Thứ Hai, 27/04/2020 08:44

'Miếng bánh' máy xét nghiệm rơi vào tay những ai ?

Việc các đơn vị nhà nước mua máy xét nghiệm Covid-19 cao gấp nhiều lần giá thị trường khiến dư luận cho rằng có thể có móc ngoặc, câu kết với nhau nâng khống hệ thống xét nghiệm.

* CDC Hà Nội mua máy xét nghiệm Covid-19 chênh gấp 3 lần giá nhập vào

* Khởi tố vụ án 'Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng' xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và các đơn vị có liên quan

Bác sĩ - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông. ẢNH WEBSITE CÔNG TY PHƯƠNG ĐÔNG

Thực tế, trong vụ việc tại CDC Hà Nội, cơ quan công an xác định hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng để “thổi giá” từ khoảng 2,3 tỉ đồng lên trên 7 tỉ đồng.

Một trong các bị can của vụ án này là nhân viên của Công ty TNHH thiết bị y tế (TBYT) Phương Đông (Công ty Phương Đông). Theo tìm hiểu của PV, dù không phải là tên tuổi lớn trong lĩnh vực TBYT nhưng Công ty Phương Đông đã trúng khá nhiều gói thầu, không chỉ Hà Nội. Cụ thể, từ tháng 1.2020, công ty bắt đầu lắp đặt và triển khai hệ thống xét nghiệm (XN) Covid-19 cho nhiều bệnh viện lớn trên cả nước như Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Phổi T.Ư, CDC Quảng Ninh, Bắc Giang... Đây cũng chính là công ty cho Hải Phòng “mượn” máy Realtime PCR.

Theo thông tin từ cơ quan thuế, Công ty Phương Đông hoạt động từ năm 2000 (trụ sở tại Q.Đống Đa, Hà Nội). Người đại diện theo pháp luật là bác sĩ Nguyễn Xuân Thành, Tổng giám đốc.

Trong đợt cung cấp một loạt các thiết bị XN này hồi cuối tháng 2.2020, ông Nguyễn Xuân Thành từng chia sẻ trên trang web công ty: “Ngay từ thời điểm dịch chưa bùng phát, Phương Đông đã nhập khẩu dự trù rất nhiều máy Realtime PCR, máy lọc máu liên tục, máy tim phổi nhân tạo cấp cứu ECMO để cung cấp cho các bệnh viện, đơn vị y tế nhằm sẵn sàng đối phó dịch với tiêu chí “phục vụ bệnh nhân kịp thời là ưu tiên số số 1”. Tuy nhiên, sau vụ CDC Hà Nội, hiện thông tin giới thiệu về vị bác sĩ này trên trang web công ty không truy cập được. Khi chúng tôi gọi vào số thuê bao di động 0903411xxx của ông Thành thì máy đã tắt.

Một người khác ngoài CDC Hà Nội bị khởi tố trong vụ án là Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST). Công ty này có trụ sở tại Q.Hoàng Mai (Hà Nội), dù mới thành lập từ năm 2015 nhưng đã chen chân được vào cung cấp TBYT, máy thở cho CDC Hà Nội. Theo giới thiệu trên website, MST cung cấp các TBYT phòng thí nghiệm nghiên cứu, XN... Hàng loạt sản phẩm được công ty này giới thiệu, có máy Realtime PCR Mygo Pro và máy Realtime PCR Mygo Mini.

Ngoài Phương Đông và MST, một loạt công ty cũng đã lộ diện khi cung cấp các máy XN cho tỉnh, thành khác. Tại Thái Bình, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cũng trúng thầu cung cấp máy XN với giá gần 6 tỉ đồng. Theo hồ sơ, người đại diện của Tài Lộc là ông Nguyễn Hữu Nghĩa, công ty bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2004 và có một văn phòng đại diện đặt tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Tại Quảng Nam, gói thầu của tỉnh này rơi vào tay Công ty CP thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội). Công ty này cũng chỉ mới hoạt động từ năm 2013, giám đốc là bà Lê Thị Tuyến. Công ty có một văn phòng đại diện đặt tại Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng.

Một tên tuổi rất đáng chú ý khác là Công ty TNHH TBYT và khoa học Tâm Việt. Thông tin từ hệ thống đấu thầu quốc gia cho thấy từ đầu năm tới nay, Tâm Việt liên tục trúng nhiều gói thầu tại Sở Y tế Ninh Bình, Bắc Ninh... Hệ thống Realtime PCR công ty này phân phối có xuất xứ từ Thụy Sĩ do Hãng Roche sản xuất, có giá trị gần 6 tỉ đồng. Theo tìm hiểu, Công ty Tâm Việt được thành lập từ 2014, có người đại diện pháp luật, giám đốc công ty là ông Ngô Bá Bình (Q.Hoàng Mai, Hà Nội).

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, hiện nay quy định của luật Đấu thầu và các nghị định liên quan thì đơn vị công lập, địa phương sử dụng ngân sách nhà nước được chỉ định thầu trong các tình huống đặc biệt khẩn trương, cấp bách như đại dịch, thiên tai. Tuy nhiên, mức giá phải phù hợp với mặt bằng chung trên thị trường, không thể có chuyện cũng một sản phẩm ở hai nơi với mức giá khác nhau; hoặc mức giá cao gấp nhiều lần. “Vấn đề ở đây chính là khâu tổ chức chỉ định thầu, việc chỉ định thầu không phải là việc mua bằng bất kỳ giá nào. Nếu minh bạch thì phải đưa sản phẩm cần mua, các đơn vị bán sẽ báo giá và lựa chọn mức giá tốt nhất, chứ không phải ưu ái, lựa chọn cho bất cứ doanh nghiệp nào mình muốn”, ông Long nói.

Anh Vũ

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Mịt mờ đường sắt đô thị Hà Nội (27/04/2020)

>   Tàu hàng Pacific Express Sai Gon tông chìm tàu cá rồi bỏ chạy (26/04/2020)

>   80% chuyên gia được hỏi dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần tới (26/04/2020)

>   Các hãng hàng không bị yêu cầu hoàn vé đã mở bán sai phép (26/04/2020)

>   Mỹ giảm mạnh thuế chống bán phá giá cá tra của Việt Nam (25/04/2020)

>   Ngành nào có cơ hội 'lột xác' sau dịch bệnh ? (25/04/2020)

>   Đề xuất thí điểm chính quyền đô thị tại Đà Nẵng (24/04/2020)

>   Khởi tố vụ án gây thất thoát nghìn tỉ tại nhà máy thép ở Hà Tĩnh (24/04/2020)

>   Gần 5 triệu lao động bị giảm thu nhập và mất việc vì dịch Covid-19 (24/04/2020)

>   Phúc thẩm vụ MobiFone mua AVG: Đề nghị y án chung thân với ông Nguyễn Bắc Son (24/04/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật