Doanh thu ngành thép sụt giảm đồng loạt, lợi nhuận nằm trong tay ông lớn
Thị trường xấu đi vì Covid-19 có thể là xúc tác loại đi những đối thủ cạnh tranh nhỏ và hoạt động không hiệu quả, do đó, là điều kiện củng cố vị thế của những ông lớn đầu ngành.
Thị trường thép ảm đạm trong những tháng đầu năm. Hoạt động sản xuất thép cầm chừng, các giao dịch bán hàng trầm lắng khi hàng loạt các công trình, dự án dừng hoặc giãn tiến độ do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
So sánh quý 1/2020 với cùng kỳ năm trước, sản lượng sản xuất thép cả nước giảm 6% xuống mức 5.73 triệu tấn, bán hàng giảm 12.4% xuống 5.03 triệu tấn và xuất khẩu thép giảm đến 21.3% còn 1.02 triệu tấn. Song, điểm tích cực là tình hình bán hàng thép trong tháng 3 đã khả quan trở lại sau hai tháng ốm yếu đầu năm.
Theo đó, Hòa Phát (HOSE: HPG), hãng thép nội địa lớn nhất nước, cũng có sản lượng tiêu thụ phục hồi trong tháng 3 sau hai tháng sụt giảm. Lũy kế quý 1/2020, HPG đã cung cấp cho thị trường trên 730 ngàn tấn (chưa bao gồm sản lượng phôi thép), xấp xỉ cùng kỳ.
Tình hình bán hàng thép thành phẩm năm 2020
Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam
|
Sự suy yếu trong các hoạt động bán hàng và xuất khẩu của ngành thép thể hiện rõ rệt tại các báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2020 của doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp thép đều có doanh thu sụt giảm, bất kể quy mô hoạt động (từ POM cho đến KKC), dòng sản phẩm (thép xây dựng như VGS, tôn mạ như HSG), hay lĩnh vực (sản xuất như NKG, thương mại như SMC).
Ở góc độ sinh lời, trong khi phần lớn doanh nghiệp đều chứng kiến lợi nhuận teo tóp, thậm chí lỗ, thì những ông lớn đầu ngành như HPG, HSG, NKG lại cho thấy những con số khả quan.
Thị phần ngành thép trong 2 tháng đầu năm 2020
Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam, CTCK Rồng Việt
|
Kết quả kinh doanh ngành thép trong quý 1/2020
Đvt: Tỷ đồng
|
Trong nhóm doanh nghiệp xét đến, hãng thép xây dựng lớn nhất nước HPG là đơn vị duy nhất tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận.
Trong khi đó, ở mảng tôn mạ, anh cả HSG lãi gấp 3.8 lần cùng kỳ với động lực là sự cải thiện của biên lãi gộp. Cụ thể, trong quý 1/2020, biên lãi gộp của doanh nghiệp này đạt mức 18.6%, tăng 730 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
Tương tự, NKG có lãi trong quý đầu năm 2020 với biên lợi nhuận gộp ở mức 8.6%, trong khi cùng kỳ thậm chí ghi nhận việc bán hàng dưới giá vốn.
Đối với nhóm doanh nghiệp có lãi còn lại, dù doanh thu lên đến hàng ngàn tỷ đồng như Đầu tư và Thương mại SMC (HOSE: SMC) và Ống thép Việt Đức (HOSE: VGS) thì lợi nhuận làm ra vẫn rất “còi cọc”.
Với SMC, việc chi phí tài chính tăng đột biến lên mức xấp xỉ 91 tỷ đồng, gấp gần 2.5 lần so với cùng kỳ, đã “ăn” vào hết lợi nhuận doanh nghiệp. Các chi phí này là lãi vay, chênh lệch tỷ giá và khoản trích lập dự phòng hơn 26 tỷ đồng đối với các khoản đầu tư vào cổ phiếu ngành thép (chủ yếu là NKG).
Diễn biến giá cổ phiếu NKG
trong 6 tháng gần nhất
Nguồn: VietstockFinance
|
Một doanh nghiệp báo lỗ lớn trong quý 1 là Thép Việt Ý (HOSE: VIS), khi hoạt động sản xuất kinh doanh bị bóp nghẹt bởi những ảnh hưởng của dịch bệnh.
KHÓA HỌC ONLINE
Phân tích định lượng
- Khai giảng: 19/5/2020
- Ưu đãi 50% ++
Hotline: 0908 16 98 98
>>Đăng ký ngay
|
Hầu hết các công trình và dự án xây dựng sử dụng thép của VIS đều bị đình trệ; đa phần dự án mới không triển khai khiến sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được. Thêm vào đó, việc vận chuyển hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn. Kết quả là sản lượng tiêu thụ của VIS sụt giảm 20% so với cùng kỳ, theo đó, doanh thu quý 1 vừa qua giảm đến 26%.
Tình cảnh của VIS là lát cắt cho thấy sự khó khăn của doanh nghiệp thép nội địa giữa mùa dịch, và thậm chí, một tương lai bất định vẫn đang chờ đón họ.
Sau thời gian chững lại của quý 1/2020, nhu cầu thép tại thị trường trong nước được kỳ vọng sẽ tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, Hiệp hội Thép Việt Nam bày tỏ lo ngại rằng xuất khẩu thép của Trung Quốc cũng sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Khi đó, thép Việt Nam với nguồn nguyên liệu đầu vào chi phí cao sẽ rơi vào thế cạnh tranh gay gắt với những container thép thành phẩm giá rẻ từ Trung Quốc.
Thừa Vân
FILI
|