Thứ Năm, 30/04/2020 07:57

Hiệp định EVFTA: Cú huých cho xuất khẩu của Việt Nam

Sau khi EVFTA có hiệu lực, sẽ tạo “cú huých” lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đặc biệt là với các mặt hàng nông-thủy sản và những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh như dệt may...

* EVFTA: Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị gì để tận dụng tốt các cơ hội của thị trường EU?

* Những ngành nào sẽ 'hưởng lợi' khi Việt Nam thông qua hiệp định EVFTA

Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)

Dịch COVID-19 dù đã bước đầu khống chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để khắc phục khó khăn khi dịch bệnh đi qua cần rất nhiều giải pháp; trong đó có việc tìm kiếm thị trường mới.

Chính vì vậy, các công đoạn cuối cùng để tiến tới phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đang được gấp rút hoàn thiện để dự kiến được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn trong kỳ họp tới đây và có hiệu lực vào tháng 7/2020.

Điều này đồng nghĩa với việc hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ bước sang một giai đoạn mới với những cơ hội rộng mở hơn.

Tạo cú huých mới

Trong cuộc điện đàm với Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay hiện nay, hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA đã được Chính phủ trình lên Chủ tịch nước xem xét, trình Quốc hội thảo luận và phê chuẩn ngay trong phiên làm việc của Quốc hội Việt Nam dự kiến vào tháng 5/2020.

Cùng với đó, chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định cũng đã được tiến hành. Hiện, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA.

Về phía EU, ngày 30/3 vừa qua, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU.

Như vậy, chỉ cần chờ Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định, thì EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.

Đây là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt thực hiện các hoạt động xuất khẩu sang thị trường EU.

Thống kê từ Bộ Công Thương, EU là một trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, sau khi EVFTA có hiệu lực, sẽ tạo “cú huých” lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đặc biệt là với các mặt hàng nông-thủy sản và những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh như dệt may, da giày, đồ gỗ...

Ngoài ra, việc sớm phê chuẩn EVFTA cùng với các biện pháp hỗ trợ sẽ sớm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp cận thị trường và phục hồi sản xuất tốt hơn.

Không những thế, EVFTA còn góp phần đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhất định, từ đó bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.

Nhận định về những cơ hội mà EVFTA mang lại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng EVFTA giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường EU với thuế suất ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh.

Bên cạnh đó, việc kết hợp các cam kết cao về mở cửa đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, EVFTA sẽ là “cú huých” lớn cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước, từ đó tạo ra năng lực sản xuất cũng như thúc đẩy xuất khẩu.

Chia sẻ thêm về Hiệp định này, ông Lương Hoàng Thái-Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh hiện nay hồ sơ về Hiệp định EVFTA đã được trình Chính phủ và dự kiến Quốc hội sẽ thông qua vào cuối tháng 5.

Đi liền với quá trình đó thì các Bộ ngành cũng phải thúc đẩy công đoạn chuẩn bị và ưu tiên hành lang pháp lý để EVFTA có thể được thực thi ngay khi có hiệu lực.

Vì vậy, nếu Quốc hội thông qua và Việt Nam kịp làm thủ tục thông báo với EU, có thể ngay từ thời điểm 1/7/2020 Hiệp định sẽ chính thức đi vào thực thi.

Theo ông Lương Hoàng Thái, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, EVFTA sẽ giúp mở rộng cửa cho hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào nửa cuối năm 2020.

Chủ động trong hội nhập

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, thị trường EU rất lớn nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch cụ thể, bài bản khi đã xác định EU là thị trường mục tiêu.

Hơn nữa, doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi cung ứng với EU; trong đó có các doanh nghiệp đi đầu tham gia để thể hiện sự chủ động và nghiêm túc.

Nhận định về vấn đề này, Thương vụ Việt Nam tại EU, Bỉ, Luxembourg đã khuyến cáo, các doanh nghiệp trong nước cần tính đến khả năng sản xuất và dự trữ hàng hóa để khi có điều kiện thuận lợi, nhất là dịch qua đi sẽ có sẵn hàng hóa để đáp ứng các đơn hàng từ EU.

Thương vụ cũng lưu ý, sau cuộc khủng khoảng bởi dịch COVID-19, nhu cầu thị trường sẽ có nhiều thay đổi. Dự kiến, cách thức tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp EU cũng có những điều chỉnh đáng kể, đòi hỏi các nhà xuất khẩu trong nước phải lưu ý để thích ứng phù hợp với tình hình mới.

Theo ông Lương Hoàng Thái, trong quá trình chuẩn bị để Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, một trong những điều kiện quan trọng là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về quy tắc xuất xứ. Vì vậy, với mỗi Hiệp định thương mại tự do, Bộ Công Thương sẽ ban hành một thông tư về vấn đề này.

Theo quy trình thông thường, phải sau 45 ngày thông tư mới có hiệu lực nên Bộ Công Thương sẽ xin chỉ đạo để khi hiệp định được thông qua và có hiệu lực thi hành, thông tư được ban hành cũng có hiệu lực, giúp doanh nghiệp tận dụng ngay lợi ích từ EVFTA.

Để doanh nghiệp khai thác được các lợi ích từ EVFTA, ông Lương Hoàng Thái cũng đề nghị các Bộ, ngành cần chủ động dự thảo văn bản hướng dẫn như đối với biểu thuế ưu đãi áp dụng cho EU và quy tắc xuất xứ áp dụng với hàng EU vào Việt Nam; các cam kết mua sắm công; hay đấu thầu thuốc thực phẩm... tránh trường hợp ban hành văn bản muộn sẽ gây khó khăn khi thực thi./.

Uyên Hương

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Sở Y tế Quảng Nam 'xin' trả lại máy xét nghiệm 7,2 tỷ đồng (29/04/2020)

>   Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị được giảm lãi vay bằng USD (29/04/2020)

>   Các hãng hàng không chỉ được mở bán vé đến hết ngày 31.5 (29/04/2020)

>   Rút khỏi Trung Quốc, tập đoàn công nghệ chọn sang Việt Nam (29/04/2020)

>   Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm xuất siêu 3 tỷ USD (29/04/2020)

>   Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2020 giảm 10.5% so với cùng kỳ năm trước (29/04/2020)

>   Thủ tướng: Cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ 1/5 (29/04/2020)

>   Xe 'vua' lộng hành ở Đồng Nai: Liên quan con và em ruột một phó giám đốc Công an tỉnh? (29/04/2020)

>   Khởi tố vụ làm giả tài liệu tại Công ty CP Cà Phê Hòa Tan Trung Nguyên (28/04/2020)

>   Việt Nam và Anh hợp tác thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19 (28/04/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật