Thứ Ba, 14/04/2020 15:38

Hải quan nói gì khi doanh nghiệp xuất khẩu gạo ‘tố’ mở tờ khai lúc nửa đêm?

Tổng cục Hải quan vừa chính thức lên tiếng sau khi một loạt doanh nghiệp kêu cứu lên Thủ tướng về việc không xuất được gạo do hải quan mở tờ khai lúc nửa đêm.

* Thủ tướng đồng ý xuất khẩu gạo trở lại nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực

Hải quan nói gì khi doanh nghiệp xuất khẩu gạo ‘tố’ mở tờ khai lúc nửa đêm?
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo tố bị làm khó khi xuất khẩu. Ảnh: Gia Hân

Trước đó, trong số doanh nghiệp kêu cứu có CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (trụ sở tại Cần Thơ). Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc công ty này, phản ánh nhận được Quyết định số 1106/QĐ-BCT của Bộ Công thương vào chiều 11.4 (Quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo của Bộ Công thương).

Ngay sau đó, công ty đã cử nhân viên túc trực trên máy tính để mở tờ khai cho những lô hàng xuất khẩu gạo dang dở từ ngày 24.3, nhưng hệ thống phần mềm hải quan điện tử không mở. Công ty lên Hệ thống phần mềm hải quan điện tử (VNACCS) để lấy thông tin tờ khai thì chỉ nhận được thông báo: “Thực hiện không thành công, kết thúc bất thường được phát hiện ở trung tâm”.

Đến sáng 12.4, công ty tiếp tục lên hệ thống để thực hiện mở tờ khai thì hệ thống công bố là đã đủ chỉ tiêu.

Theo đại diện của CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, từ trước ngày 24.3 đến nay đã phải tạm dừng đăng ký và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu. Việc chỉ trong vài giờ đồng hồ mở tờ khai lúc đêm khuya đã hết chỉ tiêu 400.000 tấn khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng và dễ dẫn tới lợi ích nhóm, không minh bạch.

Một doanh nghiệp khác tính toán, với phí lưu container 50 USD/container, doanh nghiệp này mất khoảng 14.000 USD/ngày (gần 300 triệu đồng/ngày). Chưa kể, hơn 4.000 nghìn tấn gạo đang bị ùn lại lênh đênh trên sà lan, mỗi ngày chi phí mất 120 triệu đồng.

Đăng ký tự động, công chức hải quan không can thiệp

Đáp lại, Tổng cục Hải quan cho biết, việc cấp chỉ tiêu xuất khẩu gạo thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng trong bối cảnh dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn. Sau đó, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4.2020 (có hiệu lực kể từ 24 giờ ngày 11.4).

Theo quyết định này, thương nhân nào đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Số lượng khai trên tờ khai hải quan đã đăng ký sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4. Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục, hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

“Tờ khai có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn…”, quyết định của Bộ Công thương nêu rõ.

Tổng cục Hải quan khẳng định việc xuất khẩu gạo là tự động và cấp theo chỉ tiêu 400.000 tấn. Ảnh: Gia Khiêm

Theo Tổng cục Hải quan, Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) do Chính phủ Nhật bản viện trợ hoạt động theo nguyên tắc xử lý tự động. Để thực hiện quyết định của Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan cần có thời gian để thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Kể từ 24 giờ ngày 11.4, hệ thống đã được thiết lập theo nguyên tắc tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu. Nguyên tắc là tờ khai đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước, ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống, không có sự can thiệp của công chức hải quan.

Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4 (là 400.000 tấn)

“Qua theo dõi, thống kê của Tổng cục Hải quan trong thời gian từ 24 giờ ngày 11.4 đến 19 giờ 34 ngày 12.4, đã có 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu tại 13 chi cục hải quan. Số lượng gạo đã đăng ký tờ khai xuất khẩu 399.999,73 tấn”, nguồn tin từ Tổng cục Hải quan cho biết.

Anh Vũ

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp ngành gỗ phải tìm cơ hội trước thách thức từ COVID-19 (14/04/2020)

>   Cửa nào cho doanh nghiệp nhỏ thời dịch? (14/04/2020)

>   Cục Hàng không 'tuýt còi' các hãng mở bán vé bay sau 15.4 (14/04/2020)

>   Giá điện giảm 'nhỏ giọt' (14/04/2020)

>   TP HCM sẽ làm gì để hỗ trợ kinh tế? (14/04/2020)

>   Khẩu trang Việt Nam dồn dập xuất đi Mỹ, châu Âu (14/04/2020)

>   90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ tại TP HCM đã ngừng hoạt động (13/04/2020)

>   SCIC dự kiến thoái vốn tại 85 doanh nghiệp trong năm 2020 (13/04/2020)

>   Việt Nam có thể không đón thêm được du khách nào đến hết năm 2020? (13/04/2020)

>   Gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải biển (13/04/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật