ĐHĐCĐ HQC: Ít nhất 10 đội nhóm ‘cá mập’ đặt vấn đề làm giá cổ phiếu
Cổ đông đặt nghi vấn về việc cổ phiếu HQC có những diễn biến đáng ngờ trên thị trường chứng khoán.
Chủ tịch Trương Anh Tuấn đã có câu trả lời rõ ràng cho không chỉ cổ đông tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên HQC sáng ngày 30/05/2020, mà còn cho rất nhiều nhà đầu tư và người tham gia thị trường chứng khoán.
THẢO LUẬN TẠI ĐẠI HỘI
Có nhóm không thích cổ phiếu HQC lên mà chỉ cho giữ giá ở mức 1,000 đồng/cp
Cổ đông: Tôi có cảm giác rằng cổ phiếu HQC bị đè, người ta mua bao nhiêu thì bị bán đì xuống bấy nhiêu. Người đầu tư không thể đổ tiền vào được.
Chủ tịch Trương Anh Tuấn: Đây là câu hỏi hay nhất trong ngày và cũng rất khó trả lời. Nếu nói ở góc độ ngoại giao công khai thì tôi không biết và tập thể HQC cũng không biết. Nhưng thực ra chúng tôi biết rất rõ.
Chúng tôi biết và hiểu về tình hình giao dịch của thị trường và cổ phiếu HQC.
Tôi không khẳng định là có đội nhóm, nhưng có việc bất thường diễn ra. Có nhóm không thích cho cổ phiếu HQC lên mà chỉ cho giữ giá ở 1,000 đồng/cp thôi. Lý do ra sao thì tôi không biết.
Với cá nhân tôi thì ít nhất đã có trên 10 đội nhóm, gọi là "cá mập" trên thị trường, đến gặp trực tiếp. Chúng tôi trả lời "không". Chúng tôi không bao giờ bắt tay với đội nhóm nào làm giá cổ phiếu lên hay xuống.
Chủ tịch Tuấn khẳng định rằng muốn làm giá tăng thì phải “đi về bản chất của nó”, giải quyết những khúc mắc trong vấn đề cổ phiếu quỹ, thặng dư vốn và bắt tay với các công ty trong tập đoàn để cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Về vấn đề HQC không thể mua cổ phiếu quỹ do thặng dư vốn âm, ông Tuấn cũng gợi mở một hướng giải quyết là các công ty thành viên của tập đoàn có thể thực hiện mua cổ phiếu HQC, và xem như đó là công ty mẹ thực hiện mua cổ phiếu quỹ.
Giá cổ phiếu thấp như vậy thì phía Công ty có sợ bị thâu tóm hay không?
Chủ tịch Trương Anh Tuấn: Chúng tôi đủ kinh nghiệm để không bao giờ bị thâu tóm. Nói điều này không phải để thách thức thị trường, nhưng nếu bị thâu tóm thì đã xảy ra trong 5 năm qua rồi.
Có nhiều tập đoàn lớn hơn HQC rất nhiều đã đặt vấn đề thâu tóm, nhưng chúng tôi đều “say no”. HQC không bao giờ bị thâu tóm và không bao giờ chúng tôi bán HQC.
Dự án chậm trễ là nỗi đau
HQC gặp rất nhiều vấn đề mà đã được phản ánh nhiều trên truyền thông, đặc biệt là 2 dự án HQC Nha Trang và Hồ Học Lãm. Hướng giải quyết những vấn đề này và tại 2 dự án này sẽ như thế nào?
Chủ tịch Trương Anh Tuấn: Tới giờ này, dự án Hồ Học Lãm có chủ đầu tư là đơn vị thuộc Nhà nước. HQC hợp tác làm 4 block trong tổng thể 6 block. Phần của HQC thì 80% sẽ bán xã hội và 20% bán thương mại. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân, cũng như Nha Trang và các dự án chậm trễ khác là vì chúng ta bỏ nguồn lực thực hiện quá nhiều dự án cùng một lúc. Chúng ta bị phân tán về nguồn lực con người và tài chính, phải bỏ vốn tự có 2 ngàn tỷ đồng để thực hiện. Chúng ta không được tiếp sức bởi các ngân hàng.
