Thứ Ba, 14/04/2020 16:15

Nền kinh tế Mỹ sẽ không bật dậy dễ dàng như ông Trump tưởng

Tổng thống Donald Trump khẳng định nền kinh tế Mỹ sẽ nhanh chóng vươn dậy sau khi các biện pháp chống dịch Covid-19 được nới lỏng. Tuy nhiên, giới chuyên gia không mấy lạc quan.

* Thâm hụt ngân sách Mỹ có thể tăng lên mức cao kỷ lục 3.800 tỷ USD

* Thuế nhập khẩu của Trump làm khó Mỹ trong đại dịch

* Tình hình tại Mỹ đang tệ nhưng sao chứng khoán lại tốt?

Tập đoàn nhà hàng và khách sạn Sage Hospitality Group của doanh nhân Walter Isenberg tại Denver đang chờ lệnh dỡ bỏ lệnh phong tỏa và mở cửa lại nền kinh tế Mỹ. Doanh thu của Sage rơi tự do từ 3 triệu USD/ngày hồi năm ngoái xuống còn 40.000 USD/ngày vì dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ông Isenberg không kỳ vọng công ty sớm chứng kiến “sự bùng nổ mạnh mẽ” như Tổng thống Trump dự đoán khi các khách sạn được phép hoạt động trở lại. “Quá trình phục hồi sẽ rất lâu và chậm chạp cho đến khi có giải pháp trị liệu hoặc vaccine", New York Times dẫn lời ông Isenberg nói.

"Tôi không phải một nhà khoa học, nhưng tôi hiểu tâm lý của khách hàng. Họ vẫn chưa bước ra khỏi cuộc khủng hoảng, không ai nghĩ đến chuyện du lịch hay có những dự định lớn”, doanh nhân này nhận định. Tập đoàn Sage đã giãn việc 5.000 trong số 6.000 nhân viên.

Trong các cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump tỏ ra nóng ruột với tình trạng nền kinh tế tê liệt và nhiều lần bày tỏ quan điểm muốn sớm mở cửa lại nền kinh tế. Trong 3 tuần qua, hàng trăm nghìn công ty Mỹ đóng cửa, gần 17 triệu người lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

Nền kinh tế Mỹ đang tê liệt vì dịch bệnh. Ảnh: Getty Images.

Chờ tới khi có vaccine

Ông Trump khẳng định sau khi các biện pháp cách ly được gỡ bỏ, nền kinh tế Mỹ sẽ lập tức vươn dậy, thoát khỏi suy thoái và bước vào giai đoạn "bùng nổ chưa từng thấy”. Tuy nhiên, đại diện nhiều công ty Mỹ cho rằng quan điểm này là quá lạc quan.

Các khảo sát kinh tế thời gian qua cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi với tốc độ chậm sau khi chính phủ nới lỏng các hạn chế và cho phép cửa hàng, trung tâm mua sắm hoạt động trở lại. Bởi nền kinh tế Mỹ tê liệt không chỉ vì lệnh cách ly, mà còn vì người lao động và người tiêu dùng sợ virus.

Thống kê chỉ ra rằng hàng triệu người lao động xin trợ cấp thất nghiệp và doanh thu nhà hàng lao dốc trước khi các bang ra lệnh đóng cửa, bởi người tiêu dùng "trú ẩn" trong nhà. Như vậy, người tiêu dùng Mỹ sẽ không quay trở lại các sân bay, nhà hàng và phòng tập thể dục ngay sau khi chúng nối lại hoạt động.

Theo các nhà kinh tế, người Mỹ chỉ có thể cảm thấy an toàn khi khi có vaccine chống virus corona thì các hoạt động kinh tế Mỹ mới sôi động trở lại. “Sẽ không có chuyện bật đèn xanh thì kinh tế sẽ nhanh chóng vươn dậy”, New York Times dẫn lời bà Suzanne Clark, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, bình luận.

“Quá trình này sẽ đi từ đèn đỏ sang đèn vàng rồi mới đến đèn xanh. Sẽ là rất tốt nếu chính phủ bật đèn vàng. Nhưng vấn đề là mọi người có cảm thấy an toàn không”, bà Clark nhấn mạnh.

Cảnh vắng vẻ ở Phố Wall, New York. Ảnh: Getty Images.

Ông Trump nóng ruột muốn sớm gỡ bỏ cách biện pháp giãn cách xã hội bởi nền kinh tế Mỹ đang rơi vào khủng hoảng. Các chuyên gia kinh tế đều nhận định một cuộc suy thoái đã bắt đầu, vấn đề chỉ là mức độ và ảnh hưởng của nó.

Báo cáo của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ - dựa trên phân tích của các nhà kinh tế thuộc Đại học Northwestern, Stanford, Chicago và Boston - dự đoán tăng trưởng GDP Mỹ sẽ lao dốc 11% vào cuối năm nay, mức giảm kỷ lục kể từ năm 1946.

Tại cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 13/4, Tổng thống Trump tuyên bố Washington “gần hoàn thành kế hoạch mở cửa đất nước, hi vọng là trước thời hạn”. Ông cho biết sẽ “sớm hoàn thiện các hướng dẫn mới và quan trọng để các thống đốc bang bắt đầu mở cửa an toàn”.

Bất an bao trùm

“Chúng ta đều muốn cực kỳ, cực kỳ an toàn. Nhưng người Mỹ rất muốn quay lại làm việc. Một khi nền kinh tế mở cửa trở lại, chúng ta sẽ chứng kiến sự bùng nổ”, ông chủ Nhà Trắng lạc quan.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cảnh báo việc vội vàng quay lại cuộc sống bình thường mà không có các biện pháp bảo vệ cần thiết để đối phó với "làn sóng virus thứ hai" sẽ khiến nền kinh tế Mỹ suy thoái nghiêm trọng hơn. Những ngày qua, số ca nhiễm tăng trở lại ở Trung Quốc, Singapore và Hong Kong sau khi chính quyền nới lỏng hạn chế.

Tâm lý lo sợ của người dân khiến hoạt động kinh tế chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ở cả những bang không bị áp đặt lệnh hạn chế. “Vết thương không chỉ sâu, mà còn rộng. Đại dịch là vấn đề nghiêm trọng nhất của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại”, ông Ernie Tedeschi, CEO Evercore ISI, bình luận.

Hiện, còn một số bang ở Mỹ không ban bố lệnh hạn chế đi lại. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp tại mọi bang đều tăng lên trong vài tuần qua. Những nơi giãn cách xã hội gắt gao hơn có tỷ lệ thất nghiệp trên 23%. Và bán lẻ sụt giảm ngay trước khi các biện pháp kiểm dịch được áp dụng.

Tổng thống Trump sẽ lập một nhóm công tác với nhiệm vụ xác định thời điểm dỡ bỏ lệnh cấm tụ tập đông người và hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp không thiết yếu.

Ông Trump muốn sớm mở cửa nền kinh tế. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, khảo sát trực tuyến của công ty Civis Analytics trong 2 tuần qua cho thấy cứ 10 người Mỹ thì 8 người ủng hộ lệnh cấm mở cửa các nhà hàng và phòng tập gym. Khảo sát của Đại học Seton Hall chỉ ra rằng cứ 10 người Mỹ thì có 7 cảm thấy không thoải mái khi dự sự kiện đông người trước khi có vaccine chống Covid-19.

Theo khảo sát của Sports & Leisure Research Group, Engagious và ROKK Solutions, chỉ khoảng 1/3 người Mỹ sẵn sàng đi máy bay, xem phim tại rạp hoặc đến công viên giải trí ngay bây giờ nếu được phép. Họ nói chỉ cảm thấy an toàn để quay lại cuộc sống bình thường khi các chuyên gia y tế kết luận như vậy và khi có vaccine.

Ông Jon Last, Chủ tịch Sports & Leisure Research Group, cho biết sụt giảm trong kế hoạch chi tiêu của người Mỹ với các hoạt động giải trí và du lịch vượt xa những gì đã xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và vụ tấn công khủng bố 11/9/2001. “Mọi người lo lắng, e ngại với việc trở lại cuộc sống bình thường”, ông Last nhấn mạnh.

Ông Isenberg, chủ Tập đoàn Sage, cho biết rất mong muốn nhân viên làm việc trở lại. “Nhưng ông nghĩ ngành này sẽ còn khó khăn đến cuối năm nay. Dù vậy, ông vẫn hi vọng: “Mỗi sáng thức dậy là chúng ta sẽ gần thời điểm có vaccine thêm một ngày”.

Cao Thảo

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Mặt trái của các gói kích thích tăng trưởng sau tác động của COVID-19 (14/04/2020)

>   Ngành công nghiệp khẩu trang tai tiếng của Trung Quốc (14/04/2020)

>   Thêm hai startup đình đám Trung Quốc bị phát hiện lừa dối nhà đầu tư (14/04/2020)

>   Các nước đang phát triển lấy tiền đâu cứu kinh tế? (14/04/2020)

>   Trump 'không kịp trở tay' trước Covid-19 (14/04/2020)

>   Thuế nhập khẩu của Trump làm khó Mỹ trong đại dịch (13/04/2020)

>   Giới đầu tư ít lạc quan về 'mùa' báo cáo lợi nhuận quý 1 (13/04/2020)

>   Giáo sư Mỹ: Kinh tế Trung Quốc sẽ sớm phục hồi sau đại dịch COVID-19 (13/04/2020)

>   OPEC+ đạt thỏa thuận cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu mỗi ngày (13/04/2020)

>   Covid-19 đã thay đổi cách người Mỹ tiêu tiền thế nào? (13/04/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật