ĐHĐCĐ VNL: 'Dịch bệnh mang lại những xáo trộn nhưng cũng tạo ra cơ hội'
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Nam Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Logistics Vinalink (HOSE: VNL) trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 vừa diễn ra sáng ngày 28/05.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của VNL diễn ra sáng ngày 28/05
|
Trong năm 2020, VNL lên kế hoạch doanh thu và lãi trước thuế lần lượt đạt 850 tỷ đồng và 20 tỷ đồng, giảm 11% và 23% so với năm trước. Ngoài ra, VNL cũng dự kiến chia cổ tức 1,500 đồng/cp.
Kế hoạch kinh doanh của VNL qua các năm. Đvt: Tỷ đồng
|
Đảm bảo kết quả kinh doanh trực tiếp không giảm so với năm 2019
Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Nam Tiến cho biết tình hình kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 có nhiều yếu tố đặc biệt xuất hiện từ đầu năm là dịch bệnh Covid-19 hoành hành ở Việt Nam và trên toàn thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh và mọi mặt của đời sống xã hội.
Đứng trước tình hình đó, VNL sẽ tập trung thực hiện các biện pháp để duy trì kinh doanh, cố gắng giảm thiểu thiệt hại, chuẩn bị sẵn sàng cho việc khôi phục dịch vụ sau dịch.
Công ty đã phải triển khai nhiều phương án khác nhau để ứng phó với dịch bệnh. Công việc Logistics không dừng, các hoạt động vẫn liên tục xảy ra nên Công ty vẫn cung cấp các dịch vụ bình thường.
“Dịch bệnh mang lại những xáo trộn nhưng cũng tạo ra những cơ hội”. Ông Tiến cho biết đối với mảng hàng không trong 2 tháng gần đây, Công ty đang khai thác thêm mảng dịch vụ y tế và có kết quả rất tốt. Như trong 3 tuần qua, Công ty đã xuất đi 80-90 tấn hàng dịch vụ y tế đi Châu Âu. Kết quả này đã giúp bù lại những mảng khác bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Công ty vẫn đang duy trì và phát triển mảng dịch vụ đường biến và dịch vụ Logistics. Ở mảng đường biển, VNL đang phát triển dịch vụ thương mại điện tử thông qua kênh giao nhận vận chuyển Amazon, bước đầu có những tiến triển tích cực. Còn về mảng Logistics, Công ty tập trung nhắm vào các khách hàng lớn và có sản lượng lớn khoảng 20-30 container/ ngày (600-1000 container/ tháng).
“Công ty vừa thuê thêm một bãi 10,000 m2 ở Bình Dương để làm địa điểm tập kết phương tiện vận tải, container để phục vụ cho các khách hàng ở khu công nghiệp Bình Dương”, Ông Tiến chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội cũng có những thách thức rất lớn mà VNL phải đối mặt. Việc thanh toán công nợ của VNL khó khăn hơn lúc trước rất nhiều vì các khách hàng lấy lý do dịch bệnh để trì hoãn thanh toán công nợ nên việc thu hồi nợ rất khó khăn. Trong năm nay, Công ty sẽ xây dựng lại danh sách khách hàng có chất lượng tốt hơn, ngừng cung cấp dịch vụ đối với các khách hàng trì hoãn quá mức.
VNL cũng đưa ra mục tiêu đảm bảo kết quả hoạt động kinh doanh trực tiếp (bao gồm cả thu từ sử dụng vốn ngắn hạn) không giảm so với năm 2019, ổn định các mảng hàng không, hàng nhập, hàng xuất đường biển, tập trung phát triển dịch vụ Logistics (kể cả dịch vụ nội địa và tại thị trường Campuchia, Lào).
Ngoài ra, VNL cũng lên kế hoạch đầu tư mua sắm thay thế 5 xe vận tải, 15 rơ-mooc, thay thế cho số thanh lý và bổ sung phương tiên vận tải, giá trị đầu tư 12 tỷ đồng.
Đại hội cũng thông qua kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2019. Trong đó, VNL sẽ chi trả 13.5 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 15% (1,500 đồng/cp). Đồng thời, VNL sẽ trích 350 triệu đồng trả thù lao HĐQT và BKS.
Kết quả 2019 đi lùi
Trong năm 2019, VNL ghi nhận gần 884 tỷ đồng doanh thu và 17 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 29% so với năm 2018.
Theo ông Tiến, kết quả sụt giảm là do tình hình kẹt cửa khẩu kéo dài phát sinh chi phí làm giảm hiệu quả kinh doanh, chi phí khấu hao tài sản cố định với văn phòng làm việc tăng 10 lần sau khi đưa văn phòng 226/2 Lê Văn Sỹ, Quận Tân Bình vào sử dụng từ đầu năm 2019. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động đầu tư, tài chính của VNL cũng giảm 38% so với năm trước.
Công ty đã bàn giao cơ sở 145-147 Nguyễn Tất Thành cho đối tác theo hợp đồng Hợp tác kinh doanh và thành lập chi nhánh tại Quy Nhơn để có thể tăng thêm việc cung cấp dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của một số đại lý và hãng tàu.
Tiên Tiên
FILI
|