TP.HCM ra thông báo khẩn, nới rộng nhiều dịch vụ khi dừng cách ly xã hội
Mặc dù đã nới lỏng biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại một số lĩnh vực, tuy nhiên phần lớn cơ sở kinh doanh dịch vụ ở TP.HCM vẫn chưa được hoạt động trở lại sau ngày 23.4, ngày đầu tiên dừng cách ly xã hội.
Bưu điện TP.HCM là địa điểm du lịch thuộc diện được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo điều kiện phòng chống dịch. Ảnh: Khả Hòa
|
Chiều 23.4, UBND TP.HCM có công văn khẩn hướng dẫn các sở ngành, quận huyện thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, áp dụng từ ngày 23.4. Hướng dẫn này đưa ra sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chấp thuận xếp TP.HCM vào nhóm "có nguy cơ" trong buổi họp trực tuyến vào chiều ngày 22.4.
Theo công văn, TP.HCM tiếp tục yêu cầu thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng và nơi làm việc, đảm bảo giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu là 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Những lĩnh vực tiếp tục tạm dừng hoạt động bao gồm cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, spa, vật lý trị liệu, massage, xông hơi; các tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu, rạp chiếu phim, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer club, hát với nhau; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử (Intemet, game online); các trung tâm thể thao và cơ sở kinh doanh thể thao trong nhà.
Chợ Bến Thành tiếp tục hoạt động trong những ngày tới. Ảnh: Khả Hòa
|
TP.HCM yêu cầu tiếp tục tạm dừng tiếp nhận khách mới tại các cơ sở lưu trú kinh doanh theo mô hình homestay, AirBnb (một loại hình của dịch vụ lưu trú). Các nghi lễ, hoạt động tôn giáo có tập trung từ 20 người trở lên tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự cũng tạm dừng hoạt động.
Ngoài ra, TP.HCM cũng yêu cầu dừng hoạt động, hội họp tập trung trên 20 người; tụ tập trên 20 người nơi công cộng, bên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
UBND TP.HCM cho biết các cơ sở kinh doanh ngoài lĩnh vực nêu trên được phép hoạt động và phải thực hiện nghiêm theo các nội dung quy định của Bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoạt động an toàn trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 do cơ quan nhà nước ban hành; chịu sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức làm việc bình thường và phải đảm bảo thực hiện nghiêm các qui định phòng, chống dịch đối với người đến trụ sở làm việc và liên hệ công tác; tiến hành vệ sinh phòng họp, khử khuẩn các bề mặt, các đồ vật tiếp xúc với người dự họp sau mỗi cuộc họp. Đồng thời, đẩy mạnh giải quyết các thủ tục hành chính qua mạng, qua hệ thống bưu điện cũng như ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để họp trực tuyến và trao đổi công việc.
Sỹ Đông
Thanh niên
|