Lãi vay thấp, người vay vẫn thờ ơ
Lãi suất cho vay rẻ, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh thì ngân hàng không dễ đưa vốn ra kinh tế.
* Doanh nghiệp kiến nghị hồi tố quy định trần chi phí lãi vay
* Dồn dập xin giảm lãi vay ngân hàng vì Covid-19
* Khách hàng cá nhân mong được giảm lãi vay
Lãi suất cho vay tiền đồng ở mức thấp. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Cá nhân vay giảm mạnh
Lãi suất (LS) cho vay tiêu dùng của một số ngân hàng (NH) hiện khá “mềm”. Chẳng hạn, cá nhân vay tại Vietcombank sản xuất kinh doanh, mua ô tô, xây, sửa chữa nhà, mua nhà... chỉ 7,5%/năm đối với thời gian dưới 12 tháng, từ 12 - 24 tháng là 7,7%/năm, trên 24 tháng là 8,1%/năm. Tại VIB, cá nhân vay mua nhà có LS vay từ 8,3%/năm, vay xây sửa nhà từ 8,7%/năm...
Ngày 20.4, NH Nhà nước công bố số điện thoại, địa chỉ email, đường dây nóng của 63 NH Nhà nước tỉnh thành để tiếp nhận, xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư 01/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Kể từ ngày 21.4, NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM sẽ lập 3 tổ công tác thực hiện khảo sát tình hình thực hiện việc hỗ trợ của các NH thương mại trên địa bàn thực hiện hỗ trợ khách hàng theo Thông tư 01
|
Trong gói tín dụng 25.000 tỉ đồng vừa triển khai, ACB dành 13.000 tỉ đồng cho các khách hàng cá nhân và 12.000 tỉ đồng cho các khách hàng doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. LS cho vay tối thiểu của nhà băng này dành cho cá nhân từ 7,5%/năm đối với các khoản vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và 8,5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn. Trong giai đoạn bị tác động bởi dịch Covid-19, khách hàng vay vốn theo chương trình này chưa phải trả nợ vốn gốc (ân hạn vốn) trong 12 tháng và được áp dụng chính sách miễn phí trả nợ trước hạn linh hoạt trong thời gian ân hạn vốn.
NH Sacombank cũng đang có chương trình vay với LS hấp dẫn. Cụ thể, khách hàng sở hữu thẻ tín dụng cá nhân hoặc sổ tiết kiệm và thẻ thanh toán tại Sacombank đăng ký vay thành công trên ứng dụng, khoản vay sẽ được giải ngân vào tài khoản Sacombank Pay. Số tiền vay tối thiểu là 6, 12 và 24 triệu đồng tương ứng với kỳ hạn trả góp 6, 12 và 24 tháng với LS 0,65%/tháng thế chấp sổ tiết kiệm và 0,84%/tháng đối với khách hàng vay theo hình thức thẻ tín dụng. Hạn mức vay tối đa 90% hạn mức thẻ tín dụng hoặc tỷ lệ vay theo sổ tiết kiệm và lên đến 100 triệu đồng. Mặc dù LS vay khá thấp nhưng phía Sacombank cho hay khách hàng cũng “liệu cơm gắp mắm” trong giai đoạn này khi nhu cầu mua sắm tiêu dùng giảm nên giải ngân không như dự kiến.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, thừa nhận từ sau tết đến nay, các cá nhân vay sửa chữa nhà cửa, mua nhà giảm hẳn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với vay mua nhà của cá nhân chỉ còn 0,42%, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng 1,6%.
“Người lao động bị giảm lương, công ăn việc làm cũng bấp bênh thì việc vay vốn NH liên quan đến nhà cửa, tiêu dùng cũng hạn chế. Trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của các NH trên địa bàn chỉ tăng 1,4%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 3,2%. Trong các gói tín dụng liên quan đến khách hàng cá nhân, NH hiện vẫn “ưu ái” cho dòng tiền đổ vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều hơn. Do đó, tăng trưởng tín dụng cho cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh tăng 1,3%”, ông Minh nói.
Doanh nghiệp lo nợ cũ, ít vay mới
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), cá nhân vay mua sắm, tiêu dùng hay đầu tư tài sản gần như không có. Việc giảm tốc độ tín dụng trong những tuần giãn cách xã hội là đương nhiên. Các lĩnh vực như sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu... đều bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Nhiều DN không có doanh thu nên không thể đi vay. Vì vậy, các NH hiện chủ yếu thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch. Một số hồ sơ giải ngân cho các dự án đang làm thì vẫn triển khai, còn hồ sơ vay mới thì rất khó.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NH Nhà nước, cho biết tính đến giữa tháng 4, tăng trưởng tín dụng của cả nước còn khoảng 0,8% (giảm 0,5% so với thời điểm cuối tháng 3), tăng khoảng 180.000 tỉ đồng so với đầu năm. Do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, nhu cầu vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh giảm, các cá nhân cũng không có nhu cầu vay tiêu dùng, mua xe, mua nhà vào thời điểm hiện nay... Các NH đang tập trung cơ cấu nợ cho DN. Đối với cho vay mới, nhu cầu vay tập trung vào các DN lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (tăng 1%), cho vay lĩnh vực nông nghiệp chỉ tăng 0,3%, trong khi dư nợ nhiều ngành như thương mại - dịch vụ - du lịch, tiêu dùng... đều giảm mạnh. Nhu cầu vay vốn của khối DN nhỏ và vừa cũng giảm hơn 1%. Mặt bằng LS đang ở mức rất thấp, vấn đề là khách hàng có phương án khả thi hay không mà thôi.
“Việt Nam hiện đang kiểm soát dịch Covid-19 tốt và khi công bố hết dịch, kinh tế sẽ phục hồi trở lại, các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ khởi sắc. Thế nên nhu cầu vay vốn của DN, cá nhân trong thời gian tới sẽ tăng”, ông Hùng dự báo.
Thanh Xuân
Thanh niên
|