Thứ Ba, 21/04/2020 11:47

Thủ tướng: Giá thịt heo vẫn tăng, liệu có bị làm giá hay không?

Sáng ngày 21/4, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến các biện pháp đối với giá thịt heo, giá lương thực…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cuộc họp nhằm đánh giá kết quả công tác điều hành giá quý 1 và định hướng công tác điều hành giá quý 2, cũng như các tháng còn lại của năm 2020.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá nhắc lại mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay dưới 4%. Đây là chỉ tiêu quan trọng bởi nếu CPI tăng cao sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Cho rằng tình hình giá cả trong quý 1 vừa qua đã được Tổng cục Thống kê công bố, “chưa phải đến nỗi nào”, Thủ tướng nói, hiện giá xăng dầu đang xuống mức thấp nhất, sáng nay giá dầu thô thế giới (trên sàn giao dịch chứng khoán New York) xuống mức âm, tuy nhiên, nguy cơ tăng giá trong năm nay đối với nước ta vẫn ở mức cao. Do đó, Ban Chỉ đạo cần chủ động, đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.

Thủ tướng đề nghị các thành viên tập trung phân tích những yếu tố thiết thực, nhất là nhu yếu phẩm, đặc biệt là vấn đề giá thịt heo. Hôm nay, Bộ Công Thương sẽ báo cáo việc thanh tra giá thịt heo. Hiện giá bán heo thịt đến tay người tiêu dùng cao hơn nhiều so với giá thành. Vậy liệu có chuyện làm giá hay không? Lò giết mổ, chợ đầu mối hay thành phần nào hưởng lợi trong vấn đề này? Thủ tướng đề nghị thảo luận rõ về những việc này và có biện pháp.

Về giá lương thực, trong đó có giá gạo, Thủ tướng nói rõ tại sao có chủ trương xuất khẩu có kiểm soát. Bởi, một số nước xuất khẩu gạo lớn gặp khó khăn trong khi một số nước gia tăng nhu cầu nhập khẩu gạo. Do đó, nếu không có sự quản lý, để cho thị trường tự do thì dẫn tới tình trạng tư thương mua vét, xuất khẩu vì quyền lợi trước mắt. Nhắc lại câu chuyện người dân từng đổ xô đi mua tích trữ gạo (sau khi công bố ca nhiễm 17), Thủ tướng cho rằng, khi đó, nếu không cơ số dự trữ thì không thể ổn định tình hình. Do đó, cần có biện pháp quản lý giá lương thực trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của nông dân trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, không để xảy ra tình trạng khan hiếm lương thực. “Đẩy mạnh xuất khẩu, đúng. Tự do lưu thông, càng đúng hơn. Nhưng dự trữ Nhà nước, dự trữ trong dân, gối đầu vụ rất quan trọng”, Thủ tướng nói.

Một vấn đề nữa cần thảo luận là tác động của các gói hỗ trợ (với tổng số khoảng 600,000 tỷ đồng, chiếm 10% GDP) mà Chính phủ đưa ra đối với mặt bằng giá cả như thế nào. Cùng với đó là tác động của việc tăng lương vào ngày 1/7/2020, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như tác động của tình hình dịch bệnh cũng như vấn đề giá điện, nước, vật tư y tế, sách giáo khoa, dịch vụ vận tải, giá vật liệu xây dựng…

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước báo cáo, phân tích thêm về quan điểm, định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, với những diễn biến phức tạp của thị trường giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước trong quý 1 và đầu quý 2 cho thấy, mặc dù có khó khăn nhưng việc kiểm soát lạm phát mục tiêu dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra có thể thực hiện được. Tuy nhiên, kịch bản xấu nhất (CPI sẽ tăng hơn mức 4%) vẫn có thể xảy ra. Lợi thế hiện nay là giá xăng dầu đang được điều hành giảm mạnh; giá gas trong nước cũng giảm khá sâu theo giá thế giới. Giá điện được miễn giảm cho một số đối tượng trong 3 tháng (4, 5, 6) theo công văn của Bộ Công Thương. Như vậy, cần phải tiếp tục quyết liệt trong việc điều hành với các giải pháp mạnh để bảo đảm đủ nguồn cung, trên cơ sở đó điều hành giảm giá thịt heo xuống mức 60,000 đồng/kg đồng thời có giải pháp quản lý phù hợp để giữ bình ổn giá gạo trong nước không để tăng đột biến.

Ngân hàng Nhà nước dự báo CPI cả năm 2020 trong khoảng 3.7 ± 0.5%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI đưa ra 2 mức dự báo với mức cao là 4.0- 4.3%, mức thấp là 3.3-3.7%.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Chủ tịch VCCI: Gói kích thích cần nhất lúc này là mở cửa lại thị trường nội địa (21/04/2020)

>   Xuất nhập khẩu hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam bị phạt tới 100 triệu đồng (21/04/2020)

>   Khẩu trang không 'cứu' được các doanh nghiệp dệt may (21/04/2020)

>   TP HCM kiến nghị dừng cách ly xã hội từ 23/4 (20/04/2020)

>   Đề nghị Bộ Công an điều tra có hay không tiêu cực trong xuất khẩu gạo (20/04/2020)

>   Chia sẻ rủi ro PPP: Không khéo nhà nước phải bù gấp nhiều lần vốn dự án (20/04/2020)

>   Chưa hết dịch Covid-19, vé máy bay đã tăng giá (20/04/2020)

>   EVFTA: Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị gì để tận dụng tốt các cơ hội của thị trường EU? (20/04/2020)

>   Những lưu ý cần phải biết cho doanh nghiệp Việt khi làm ăn với đối tác châu Phi (20/04/2020)

>   Có nên đưa thịt lợn vào danh mục hàng cần bình ổn giá? (19/04/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật