Thứ Năm, 21/05/2020 19:55

Bộ GTVT đề xuất dùng ngân sách thanh toán cho các trạm BOT bị phản đối

Với 4 trạm BOT bị người dân phản đối quyết liệt, Bộ GTVT đề xuất dùng ngân sách trả cho chủ đầu tư 2 trạm, 1 trạm sẽ giảm giá để tiếp tục thu, nhưng “trường hợp quá khó khăn” thì cũng sẽ dùng ngân sách để bù.

Trường hợp quá khó khăn, Bộ GTVT sẽ đề xuất dùng ngân sách trả cho chủ đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. Ảnh: TN

Tiếp tục thu sẽ phát sinh nguy cơ mất an ninh trật tự

Tại báo cáo vừa gửi đến Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải đã cập nhật thông tin về việc rà soát, xử lý các tồn tại, bất cập, vướng mắc về vị trí trạm BOT; đặc biệt là các trạm bị người dân phản đối quyết liệt vì đầu tư một nơi, nhưng đặt trạm thu phí một nẻo.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung này tại nhiều báo cáo từ năm 2015 đến nay. Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để xem xét một cách cẩn trọng và có nhiều chỉ đạo cụ thể và kịp thời.

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đánh giá, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục bất cập tại các trạm BOT trên các tuyến quốc lộ.

Đến nay, 15/19 trạm đã được khắc phục, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông đã ổn định. Đối với 4/19 trạm bất cập còn lại, "do tính chất đặc thù nên việc triển khai các giải pháp xử lý gặp nhiều vướng mắc", cụ thể như sau:

Trạm Bỉm Sơn (thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh phía tây TP.Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6), do nằm ngoài phạm vi dự án, nếu tiếp tục thu phí để hoàn vốn cho tuyến tránh phía tây TP.Thanh Hóa sẽ phát sinh nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, theo báo cáo của Bộ.

Thực hiện kết luận của Chính phủ tại Thông báo số 108 ngày 26.6.2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa và nhà đầu tư nghiên cứu phương án di dời trạm Bỉm Sơn về tuyến tránh phía tây để hoàn vốn.

Tuy nhiên, do hiện tại có 3 tuyến song hành (gồm quốc lộ 1 qua TP.Thanh Hóa, tuyến tránh phía đông và tuyến tránh phía tây), đồng thời trên tuyến có nhiều vị trí giao cắt, nên các xe có thể tránh trạm, khiến việc đặt trạm thu phí trên tuyến tránh phía tây không thể bảo đảm hoàn vốn cho dự án. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải “dự kiến sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư”.

Tiếp tục thu phí, nhưng “trường hợp quá khó khăn” sẽ đề xuất dùng ngân sách để bù

Với trạm thu phí trên quốc lộ 3 (thu phí hoàn vốn cho dự án BOT xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100), Bộ Giao thông vận tải cho biết đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên để thống nhất về phương án giảm giá.

Đến nay, phương án giảm giá đã được thống nhất, các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi dưới nhiều hình thức đến các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, theo ý kiến của UBND tỉnh Thái Nguyên, còn một bộ phận nhân dân chưa đồng tình, thường xuyên tụ tập phản đối tại trạm thu phí, ban tiếp công dân của tỉnh và yêu cầu dỡ bỏ trạm thu phí, được đối thoại với cấp có thẩm quyền.

Sau diễn biến này, Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên để thống nhất phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trước khi cho phép nhà đầu tư tổ chức thu phí lại (theo phương án giảm giá). Tuy nhiên, UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng sẽ có thể phát sinh các tình huống phức tạp về an ninh trật tự, an toàn giao thông khi triển khai thu phí.

Bộ này cho biết sẽ cùng UBND tỉnh Thái Nguyên “chỉ đạo các cơ quan liên quan có giải pháp để hạn chế tối đa phát sinh các tình huống phức tạp”; “trường hợp quá khó khăn, Bộ Giao thông vận tải sẽ dừng thu phí và báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư và xóa trạm trên quốc lộ 3”.

Đối với trạm thu phí T2 (hoàn vốn cho dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 và quốc lộ 91B), Bộ Giao thông vận tải cho biết đã làm việc với UBND TP.Cần Thơ và tỉnh An Giang để xem xét các phương án xử lý vướng mắc.

“Trên cơ sở đánh giá tình hình an ninh, trật tự, Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của các địa phương, lựa chọn phương án không tiếp tục thu phí tại trạm T2, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho phần đầu tư quốc lộ 91B, giao UBND TP.Cần Thơ tiếp nhận, quản lý bảo trì đoạn tuyến quốc lộ 91B đã đầu tư nêu trên”, báo cáo nêu.

Đối với trạm thu phí La Sơn - Túy Loan, trên cơ sở tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, các cơ quan liên quan, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng và đề xuất phương án không sử dụng trạm thu phí La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn, bổ sung vốn nhà nước để hỗ trợ nhằm bảo đảm hiệu quả tài chính.

Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp thì cơ chế thu phí trạm La Sơn - Túy Loan không chịu tác động của luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nên vẫn có thể xem xét tiếp tục cho thu phí.

“Do có những khó khăn, vướng mắc về giải pháp xử lý các trạm bất cập nêu trên, nên đến nay các trạm vẫn chưa được thu phí, gây sụt giảm doanh thu tại các dự án. Trường hợp không được khắc phục sớm, sẽ phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chính sách điều hành tiền tệ của quốc gia cũng như môi trường thu hút đầu tư tư nhân, tạo áp lực về ngân sách nhà nước trong các giai đoạn tiếp theo”, báo cáo cũng nêu rõ hơn.

Nhiều dự án sẽ vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng giá BOT đến 2022

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, đến nay, có 49 dự án BOT đã đến kỳ tăng giá theo hợp đồng. Tuy nhiên, do Chính phủ chỉ đạo chưa tăng giá, nên sẽ có nhiều dự án bị phá vỡ phương án tài chính nếu phải lùi thời điểm tăng giá đến năm 2022.

Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của dự án, không đảm bảo kế hoạch trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu...

Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, tính toán cụ thể và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý.

Vũ Hân

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Bộ GTVT đề xuất nhiều mức miễn, giảm phí bảo trì đường bộ (21/05/2020)

>   Việt Nam tiếp tục nhập siêu gần 1 tỷ USD (21/05/2020)

>   Cơ hội có một không hai để thoát khỏi thân phận đang phát triển (21/05/2020)

>   Đa dạng hóa chuỗi cung ứng: Không hoang phí nỗ lực đàm phán (21/05/2020)

>   Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực khi EVFTA có hiệu lực (21/05/2020)

>   EVFTA: Muốn phóng trên 'cao tốc' thì phải làm tốt 'đường gom', 'lối mở' (21/05/2020)

>   Panasonic dời dây chuyền tủ lạnh, máy giặt từ Thái Lan sang Việt Nam (21/05/2020)

>   Đề xuất bơm tiền thực cho doanh nghiệp vượt Covid-19 (21/05/2020)

>   Tháo gỡ vướng mắc về sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài (21/05/2020)

>   Không nên 'trói' dự án bằng quy mô (21/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật