ĐHĐCĐ FPT Retail: Kết quả kinh doanh sẽ chạm đáy trong năm 2020?
Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HOSE: FRT) tổ chức chiều ngày 28/05/2020. Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ, tháng 4 là thời điểm FRT đóng cửa 170 cửa hàng, tương ứng 1/3 toàn hệ thống.
Kết thúc đại hội, cổ đông FRT đã thông qua tất cả các tờ trình về kế hoạch kinh doanh, kết quả năm 2019, phương án phân phối lợi nhuận cũng như bổ sung ngành nghề kinh doanh.
Phần thảo luận:
Thách thức từ Covid-19 đối với mảng dược phẩm?
Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp: Chuỗi Long Châu làm ăn rất thuận lợi trong giai đoạn dịch bệnh khi người tiêu dùng đẩy mạnh mua hàng tích trữ. Còn hiện tại thì việc kinh doanh dược phẩm đã trở lại bình thường.
Vừa qua, vướng mắc của chuỗi Long Châu là các nhà thuốc đã thuê mặt bằng để mở nhưng lại chưa được cấp giấy phép vì cơ quan chức năng không thể đi kiểm tra trong mùa dịch. Tuy nhiên, mọi thứ hiện đã trở lại bình thường và FRT đang gấp rút đưa các cửa hàng này đi vào hoạt động kinh doanh.
Về câu chuyện rủi ro pháp lý, mỗi nhà thuốc mở ra đều có giấy phép thì mới được đưa vào hoạt động và phải có một dược sĩ đứng tên để đảm bảo về mặt chuyên môn, nhưng đứng tên để kinh doanh thì vẫn là FRT. Công ty không gặp khó khăn gì trong vấn đề này.
Kế hoạch phát triển các ngành hàng mới như thế nào?
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Anh: Tài sản lớn của FRT là hơn 600 mặt bằng đã thuê và lượng khách ghé thăm lớn tại cửa hàng và website của Công ty, cùng với hơn khoảng 5 ngàn nhân viên.
FRT sẽ tận dụng những tài sản hiện có để triển khai kinh doanh thêm nhiều sản phẩm khác. Mảng bán vé máy bay là một hướng đi mà hãng bán lẻ này đánh giá cao. Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm mà FRT có thể triển khai bán chéo.
Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp: Trong tương lai, Công ty sẽ tiếp tục tìm những hướng kinh doanh mới và phát triển liên tục gối đầu để đảm bảo quá trình tăng trưởng của FRT. Đây là bài học rút ra từ việc FRT đã phát triển mảng dược phẩm trễ so với thời điểm mảng điện thoại đi vào chu kỳ bão hòa. “Chúng ta phải bắt đầu càng sớm càng tốt việc này”.
Doanh thu quý 2 giảm từ 15-20%
Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến kết quả kinh doanh của FRT trong quý 2? Các chi phí mặt bằng trong thời gian đóng cửa ra sao?
Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp: FRT ghi nhận quý 1/2020 có kết quả kinh doanh khá tốt, đặc biệt là 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, đến những ngày cuối tháng 3 thì dịch bệnh bắt đầu tác động tiêu cực.
Tháng 4 là thời điểm nhiều cửa hàng bị đóng cửa, khoảng 170 cửa hàng, tương ứng 1/3 toàn hệ thống. Các cửa hàng đã được mở cửa trở lại trong tháng 5. Tuy nhiên, người dân giảm chi tiêu cho những mặt hàng không thiết yếu khi thu nhập của họ suy giảm trong mùa dịch.
Về sơ bộ, doanh thu quý 2 của FRT sẽ giảm từ 15-20%.
Đối với vấn đề chi phí mặt bằng, FRT đã trao đổi với các chủ nhà về việc điều chỉnh giảm giá thuê và đã có sự đồng thuận của hầu hết chủ nhà. Thời gian mà phía FRT được giảm là trong vòng 3 tháng.
Dư nợ phải thu của F.Friends và Subsidy là bao nhiêu? Và phần dư nợ còn lại sẽ được giải quyết như thế nào?
Bà Nguyễn Bạch Điệp: Trong năm 2020, dư nợ của F.Friends và Subsidy còn khoảng 100 tỷ đồng. Phần này đã được trích lập khá đầy đủ trong 2019, và trong năm nay Công ty dự kiến trích lập thêm 10-15 tỷ đồng.
Năm 2019 vừa qua, việc hệ thống phần mềm bị lỗi khiến dư nợ liên quan đến F.Friends và Subsidy tăng lên bất thường. Trong năm 2020, Công ty đã giải quyết được vấn đề phần mềm. FRT sẽ có những hướng đi khác đối với những dịch vụ này, theo đó, phần dư nợ sẽ được dịch chuyển sang các nhà cung cấp dịch vụ tài chính trả góp.
Đại hội thường niên FRT diễn ra chiều ngày 28/05/2020.
|
Tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong những ngành nghề mới
"Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong những ngành nghề mới, mà ở đó có thể phát huy được kinh nghiệm quản trị chuỗi bán lẻ toàn quốc và nền tảng công nghệ của FRT. Chúng tôi sẽ tiếp tục dấn thân." Đó là chia sẻ của Tổng Giám đốc Hoàng Trung Kiên, mở đầu cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HOSE: FRT) tổ chức chiều ngày 28/05/2020.
"Hôm nay tôi vinh dự được tham gia đại hội với cương vị mới là Tổng Giám đốc. Tôi hiểu rằng quý cổ đông và cán bộ luôn đặt ra câu hỏi người lãnh đạo mới sẽ đem lại được giá trị gì cho công ty."
Ông Kiên cho biết, chiến lược của FRT trong 3 năm tới là phát triển thành nhà bán lẻ đa ngành hàng đầu Việt Nam.
FRT hiện đang có chuỗi bán lẻ kỹ thuật số và nhượng quyền Apple. Công ty dự kiến tiếp tục phát triển mô hình shop-in-shop đối với chuỗi kinh doanh sản phẩm kỹ thuật số và đầu tư mạnh vào mảng dược phẩm, với chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu.
Trong năm 2019 và đầu 2020, FRT cùng Long Châu đã tiến hành mở rộng và tuần vừa rồi đã đạt 100 cửa hàng. Đến cuối 2020 dự kiến là 220 cửa hàng.
Trong những năm qua, FRT loay hoay trong việc tìm kiếm tăng trưởng khi mà mảng chủ lực là kinh doanh thiết bị công nghệ (điện thoại, laptop,…) bắt đầu chững lại trong một thị trường bão hòa.
FRT đã triển khai các dịch vụ mới để thúc đẩy doanh số như các chương trình mua hàng trả góp F.Friends, chương trình trợ giá mua Subsidy, cho đến việc kinh doanh các dòng sản phẩm mới như mắt kính, đồng hồ, mỹ phẩm, dược phẩm. Những nỗ lực đó giúp FRT duy trì được mức tăng trưởng doanh thu trong năm 2019, tuy nhiên, lợi nhuận có sự sụt giảm mạnh, mà đáng chú ý là khoản thua lỗ trong quý cuối cùng của năm này.
Tất cả đều chưa thực sự tạo được sự an tâm cho cổ đông về tương lai của FRT và theo đó giá cổ phiếu này đã liên tục sụt giảm kể từ ngày lên sàn, cho đến khi đột ngột bật tăng kể từ đầu tháng 04/2020.
Mảng tiềm năng nhất được nói đến lúc này chính là dược phẩm với mũi nhọn là chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Trong năm 2020, FRT dự kiến doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 15,320 tỷ đồng và 220 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 21% so với 2019.
Công ty sẽ chú trọng đến việc tăng doanh thu của hệ thống cửa hàng bằng việc đưa vào các sản phẩm mới theo hình thức shop-in-shop. Theo tờ trình gửi đến cổ đông, Ban lãnh đạo FRT đề xuất bổ sung nhiều ngành nghề liên quan đến việc kinh doanh sản phẩm y tế, mỹ phẩm, và thậm chí là cả thực phẩm, đồ dùng gia đình, đại lý du lịch,…
Về phương án phân phối lợi nhuận, Ban lãnh đạo FRT trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% cho năm 2019 (thực hiện vào quý 3/2020). Đối với năm 2020, cổ tức tiền mặt dự kiến sẽ không vượt quá 15%.
Cổ đông FRT cũng sẽ thực hiện bầu mới 1 vị trí Thành viên HĐQT và 1 Thành viên Ban Kiểm soát trong cuộc họp lần này.
Danh sách ứng viên HĐQT và Ban Kiểm soát
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ của FRT
|
Năm 2020 sẽ là đáy kinh doanh của hệ thống FRT
Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp cho biết, FRT đã nhìn thấy được lỗ hổng của 2 chương trình F.Friends và Subsidy trong năm 2019. Theo đó, Công ty sẽ tiến hành giảm những mảng kinh doanh này trong năm 2020, và do đó mảng kinh doanh thiết bị kỹ thuật số sẽ có sự suy giảm doanh thu.
Bù lại, chuỗi Long Châu được kỳ vọng sẽ tăng gấp 3 lần về doanh thu từ 500 tỷ đồng của năm 2019 lên 1.5 ngàn tỷ đồng trong năm 2020.
“Năm 2020 sẽ là đáy kinh doanh của hệ thống FRT”, bà Điệp nói.
Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp: "Đây là kế hoạch mà phía FRT đã tính toán cả những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lên kết quả kinh doanh".
|
Trong mùa dịch, mảng online đóng góp đến 50% doanh thu của FRT, so với mức xấp xỉ 25% trong thời điểm bình thường. Công ty sẽ tập trung khai thác sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng, là hướng đến mua sắm trực tuyến. FRT cũng triển khai mở rộng thêm tập khách hàng liên kết với nhà mạng Mobifone, Đại học FPT hay với FPT Telecom,...
FRT đặt mục tiêu 1 ngàn tỷ đồng doanh thu đối với mảng phụ kiện tại hệ thống cửa hàng thiết bị kỹ thuật số, qua đó, giúp cải thiện nhiều về mặt lợi nhuận.
Thừa Vân
FILI
|