Tỷ giá hạ nhiệt nhưng sức ép phía trước vẫn khó lường
Sau khi tăng mạnh trong tháng 3, tỷ giá USD/VNĐ đã hạ nhiệt trở lại trong 2 tuần qua, khi có nhiều yếu tố hỗ trợ trở lại. Tuy nhiên, thời gian tới thị trường ngoại hối vẫn khó đoán định, khi nhiều sức ép vẫn đang chực chờ.
Tăng sốc giảm nhanh
Ngày 23/03 đầu tuần, giá giao dịch USD tại các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, với mức tăng đến 230 đồng trong một ngày, tiếp nối chuỗi tăng tốc từ cuối tuần trước đó và đánh dấu tốc độ tăng mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây. Như tại Vietcombank, giá mua vào và bán ra tương ứng đạt 23,600 đồng và 23,760 đồng, lên cao nhất từ trước đến nay, ghi nhận tăng 2% và 2.3% so với đầu năm.
Ngày 24/03, đến lượt giá mua bán USD trên thị trường tự do nhảy múa, khi chạm đỉnh cao nhất tại 23,850 đồng và 23,960 đồng. Đây là hệ quả của việc 3 phiên liên tiếp tăng mạnh vào các ngày 19,20 và 23/03, với mức tăng bình quân 200 đồng/ngày. Chênh lệch giá mua vào và bán ra mở rộng từ mức thông thường 20 đồng trước đây lên tới 100-120 đồng, phản ánh nhu cầu tăng vọt.
Trước sự biến động bất thường của thị trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhanh chóng phản ứng, khi cam kết sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường, đồng thời ngay lập tức hành động khi giảm mạnh 257 đồng giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN ngay trong ngày 24/03, đánh dấu lần giảm hiếm hoi giá bán trong nhiều năm qua.
Từ trước đến nay, trong khi giá mua USD tại Sở giao dịch NHNN ít khi thay đổi, thì giá bán ra luôn được điều chỉnh hàng ngày theo biến động của tỷ giá trung tâm, nhưng kể từ lần giảm mạnh vào ngày 24/03 thì giá bán ra đã được giữ nguyên ở mức 23,650 đồng suốt từ đó đến nay.
Trong một chia sẻ mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN chưa phải can thiệp ngoại tệ vào thị trường, ngược lại còn mua thêm được 4 tỷ USD để gia tăng dự trữ ngoại hối lên mức 84 tỷ USD. Như vậy, có thể thấy rằng hành động can thiệp bán ra dù vẫn chưa được hiện thực hóa, nhưng nhờ vào hành động quyết đoán giảm mạnh giá bán ra vào ngày 24/03 và giữ nguyên mức giá thấp đó cho đến nay, đã tác động mạnh lên tâm lý thị trường, góp phần kéo tỷ giá giảm sâu.
Cụ thể, sau khi tăng vọt trong tháng trước, giá giao dịch USD trên thị trường tự do tính từ đầu tháng 4 đến nay đã rớt mạnh 130 đồng ở chiều mua vào và 180 đồng ở chiều bán ra. Nếu so với đỉnh cao đạt được vào ngày 24/03, giá USD tự do đã giảm mạnh tương ứng từ 230-280 đồng theo 2 chiều. Tương tự, giá mua bán tại các ngân hàng cũng giảm từ 130-150 đồng trong nửa đầu tháng4 này và giảm 230-250 đồng so với đỉnh cao đạt được vào ngày 23/03.
Yếu tố cung cầu
Ngoài ảnh hưởng tâm lý từ những tuyên bố và hành động của NHNN, việc nguồn cung ngoại tệ có dấu hiệu cải thiện gần đây cũng góp phần tác động tích cực lên thị trường ngoại hối. Như thông tin NHNN đã chia sẻ, dự trữ ngoại hối vừa qua đã đạt mức cao nhất ở 84 tỷ USD, cho thấy nhà điều hành có thêm nguồn lực vững chắc để can thiệp vào thị trường bất kỳ lúc nào nếu muốn.
Cụ thể, NHNN mới đây cũng cho biết thanh khoản ngoại tệ vẫn được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế, đồng thời lặp lại cam kết “NHNN có đủ công cụ để kiểm soát giữ ổn định ngoại tệ, tỷ giá đảm bảo củng cố lòng tin của thị trường và nhà đầu tư, sẵn sàng các phương án can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết nếu có diễn biến bất lợi”.
Ở mặt trận thương mại, sau khi nền kinh tế ghi nhận nhập siêu 176 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, diễn biến trong tháng 3 bất ngờ đảo chiều mạnh giúp quý 1/2020 xuất siêu lên đến 2.8 tỷ USD, tăng mạnh so với mức xuất siêu 536 triệu USD của cùng kỳ năm 2019. Đáng lưu ý, dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý 1/2020 chỉ đạt 59.1 tỷ USD, tăng nhẹ 0.5% so với cùng kỳ, nhưng trước tác động của dịch bệnh, nhập khẩu thậm chí ghi nhận giảm 1.9% xuống 56.3 tỷ USD, nên giúp cán cân thương mại hàng hóa vẫn đạt thặng dư.
Trong khi đó ở hoạt động đầu tư, tuy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được giải ngân chỉ đạt 3.9 tỷ USD, giảm 6.6% so với cùng kỳ, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020, nhưng vốn FDI đăng ký lên đến 5.5 tỷ USD, tăng mạnh 44.8% so cùng kỳ, cho thấy triển vọng thu hút vốn nước ngoài của Việt Nam vẫn rất tích cực và dòng vốn ngoại tệ trong tương lai sẽ tiếp tục được đảm bảo.
Ở hoạt động đầu tư gián tiếp, tổng giá trị góp vốn mua cổ phần chỉ gần 2 tỷ USD, giảm mạnh 65.6% so cùng kỳ, tuy nhiên do trong quý 1/2019 có phát sinh thương vụ Beerco Limited (Hồng Kông) góp vốn, mua cổ phần vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, với trị giá lên tới 3.85 tỷ USD. Nếu loại trừ thương vụ khổng lồ này, giá trị góp vốn mua cổ phần quý 1/2020 vẫn tăng gần 9% so với cùng kỳ.
Một điểm đáng chú ý khác là động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán cũng đang có xu hướng giảm dần trong những tuần gần đây, phần nào giúp giảm bớt tâm lý lo ngại của thị trường ngoại hối.
Sức ép vẫn khó lường
Một yếu tố tác động khác là diễn biến USD trên thị trường quốc tế, khi chỉ số USD-Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với các ngoại tệ chủ chốt khác đã rớt từ mức đỉnh cao ở 103 điểm vào ngày 20/03 xuống còn quanh 99 điểm trong thời điểm hiện nay. Trước các gói nới lỏng định lượng lên đến hàng nghìn tỷ USD được chính phủ Mỹ cam kết sẽ bơm ra, giá trị tiền tệ đang đứng trước nhiều thử thách để giữ ổn định giá trị.
Có thể thấy hiện tại có khá nhiều yếu tố ủng hộ cho thị trường ngoại hối, do đó tỷ giá có diễn biến hạ nhiệt trở lại là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, xu hướng phía trước vẫn không có gì chắc chắn, khi có quá nhiều yếu tố bất định có thể tác động tiêu cực trở lại lên thị trường, theo đó tỷ giá trong năm nay dự kiến sẽ chịu nhiều sức ép và có nhiều thời điểm biến động khó lường hơn so với giai đoạn trước đây.
Nếu như những năm trước, tỷ giá thường khá ổn định, nếu có sóng cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và tối đa có từ 1-2 sóng trong năm, thì năm nay được dự báo sẽ có nhiều đợt sóng tăng hơn. Đầu tiên là vì đồng USD trên thị trường quốc tế sẽ biến động khó lường hơn, khi rủi ro khủng hoảng và suy thoái vẫn sẽ thúc đẩy giới đầu tư luôn chực chờ nhảy lại vào đồng USD như một tài sản an toàn bất kỳ lúc nào.
Trong khi đó, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, những tác động lên hoạt động thương mại và đầu tư có thể chưa sớm kết thúc, từ đó cũng tác động lên nguồn cung ngoại tệ đổ vào trong nước. Ngoài ra, với những yếu tố như áp lực lạm phát, trong khi lãi suất tiền đồng đang có xu hướng đi xuống, dòng vốn có thể chuyển dịch sang nắm giữ ngoại tệ như một kênh tài sản an toàn và có tiềm năng sinh lợi tốt hơn.
Diễn biến giá bán USD tự do từ đầu tháng 3 đến nay
|
Có thể thấy hiện tại có khá nhiều yếu tố ủng hộ cho thị trường ngoại hối, do đó tỷ giá có diễn biến hạ nhiệt trở lại là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, xu hướng phía trước vẫn không có gì chắc chắn, khi có quá nhiều yếu tố bất định có thể tác động tiêu cực trở lại lên thị trường, theo đó tỷ giá trong năm nay dự kiến sẽ chịu nhiều sức ép và có nhiều thời điểm biến động khó lường hơn so với giai đoạn trước đây.
|
Nhung Võ
FILI
|