Dầu WTI tăng hơn 3% về lại trên mốc 20 USD/thùng
Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục tăng mạnh vào ngày thứ Hai (04/05), với giá dầu WTI trở lại trên mốc 20 USD/thùng, được hỗ trợ bởi những thông báo gần đây về cắt giảm sản lượng tự nguyện của các doanh nghiệp dầu mỏ Mỹ, MarketWatch đưa tin.
“Việc cắt giảm sản lượng tự nguyện tại Mỹ, Canada và Na Uy, cùng với thỏa thuận cắt giảm của OPEC+ hiện đã bắt đầu, đang loại bỏ 13-15 triệu thùng dầu/ngày khỏi thị trường”, Manish Raj, Giám đốc tài chính tại Velandera Energy, nhận định.
Nhà đầu tư cũng chú ý đến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc xử lý sự bùng phát Covid-19. Đây được xem là một chất xúc tác cho tâm lý tiêu cực ở một hàng hóa vốn đang trong tình trạng dư cung.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex vọt 61 xu (tương đương 3.1%) lên 20.39 USD/thùng, sau khi rớt xuống mức đáy trước đó trong phiên là 18.05 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn cộng 76 xu (tương đương 2.9%) lên 27.20 USD/thùng.
“Nhà đầu tư đang phản ứng với thỏa thuận cắt giảm của OPEC+ hiện đã có hiệu lực, tại thời điểm một số quốc gia cũng đang dần nới lỏng các lệnh phong tỏa”, Fawad Razaqzada, Chuyên gia phân tích kỹ thuật tại ThinkMarkets, nhận định. Một thỏa thuận giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, đã cắt giảm sản lượng 9.7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6 chính thức bắt đầu vào ngày 01/05/2020.
Đại dịch Covid-19 đã giáng đòn nặng nề vào nhu cầu dầu thô, khi các nền kinh tế thu hẹp trong bối cảnh những nỗ lực để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh này. Những dấu hiệu về sự leo thang căng thẳng Mỹ-Trung có khả năng tạo ra rào cản mới đối với dầu, các chuyên gia phân tích chia sẻ.
Hôm Chủ nhật (03/05), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, cho biết ông đã thấy “bằng chứng rõ ràng” rằng virus Corona có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc, và trong một cuộc phỏng vấn riêng với Fox Business, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông tin rằng Trung Quốc “đã phạm một sai lầm khủng khiếp và họ không muốn thừa nhận điều đó”.
Nỗi lo về khả năng trả đũa từ Mỹ đối với việc xử lý dịch bệnh của Trung Quốc có thể góp phần làm tăng thêm lo ngại về nhu cầu dầu thô ngay tại thời điểm tồi tệ nhất này.
Trong khi đó, sản lượng dầu tại Mỹ đang giảm xuống trong phản ứng với sự sụt giảm nhu cầu.
“Số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ tiếp tục giảm sâu trong tuần với việc các nhà sản xuất chủ chốt thông báo kế hoạch cắt giảm số lượng giàn khoan tới 75%, cho thấy khả năng sản lượng tiếp tục giảm sâu”, Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại Schneider Electric, cho hay.
Số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã giảm tuần thứ 7 liên tiếp, dữ liệu từ Baker Hughes công bố vào ngày thứ Sáu tuần trước (01/05) cho thấy.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng xăng giao tháng 6 vọt 7.2% lên 82.15 xu/gallon, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 13/03/2020. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 6 tiến 0.9% lên 80.31 xu/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 6 tăng gần 5.5% lên 1.993 USD/MMBtu.
An Trần
FILI
|