‘Tỷ giá năm nay sẽ biến động mạnh’
Yếu tố chính khiến tỷ giá giữa đô la Mỹ (USD) và đồng Việt Nam (VND) tăng trong 4 tháng đầu năm đến từ sự tăng giá của đồng USD trên thị trường thế giới.
Tỷ giá 3 lần tạo đỉnh
Kết thúc 4 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng tỷ giá trung tâm USD/VND thêm 102 đồng, tương đương tăng 0.4% so với đầu năm 2020, niêm yết ở mức 23,257 đồng/USD tại ngày 29/04/2020.
Mặc dù có nhiều đợt giảm, song, tỷ giá trung tâm USD/VND từ đầu năm đến nay vẫn theo hướng đi lên, tạo 3 “đầu sóng”. Tỷ giá trung tâm leo lên mức 23,245 đồng/USD vào ngày 25/02, tăng 0.4% so với đầu năm do giá USD tăng mạnh, đây cũng là mức đỉnh mới được thiết lập trong suốt 3 năm qua. Thời điểm này cầu USD tăng lên do nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn như USD và vàng giữa bối cảnh nền kinh tế trên toàn thế giới chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 gây ra.
Tỷ giá trung tâm sau đó có sự điều chỉnh trước khi tiếp tục leo lên 2 mốc mới 23,260 đồng/USD ngày 23/03 và 23,272 đồng/USD. So với Euro và bảng Anh, đồng bạc xanh có mức tăng đáng kể, nhưng đồng USD giao dịch ở mức thấp khi các nhà đầu tư thận trọng theo dõi diễn biến của các gói kích thích kinh tế.
Nguồn: Vietcombank
|
Trong 4 tháng đầu năm, giá mua USD tại ngân hàng dao động quanh mức 23,075-23,300 đồng/USD, và giá bán USD dao động trong khoảng 23,230-23,510 đồng/USD. Còn trên thị trường tự do, giá mua vào dao động ở mức 23,170-23,450 đồng/USD và giá bán dao động 23,180-23,500 đồng/USD trong 4 tháng đầu năm. Giá mua/bán USD tại ngân hàng cao nhất ghi nhận là 23,570-23,760 đồng/USD tại ngày 23/03 và giá cao nhất được ghi nhận trên thị trường tự do là 23,850-23,950 đồng/USD vào ngày 24/03.
Nguồn: TGĐL
|
NHNN can thiệp để bình ổn tỷ giá
Trong khi trước đây, giá bán USD trên thị trường tự do luôn thấp hơn tại ngân hàng thì giờ đây đảo chiều cao hơn hẳn. Cũng vì vậy, để bình ổn tỷ giá, vào ngày 24/03, NHNN điều chỉnh tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN với tỷ giá mua – bán ở mức 23,175-23,650 đồng/USD, giữ nguyên giá mua và giảm giá bán 257 đồng (tương đương hơn 1%) so với mức công bố hôm 23/03. Như vậy, mức giá bán tại Sở giao dịch NHNN rẻ hơn so với các ngân hàng thời điểm đó khoảng 100 đồng.
Với mức này, NHNN hiện chấp nhận bán ra đồng bạc xanh với giá rẻ hơn thị trường để các ngân hàng thương mại có thể sở hữu nguồn USD giá rẻ.
Sau khi có sự can thiệp của NHNN, đà tăng của tỷ giá đã được giảm lại. Giá bán USD trên thị trường tự do quay trở lại thấp hơn giá USD tại ngân hàng. Đồng thời, NHNN vẫn giữ tỷ giá bán USD tại Sở Giao dịch cố định ở mức 23,650 đồng/USD cho đến nay.
Cung cầu ngoại tệ không có biến động lớn
Cân đối cung cầu ngoại tệ trong 4 tháng đầu năm về cơ bản không có biến động lớn. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đầu năm ước tính đạt 5.2 tỷ USD, giảm 9.6% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng ước tính thặng dư 3 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến ngày 10/04 đạt 84 tỷ USD, tăng thêm hơn 4 tỷ USD so với hồi cuối năm 2019.
Vì vậy, yếu tố chính khiến tỷ giá USD/VND tăng trong 4 tháng đầu năm đến từ sự tăng giá của đồng USD trên thị trường thế giới.
Chỉ số USD-Index đã bật tăng mạnh lên 103 điểm, lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 điểm kể từ năm 2017. Tính từ đầu năm, chỉ số USD-Index đã tăng 5.8%. Theo đó, giá USD đang đứng ở mức cao nhất trong vòng 3 năm qua so với EUR; trong khi so với GBP, thì USD tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1985.
Trong thời kỳ khủng hoảng, các nhà đầu tư luôn muốn tìm về các tài sản mang tính an toàn như USD, qua đó, càng đẩy đồng tiền này tăng giá mạnh. Thêm nữa, việc các nhà đầu tư đẩy mạnh bán tài sản để thu USD bổ sung ký quỹ trên thị trường tài chính cũng góp phần làm tăng giá USD.
Làn sóng nới lỏng tiền tệ hàng loạt của ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới khiến cho động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không còn nhiều tác dụng đối với đồng USD. Thậm chí, hiện lãi suất tại nhiều nền kinh tế như khu vực Châu Âu, Nhật còn đang ở mức âm nên mức lãi suất 0-0.25% của Fed vẫn đang tạo nhiều lợi thế cho việc nắm giữ USD hơn so với EUR, JPY.
Trong cặp tỷ giá hối đoái, khi đồng bạc xanh lên giá cũng đồng nghĩa với đồng tiền còn lại sẽ mất giá và VND cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, so với các đồng tiền khác trong khu vực, VND được xem là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất. Trong khi đồng Việt Nam (VND) mất giá khoảng 1% thì Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc mất giá gần 2%, Baht Thai (THB) của Thái Lan mất giá gần 9%.
Dự báo về diễn biến tỷ giá USD/VND trong quý 2, TS. Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ giá tăng chủ yếu là do giá trị USD trên thị trường quốc tế tăng mạnh gây áp lực lên các đồng tiền khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với chính sách cung tiền vẫn thận trọng, đặc biệt tỷ giá trong quý 2 sẽ không tăng đáng kể so với quý 1.
Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, tỷ giá năm nay sẽ biến động mạnh hơn mọi năm bởi vì tình hình dịch bệnh tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế thế giới và cả Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều rủi ro như vậy, các nhà đầu tư đang hướng đến các tài sản an toàn nhiều hơn trong đó có trái phiếu Chính phủ Mỹ và USD khiến cho giá trị đồng đô la Mỹ vẫn tăng trong hơn 1 quý vừa qua mặc dù nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu suy thoái. Thế nên, với giá trị đồng đô la Mỹ tăng sẽ khiến cho giá trị đồng Việt Nam bị mất giá. Tuy nhiên, so với các tiền tệ khác thì đồng Việt Nam vẫn tương đối ổn định.
Ái Minh
FILI
|