Ngôi vương không thuộc về những cổ phiếu tăng phi mã từ đáy
Đa phần cổ phiếu niêm yết tăng mạnh trong tháng 4, nhưng vẫn chưa thể phục hồi lên mức giá trước Tết Nguyên đán.
VN-Index đã tăng hơn 16% trong tháng 4, tính đến kết phiên ngày 22, với sự dẫn dắt của những cổ phiếu đầu ngành như VHM, SAB, VIC, VCB,…
Top 10 cổ phiếu dẫn dắt điểm số VN-Index trong tháng 4
(01-22/04/2020)
|
Hơn một nửa cái tên lớn của VN30 cũng vượt qua thành tích thị trường (VN-Index) trong giai đoạn 01-22/04.
Diễn biến cổ phiếu VN30 trong tháng 4
(01-22/04/2020)
Nguồn: VietstockFinance
|
Tính trên toàn sàn HOSE và HNX, số lượng cổ phiếu tăng điểm áp đảo so với số cổ phiếu giảm điểm. Tuy nhiên, đấy chỉ mới là một nửa câu chuyện. Cho dù hàng trăm cổ phiếu niêm yết tăng giá, thậm chí vài chục phần trăm trong tháng 4, nhưng chúng chưa phải là những cái tên chiến thắng xét giai đoạn cả mùa dịch, bởi phần lớn cổ phiếu vẫn chưa thể hồi phục trở lại mức thị giá trước Tết.
Cổ phiếu tăng trong cả mùa dịch vẫn là thiểu số
(30/01-22/04/2020)
(*): Sự khác nhau giữa các tổng đến từ các cổ phiếu niêm yết mới. Nguồn: VietstockFinance
|
Nếu bạn nhắm mắt mua ngẫu nhiên một mã cổ phiếu niêm yết bất kỳ vào đầu ngày 01/04 thì xác suất từ hòa đến thắng tính đến kết phiên 22/04 lên đến 78%, còn nếu tính trong cả giai đoạn từ 30/01-22/04 thì xác suất này chỉ là 27%.
Những cổ phiếu “bất bại”
Virus Corona lây lan và làm tổn hại phần lớn cổ phiếu niêm yết, nhưng, thị trường vẫn luôn có những cái tên ngược dòng tăng điểm, dù ở bất cứ giai đoạn ngặt nghèo nào.
Một điều đáng lưu ý là quá nửa trong số 40 cổ phiếu có hiệu suất tốt nhất (chia đều tại HOSE và HNX) kể từ sau Tết là các mã penny, vốn hóa nhỏ cho đến siêu nhỏ, thanh khoản giao dịch bình quân hàng ngày ở mức thấp.
Top 20 cổ phiếu HOSE và HNX tăng mạnh nhất kể từ sau Tết
(30/01-22/04/2020)
Nguồn: VietstockFinance
|
Đối với các cổ phiếu còn lại, động lực tăng giá có thể chia làm ba nhóm: (1) Kết quả kinh doanh được thúc đẩy nhờ dịch Covid-19; (2) kỳ vọng hưởng lợi từ sự sụp đổ của giá dầu; (3) câu chuyện thu hút trong ngắn hạn, thường mang đậm tính chất đầu cơ.
Dabaco (HOSE: DBC), Bột giặt Lix (HOSE: LIX) và Danameco (HNX: DNM) là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng đột biến trong mùa dịch. Virus Corona bóp nghẹt sức tiêu thụ đối với hầu hết các ngành công nghiệp, tuy nhiên, không phải tất cả đều trở nên ảm đạm.
KHÓA HỌC ONLINE
Chứng khoán Cơ bản
- Khai giảng: 25/5/2020
- Ưu đãi 50% ++
Hotline: 0908 16 98 98
>>Đăng ký ngay
|
Việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thiết yếu (như thịt , trứng) và các hoạt động tạo nguồn cung thực phẩm (như thức ăn chăn nuôi, con giống, con thịt,...) giúp DBC hái trái ngọt trong quý 1/2020, khi doanh thu gấp đôi và lợi nhuận gấp 17 lần kết quả cùng kỳ năm trước. Nắm bắt nhu cầu, doanh nghiệp này tiếp tục đưa vào hoạt động nhà máy chế biến trứng ăn liền, khu chăn nuôi gà giống, nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Phước và nhà máy dầu thực vật trong quý 1.
Về phần LIX và DNM là hai nhà sản xuất các sản phẩm có nhu cầu lên cao trong mùa dịch, là gel rửa tay và khẩu trang.
Vào đầu tháng 2, LIX tung dòng sản phẩm gel rửa tay mới ra thị trường, theo đó, thúc đẩy doanh thu nội địa quý 1 tăng 64% so với cùng kỳ và lãi ròng tăng trên 66%.
Hưởng lợi trực tiếp từ dịch Covid-19, DNM tăng cường nhân lực sản xuất các mặt hàng như khẩu trang, trang phục phòng dịch. Doanh thu quý 1của DNM gấp hơn ba lần cùng kỳ. Hãng này cũng đang lên kế hoạch đầu tư thêm dây chuyền sản xuất để đảm bảo nguồn cung các vật tư, thiết bị y tế chống dịch.
Dịch bệnh Covid-19 gây nên những thiệt hại nặng nề đối với sức khỏe nhân loại và giáng đòn mạnh lên nền kinh tế toàn cầu. Các hoạt động sản xuất ngưng trệ cùng với lệnh phong tỏa bóp nghẹt nhu cầu dầu mỏ và đẩy giá của hàng hóa này lao dốc.
Cú rơi của “vàng đen” bỗng trở thành động lực cho mức tăng phi mã của cổ phiếu Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM), hai doanh nghiệp sản xuất phân đạm với nguồn nguyên liệu khí (chiếm 40-50% giá thành sản phẩm). Thị trường hiểu rằng, giá khí đầu vào có biến động rất sát với giá dầu Brent.
Trong khi đó, PLC kinh doanh nhựa đường, dầu mỡ nhờn và hóa chất dung môi, đều là chế phẩm từ dầu mỏ. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là PLC không hề sản xuất các sản phẩm kể trên mà đều nhập khẩu từ nước ngoài. Dù vậy, việc chiếm 30% thị phần nhựa đường nội địa mở ra viễn cảnh tươi sáng cho PLC khi đầu tư công đang được xem là lựa chọn kích thích kinh tế hậu Covid-19 khả thi nhất.
Theo Bộ phận Phân tích của VNDirect (VNDirect Research), doanh thu nhựa đường của PLC bùng nổ trong giai đoạn (2014-2015) các hoạt động đầu tư lĩnh vực hạ tầng diễn ra mạnh mẽ, sau đó, doanh thu giảm mạnh trong năm 2016 ngay khi vốn giải ngân đầu tư công bị nghẽn.
Kết quả kinh doanh nhựa đường của PLC giai đoạn 2010-2019
Nguồn: VietstockFinance
|
Ngoài nhóm các cổ phiếu được hưởng lợi từ tình hình dịch bệnh, các cổ phiếu tăng điểm mạnh còn lại đa phần là những cái tên có câu chuyện riêng đáng chú ý.
Đó là Yeah1 (HOSE: YEG) với cái bắt tay cùng đối tác khổng lồ Tân Hiệp Phát; bộ đôi cổ phiếu GAB và AMD với những thương vụ sáp nhập, tăng vốn đã là đặc sản của hệ sinh thái FLC; hay Savico (HOSE: SVC) với cuộc tranh giành quyền sở hữu, theo tiết lộ của một cổ đông lớn, đã mở đường cho làn sóng thoái vốn của các quỹ ngoại.
Thừa Vân
FILI
|