Các chỉ số chủ chốt giảm mạnh, kinh tế Nhật có nguy cơ suy thoái sâu
Một loạt số liệu kinh tế từ sản xuất công nghiệp, việc làm và doanh số bán lẻ, đã giảm sơ bộ 4,9 điểm so với tháng trước đó - tốc độ suy giảm hàng tháng cao nhất của chỉ số trùng kể từ năm 2011.
* Nhật Bản sắp công bố kế hoạch tái khởi động nền kinh tế
* Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp dời hoạt động sản xuất sang ASEAN
* NHTW Nhật Bản gia tăng gói kích thích với cam kết mua trái phiếu không giới hạn
Người dân Tokyo xếp hàng tại một siêu thị. (Nguồn: Reuters)
|
Ngày 12/5, Chính phủ Nhật Bản đưa ra cảnh báo về một cuộc suy thoái sâu khi các chỉ số kinh tế chủ chốt tháng Ba giảm với tỷ lệ mạnh nhất kể từ năm 2011, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.
Trong báo cáo về chỉ số chủ chốt, Chính phủ Nhật Bản vẫn giữ quan điểm nhận định rằng nền kinh tế đã “xấu đi” trong tháng Ba cũng như trong tháng Tư, điều này tạo ra một viễn cảnh kinh tế ảm đạm cho nền kinh tế Xứ sở hoa anh đào.
Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, chỉ số trùng trong tháng Ba, bao gồm một loạt số liệu kinh tế từ sản xuất công nghiệp, việc làm và doanh số bán lẻ, đã giảm sơ bộ 4,9 điểm so với tháng trước đó xuống còn 90,5 (điểm). Đây là tốc độ suy giảm hàng tháng cao nhất của chỉ số trùng kể từ năm 2011 khi thảm họa động đất, sóng thần và nguyên tử tàn phá Nhật Bản.
Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy Nhật Bản đã rơi vào suy thoái bởi dự báo cuộc khủng hoảng COVID-19 làm nền kinh tế nước này sụt giảm quý thứ hai liên tiếp trong giai đoạn từ tháng 1-3/2020.
Nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục suy giảm trong giai đoạn ba tháng tính đến tháng 6/2020, với việc Chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong tháng Tư để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch và kéo dài đến hết tháng Năm.
Chính phủ Nhật Bản đã triển khai một loạt các biện pháp kích thích kinh tế với trị giá hàng tỷ USD để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.
Thủ tướng Shinzo Abe ngày 11/5 đưa ra tín hiệu về một loạt các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung để đối phó với sự suy giảm kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, đồng thời đánh tín hiệu về việc sẵn sàng bổ sung ngân sách lần hai trong cuộc họp Quốc hội kéo dài đến tháng 6/2020./.
Q.Chung
Vietnam+
|