Đâu là nỗi lo lớn nhất của lãnh đạo doanh nghiệp về Covid-19?
Suy thoái kéo dài là câu trả lời của các nhà điều hành doanh nghiệp khi được hỏi về điều khiến họ lo ngại nhất về tác động của Covid-19. Chưa dừng lại ở đó, vẫn còn nhiều nỗi lo khác khiến họ “thức giấc giữa đêm”.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng tỏ ra lo ngại về làn sóng phá sản, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ và tấn công mạng (cyber attacks) từ làn sóng chuyển sang làm việc từ xa (remote working), dựa trên báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Marsh & McLennan và Zurich Insurance Group.
Các tác giả đã khảo sát gần 350 chuyên gia quản lý rủi ro cấp cao từ các công ty lớn trên khắp thế giới. Theo báo cáo này, 2/3 người tham gia khảo sát cho rằng suy thoái toàn cầu kéo dài là rủi ro đáng lo ngại nhất của các công ty. Ngoài ra, các tác giả cũng cảnh báo về tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng, cam kết về khí hậu yếu hơn và lạm dụng công nghệ là những rủi ro từ đại dịch Covid-19.
Cuộc khảo sát được thực hiện trong 2 tuần đầu của tháng 4/2020.
Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đang tìm cách chữa lành “vết thương” do Covid-19 gây ra, cho phép tái mở cửa doanh nghiệp, trường học và giao thông, đồng thời hạn chế rủi ro xảy ra làn sóng nhiễm bệnh thứ hai.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo GDP toàn cầu sẽ thu hẹp 3% trong năm 2020, mức giảm sâu nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái của thập niên 30.
“Covid-19 đóng sầm cánh cửa hoạt động kinh tế, buộc các nhà hoạch định chính sách tung ra các gói cứu trợ hàng ngàn tỷ USD và có khả năng tạo ra sự chuyển đổi về cấu trúc trong nền kinh tế toàn cầu, khi các quốc gia lên kế hoạch để gượng dậy sau dịch”, các tác giả của báo cáo WEF cho biết.
“Sự gia tăng về nợ có khả năng tạo gánh nặng cho ngân sách Chính phủ và bảng cân đối của doanh nghiệp trong nhiều năm tới… Các nền kinh tế mới nổi có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng sâu hơn, trong khi các doanh nghiệp có thể đối mặt với tình trạng bất lợi về lượng tiêu thụ, hoạt động sản xuất và mẫu hình cạnh tranh”, họ nói thêm.
IMF dự báo nợ công ở các quốc gia phát triển sẽ tăng lên 122% GDP trong năm nay, từ mức 105% trong năm 2019. Sự suy yếu về vị thế tài chính ở các nền kinh tế lớn là một nỗi lo của 40% nhà điều hành tham gia khảo sát. Các tác giả cho rằng những khoản chi tiêu của ngày hôm nay có thể dẫn tới kỷ nguyên thắt lưng buộc bụng hoặc nâng thuế trong tương lai.
Khi được hỏi về những lo ngại lớn nhất của họ về thế giới, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát đề cập tới mức tỷ lệ thất nghiệp cao, nhất là trong giới trẻ, và khả năng tái bùng phát dịch bệnh hoặc một loại bệnh truyền nhiễm khác.
“Đại dịch Covid-19 sẽ có tác động kéo dài, khi tỷ lệ thất nghiệp cao ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, tình trạng bất bình đẳng, đồng thời tạo ra thách thức cho hệ thống bảo trợ xã hội”, Peter Giger, Giám đốc rủi ro tại Zurich, cho biết trong một tuyên bố.
“Với quá nhiều áp lực đối với việc làm và giáo dục – hơn 1.6 tỷ sinh viên không đến trường trong lúc đại dịch hoành hành, Covid-19 có nguy cơ tạo ra một thế hệ lạc lõng và mất phương hướng khác (lost generation). Các quyết định tại thời điểm này sẽ quyết định tương lai sẽ ra sao”, ông nói thêm.
“Sự phổ biến của tình trạng các nhân viên có kỹ năng cao làm việc từ xa có thể tạo thêm sự mất cân bằng trên thị trường lao động”, các tác giả của báo cáo WEF cho biết.
Tại thời điểm này, đã xuất hiện bằng chứng cho thấy những người lao động di cư có thu nhập thấp đang hứng chịu tác động kinh tế từ các biện pháp phong tỏa.
Vũ Hạo (Theo CNN)
FILI
|