Cuộc tháo chạy trước giờ G tại SVC
Mức tăng giá cổ phiếu hòa cùng đà bứt phá của thị trường chứng khoán đã ngụy trang cho câu chuyện ‘đằng sau cánh gà’ tại SVC?
SVC là một trong những cổ phiếu bị bán ròng mạnh mẽ nhất bởi khối ngoại trong thời gian qua.
|
Kể từ cuối tháng 2 đến nay, cổ phiếu của CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, HOSE: SVC) đã bị khối ngoại bán ròng trên 600 tỷ đồng, đứng thứ sáu trong nhóm cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất tại HOSE.
Tại sao một cổ phiếu vốn hóa tầm trung như SVC lại có lượng bán ròng lớn đến như thế, thậm chí vượt cả những doanh nghiệp có giá trị thị trường gấp hàng chục, hàng trăm lần.
Các nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu tối đa 49% SVC và đây cũng là một trong những cổ phiếu được khối ngoại ưa thích. Vào thời điểm 26/02/2020, khối ngoại vẫn sở hữu đến hơn 47% cổ phần của SVC.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng một tháng rưỡi sau đó (12/05), nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn nắm xấp xỉ 8.7%.
Những cổ đông lớn nước ngoài tại SVC từ PYN Elite Fund, Endurance Capital Vietnam, FinansiaSyrus Securities, nhóm quỹ Tundra hay Probus Opportunities đều lần lượt bán ra.
Cuộc di tản của cổ đông lớn ngoại quốc
Số liệu trình bày tỷ lệ sở hữu cổ phần tại SVC của các quỹ đầu tư. Nguồn: VietstockFinance
|
Đáng chú ý, các giao dịch bán ra của khối ngoại phần lớn đều thực hiện thỏa thuận sang tay cho nhà đầu tư trong nước. Những bên mua này vẫn chưa hề lộ danh tính.
Manh mối từ quỹ ngoại
SVC tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1982 với lĩnh vực kinh doanh chính là cung cấp các dịch vụ cho ô tô, xe máy, dịch vụ vận chuyển,… rồi dần phát triển thành đơn vị thương mại, đại lý kinh doanh Toyota, Ford, Suzuki,… Năm 2006, SVC đưa cổ phiếu lên niêm yết tại HNX trước khi chuyển sang sàn HOSE vào năm 2009.
Ngoài mảng kinh doanh xe, Savico cũng sở hữu Trung tâm thương mại Savico MegaMall tại Hà Nội và Trung tâm hội nghị tiệc cưới Melisa Center tại TP HCM. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đang có kế hoạch triển khai thêm 4 dự án bất động sản khác (104 Phổ Quang, Khu dân cư Hiệp Bình Phước - Tam Bình, Dự án Nam Cẩm Lệ, Khu dân cư Long Hòa - Cần Giờ).
SVC đạt doanh thu gần 18.3 ngàn tỷ đồng trong năm 2019, tăng 23% so với năm trước, chủ yếu là từ mảng kinh doanh ô tô. Theo báo cáo thường niên được công bố gần nhất, SVC nắm trong tay 52 đại lý kinh doanh ô tô trên khắp cả nước và dự kiến nâng con số này lên 72 đến năm 2025.
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SVC không tạo được nhiều ấn tượng với giới đầu tư trong ba năm qua khi thường xuyên giao dịch lình xình, thanh khoản thấp.
Cơ cấu cổ đông của SVC tương đối cô đặc. Chủ sở hữu lớn nhất là cổ đông Nhà nước Tổng Công ty Bến Thành, nắm giữ 40.78% cổ phần. Tiếp sau đó là các quỹ đầu tư nước ngoài, xét đến trước thời điểm diễn ra đợt thoái vốn ồ ạt.
Cổ phiếu SVC lình xình ngay cả khi thị trường lao dốc trong tháng 03/2020. Tuy nhiên, sự êm ả đó đã bị phá vỡ trong khoảng gần hai tháng trở lại đây. Kể từ ngày 25/03 đến nay, SVC đã tăng giá trên 75%, tương ứng tổng giá trị thị trường tăng từ mức xấp xỉ 1.05 ngàn tỷ đồng lên đến 1.85 ngàn tỷ đồng.
Sự bứt tốc thần kỳ của cổ phiếu diễn ra giữa bối cảnh doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh sụt giảm 25% đối với doanh thu và gần 80% đối với lợi nhuận ròng trong quý 1. Phải chăng các nhà đầu tư nước ngoài đã quyết dứt áo ra đi vì nghịch lý này?
Đó có vẻ không phải là lý do cho cuộc tháo chạy của PYN Elite Fund, quỹ ngoại Phần Lan đang quản lý hàng trăm triệu USD.
Trong một báo cáo đăng tải trên website ngày 24/03/2020, PYN Elite Fund cho biết: “Chúng tôi đã bán toàn bộ một vị thế (cổ phiếu - PV) nhỏ và không mấy thanh khoản tại chuỗi đại lý xe hơi SVC trong giai đoạn thị trường biến động. Một cuộc chạy đua quyền sở hữu tại doanh nghiệp đã mở đường cho phi vụ thoái vốn.”
PYN Elite Fund thu về khoảng 90 tỷ đồng (3.6 triệu EUR) tiền mặt từ thương vụ. Sau đó, quỹ ngoại này lập tức gia tăng khoản đầu tư tại VEA, cũng là một đơn vị trong ngành ô tô và xe máy.
Giờ G
Cuối tháng 5 sắp tới, cuộc họp cổ đông thường niên 2020 của SVC sẽ được tổ chức. Đây là mốc thời điểm quan trọng, bởi lẽ, bộ sậu HĐQT và Ban kiểm soát của Công ty sẽ kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020, và theo đó, sẽ được bầu mới vào kỳ họp thường niên lần này.
Hai đại diện của quỹ ngoại Endurance, là Thành viên HĐQT Lars Johan Gerard De Geer và Thành viên Ban Kiểm soát Đinh Trúc Phương, nhiều khả năng sẽ không tiếp tục ứng cử.
Hiện, Chủ tịch của SVC là ông Mai Việt Hà, người được bổ nhiệm thay thế cho nguyên Chủ tịch Nguyễn Bình Minh. Ông Minh từ nhiệm vị trí Chủ tịch SVC vào cuối tháng 09/2019, theo sự điều động của Ủy ban Nhân dân TP HCM sang công tác tại doanh nghiệp khác nên không tiếp tục giữ vai trò đại diện vốn cho TCT Bến Thành.
Trong đợt thay đổi nhân sự cấp cao thời điểm đó, ông Hà cũng thôi giữ chức Tổng Giám đốc SVC và người thay thế là ông Phan Dương Cửu Long. HĐQT Công ty hiện cũng đang khuyết một vị trí (1/8) từ sau khi ông Minh từ nhiệm.
Theo báo cáo quản trị năm 2019 của SVC, không thành viên HĐQT nào trực tiếp sở hữu lượng cổ phần đáng kể tại Công ty.
Thừa Vân
FILI
|