Hai dự án này chúng ta đã phải giảm giá 10% cho khách hàng để bù lại việc chậm trễ tiến độ. Cá nhân tôi phải họp với khách hàng và sở ngành để giải quyết.
Đó là một nỗi đau, một kinh nghiệm, nhưng chúng ta đã bàn giao được cho khách hàng và làm đúng pháp luật.
Dự án Nha Trang có 4 block, quy mô 1.2 ngàn căn, và HQC là chủ đầu tư hoàn toàn. Hiện, Công ty đã bàn giao 3 block. Phía HQC đã lỗ 200 tỷ đồng tại dự án này do việc thi công bị kéo dài.
Nếu hoàn thành kế hoạch, toàn bộ lợi nhuận 2020 sẽ đem trả cổ tức
Đề xuất Công ty chuyển đơn vị kiểm toán sang Big4 để nâng cao tính minh bạch và giá trị của HQC!
Kế toán trưởng - Bà Nguyễn Hồng Phương: 2 công ty đề xuất trong tờ trình gửi đến cổ đông đều đảm bảo về năng lực để thực hiện kiểm toán doanh nghiệp niêm yết. Cổ đông có thể yên tâm về vấn đề này. Bên cạnh đó, giá dịch vụ kiểm toán của 2 đơn vị này cũng thấp hơn rất nhiều so với các công ty Big4.
Những năm qua, Công ty không trả cổ tức tiền mặt, đề nghị HQC chi trả cổ tức để đảm bảo lợi ích cho cổ đông và cũng nâng cao giá trị cho cổ phiếu. Thêm nữa, phải chăng công tác quan hệ cổ đông của HQC là một trong những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu sụt giảm nghiêm trọng?
Chủ tịch Trương Anh Tuấn: Chúng tôi sẽ nghiêm túc xem xét lại bộ phận quan hệ cổ đông của Công ty, xin nhận khuyết điểm và sẽ thực hiện cải tổ. Chúng tôi xin phép thành lập một group viber dành cho cổ đông HQC, tôi và các Thành viên HĐQT cũng sẽ đăng ký vào đó và trả lời những câu hỏi của cổ đông.
HQC đang tồn kho về sản phẩm trên 3 ngàn tỷ đồng (toàn tập đoàn là hơn 8 ngàn tỷ đồng), chưa tính các tài sản dở dang. Do đó, Công ty sẽ chưa trả cổ tức trong năm 2020 để giữ lại nguồn tiền đảm bảo hoạt động.
Toàn bộ lợi nhuận năm 2020, nếu hoàn thành kế hoạch, sẽ được đem trả cổ tức và thanh toán vào năm sau, Chủ tịch Tuấn chia sẻ.
Chủ tịch Tuấn đề xuất cách thay thế khác cho việc chi trả cổ tức trước mắt: “Tôi đề nghị trong 8 ngàn sản phẩm của HQC, nếu cổ đông giới thiệu được người mua cho Công ty và thực hiện được giao dịch thì sẽ được hưởng 1% giá trị bán được”.
Về chuyện cổ phiếu có mức giá rất thấp, ông Tuấn nói: “Thị trường có cách nhìn của thị trường và tôi nghĩ thị trường luôn luôn đúng. Nhưng tôi tin rằng cổ phiếu không thể xuống hơn được nữa”.
Hoàn thành kế hoạch 2020 chỉ cần 3 quý?
Chủ tịch HQC cho biết, lợi nhuận trong năm 2020 chỉ cần đến quý 3 là hoàn thành. “Trong năm nay, HQC sẽ tái khởi nghiệp. Chúng ta có giá cổ phiếu là 1 ngàn đồng, tài sản 5 ngàn tỷ đồng, chúng ta có bề dày thương hiệu và quan hệ trong 20 năm nay. Giờ chúng ta phải làm sao để cổ phiếu lên 10 ngàn đồng, làm sao để thực hiện các dự án. 29 công ty thành viên trong tập đoàn sẽ cùng hợp tác để làm điều này.”
Theo ông Tuấn, HQC trong 5 năm qua là “tâm điểm bão táp” và từng có lúc thất bại trong những dự án nhà ở xã hội (NOXH). Giá cổ phiếu lao dốc, còn ngân hàng thì rút vốn tín dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình hình bắt đầu có tín hiệu tích cực từ thị trường và từ cả chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chẳng hạn như Nghị quyết 41.
Vị Chủ tịch chia sẻ rằng, Chính phủ sẽ cung cấp nguồn vốn 3 ngàn tỷ đồng cho NOXH. Trong đó, 1 ngàn tỷ đồng là hỗ trợ khách hàng và 2 ngàn tỷ đồng thông qua hình thức bù lãi suất. Như vậy, nguồn tín dụng tạo ra để giải ngân cho NOXH có thể từ 40-60 ngàn tỷ đồng. Toàn tập đoàn HQC hiện đang thực hiện 25 dự án nhà ở xã hội và “đủ điều kiện hấp thụ nguồn vốn này”.
Điểm tích cực về chính sách tiếp theo là việc điều chỉnh Nghị định 100, mà theo ông Tuấn là "dự thảo có sự điều chỉnh theo hướng tốt hơn", chẳng hạn như các vấn đề liên quan đến biên lợi nhuận cho nhà đầu tư hay các công việc chuyển đổi, hợp tác dự án.
ĐHĐCĐ thường niên 2020 của HQC sáng ngày 30/05
|
Trong 5 năm qua, các ngân hàng không bơm vốn cho HQC
"Trong 5 năm vừa qua, các ngân hàng chỉ rút vốn chứ không bơm thêm cho HQC làm dự án, dẫn đến việc thực hiện các dự án đều bị trễ tiến độ, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty", Chủ tịch Trương Anh Tuấn chia sẻ.
Đối với năm 2020, Ban lãnh đạo HQC đề ra kế hoạch kinh doanh với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng trên 50% so với năm trước.
Nguồn: Tài liệu HQC
|
Tuy nhiên, những chỉ tiêu đề ra vẫn chưa thực sự tương xứng với quy mô tổng tài sản gần 6.7 ngàn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 4.3 ngàn tỷ đồng của Công ty, theo số liệu tính đến cuối quý 1/2020.
Đáng chú ý, Chủ tịch Tuấn bày tỏ sự lạc quan về tình hình hoạt động của HQC trong tương lai. "Trong 5 năm kể từ năm 2020, Công ty sẽ phấn đấu năm nào cũng chia cổ tức bằng tiền mặt, có thể chia một phần hoặc toàn bộ 100% lợi nhuận làm ra trong năm, để đưa cổ phiếu về giá 10 ngàn đồng".
Theo ông Tuấn, quỹ đất hiện nay của HQC đủ để hoạt động trong 5 năm tới. Công ty sẽ triển khai hợp tác với nhiều đơn vị bên ngoài tập đoàn để thực hiện dự án, đặc biệt chú trọng các hợp tác về vốn. “Cần có dòng tiền mặt lớn đủ để triển khai các dự án đang thực hiện và dự án mới, phải đảm bảo các hệ số an toàn và trả dứt nợ cho ngân hàng để đưa HQC về nhóm 1".
Đại hội lần này cũng là thực hiện bầu mới Thành viên HĐQT và Thành viên Ban Kiểm soát HQC, với danh sách trúng cử như sau:
Ông Trương Anh Tuấn tiếp tục được bầu làm Chủ tịch sau cuộc họp ngắn của HĐQT nhiệm kỳ 2020-2024.
Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình đều được thông qua.
Thừa Vân
FILI
|