Thứ Tư, 20/05/2020 16:29

Đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết sớm phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA

Thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA) vào chiều 20/5, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự thống nhất cao đối với sự cần thiết sớm phê chuẩn 2 Hiệp định quan trọng này.

Đại biểu Quốc hội đồng ý phê chuẩn sớm Hiệp định EVFTA

Các đại biểu đánh giá cao Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế trong quá trình đàm phán đi đến ký kết hai Hiệp định EVFTA và EVIPA, Đoàn công tác Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ vận động phê chuẩn hai Hiệp định, các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước thành viên EU và EU.

Cùng với CPTPP, EVFTA và EVIPA đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Việc phê chuẩn các Hiệp định sẽ gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp; giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam để không bị phụ thuộc vào một thị trường nào, góp phần bảo đảm an ninh kinh tế.

Việc Việt Nam ký và phê chuẩn FTA với EU vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tiếp tục tạo đà cho việc hội nhập kinh tế quốc tế và hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch COVID-19 qua các thị trường CPTPP và EU.

Về chính trị, trong lúc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA năm 2020, sẽ góp phần khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong các cam kết quốc tế qua đó nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

“Đây là thời điểm chúng ta cần nhiều động lực để phát triển. EVFTA sẽ là một trong những động lực quan trọng giúp đẩy mạnh xuất khẩu, khai thông thị trường và và cũng là cơ hội để chúng ta hiện thực hóa những mục tiêu trong tái cơ cấu kinh tế”, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phát biểu.

Còn đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) thì cho rằng, việc phê chuẩn EVFTA là cần thiết, phù hợp, đúng thời điểm, góp phần quan trọng trong tạo đà cho phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19; khẳng định sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hội nhập quốc tế và Hiệp định này thực sự là “con đường cao tốc hướng Tây” và được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích hết sức thiết thực.

Đồng quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm thực thi các cam kết trong Hiệp định theo đúng lộ trình và chủ động tận dụng, phát huy tối đa các lợi ích mà Hiệp định mang lại.

Một số ý kiến cho rằng, đi cùng với những lợi ích, cũng cần có những giải pháp để hạn chế những tác động, thách thức từ Hiệp định EVFTA trong đó có thách thức về sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ từ EU cho doanh nghiệp, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.

Báo cáo đánh giá tác động của Hiệp định được Chính phủ tiến hành vào cuối năm 2019 và đề nghị Chính phủ đánh giá thêm tác động của Hiệp định sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là các khó khăn thách thức do đại dịch ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa xã hội, nhất là tăng trưởng GDP, thu ngân sách, cơ cấu ngành, thu hẹp thị trường, giảm việc làm.

Đồng thời, Chính phủ cần dự báo xu hướng phát triển kinh tế quốc tế; đề ra các giải pháp xử lý để bảo đảm an ninh chính trị,an ninh kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cập nhật và đánh giá cụ thể hơn tác động tích cực và tiêu cực của Hiệp định đến các ngành, lĩnh vực để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tận dụng tốt các cơ hội và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ Hiệp định, đồng thời có chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng từ Hiệp định.

Trong báo cáo thẩm tra việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày vào sáng 20/5 cho biết, căn cứ Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và các ý kiến thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại xin kiến nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại một kỳ họp và tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; cho phép áp dụng Hiệp định này với Anh cho đến hết giai đoạn chuyển tiếp ngày 31/12/2020 và có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Anh và Liên minh châu Âu về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Đồng thời giao Chính phủ thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương với Anh trên cơ sở Hiệp định EVFTA với những điều chỉnh phù hợp bảo đảm lợi ích cho cả hai bên để áp dụng thay thế cho Hiệp định EVFTA khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Thêm 7 dự án BOT bị giảm thời gian thu phí 56,4 năm sau kiểm toán (20/05/2020)

>   Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA (20/05/2020)

>   Dự án ngàn tỷ làm với Trung Quốc, thua lỗ nặng mà không dám kiện (20/05/2020)

>   Mục tiêu đến 2025 có 55% dân số Việt Nam mua sắm trực tuyến (20/05/2020)

>   Khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới ông chủ chuỗi Món Huế (19/05/2020)

>   Hiệp định EVFTA 'có thể' được Quốc hội phê duyệt ngay vào cuối tháng 5? (19/05/2020)

>   Ngành đường sắt chịu tác động kép, dự kiến lỗ hơn 600 tỷ đồng năm 2020 (19/05/2020)

>   Cháu gái Út 'trọc' khai tay không lập công ty ngàn tỉ (19/05/2020)

>   Loạt dự án điện mặt trời bán cho nhà đầu tư ngoại (19/05/2020)

>   Cửa hẹp cho hãng hàng không mới? (19/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật