

>   Giá vàng ngày 8/5: Tăng sát 48,5 triệu đồng/lượng (08/05/2020)

>   Vàng thế giới khởi sắc sau khi giảm 2 phiên liền (08/05/2020)

>   Vì sao vàng nên có trong danh mục đầu tư? (07/05/2020)

>   Giá vàng ngày 7/5: SJC xuống dưới 48,5 triệu đồng/lượng (07/05/2020)

>   Vàng thế giới giảm hơn 1% khi đồng USD tăng và các bang tại Mỹ nới lỏng phong tỏa (07/05/2020)

>   Giá vàng ngày 6/5: SJC đẩy lên gần 49 triệu đồng/lượng (06/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật