Fitch dự báo Việt Nam tăng trưởng GDP năm 2020 về mức 3.3%
Theo thông báo vào ngày 08/04 vừa qua, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đã điều chỉnh xếp hạng Nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ (IDR) của Việt Nam từ Tích cực sang Ổn định, đồng thời giữ nguyên mức xếp hạng BB.
* Đại học Kinh tế Quốc dân dự báo các kịch bản cho kinh tế Việt Nam
* Fitch hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2020 xuống -0,2%
* VNDirect giảm dự phóng tăng trưởng GDP Việt Nam 2020 về còn 5%
Việc điều chỉnh này dựa trên đánh giá tác động của dịch Covid-19 với nền kinh tế của Việt Nam thông qua các ngành du lịch, xuất khẩu và làm suy giảm nhu cầu nội địa. Mặc dù vậy, việc giữ nguyên xếp hạng cho thấy triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn, vĩ mô tiếp tục ổn định, nợ Chính phủ tiếp tục giảm và nguồn tài chính từ bên ngoài tốt hơn so với các nước trên cùng xếp hạng, dựa trên nguồn dự trữ ngoại hối được tích trữ vài năm gần đây trong điều kiện kinh tế ổn định hơn.
Fitch dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 giảm về mức 3.3% so với mức 7% năm 2019 do tác động của dịch Covid-19. Đây được xem là tốc độ tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam kể từ giữa những năm 1980. Fitch cũng dự báo tăng trưởng trong quý 1/2020 cũng chỉ còn 3.8% so với mức 7% trong quý 4/2019. Fitch cho rằng tăng trưởng năm nay chịu áp lực giảm và khó dự đoán, còn phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam và các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Số ca nhiễm tại Việt Nam tính đến nay vẫn tương đối thấp, nhưng có thể tăng lên trong thời gian tới và các hoạt động kinh tế phải hạn chế để ngăn dịch bệnh lây lan.
Báo cáo cũng cho biết ngành du lịch và xuất khẩu chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ mùa dịch. Ngành du lịch đóng góp trực tiếp 10% vào GDP, nhưng tổng thể còn lớn hơn thông qua các tác động gián tiếp. Lượng khách du lịch trong tháng 3 đã giảm 68% so với cùng kỳ. Fitch dự báo nếu dịch bệnh có thể được kiềm chế vào nửa cuối năm nay thì ngành du lịch sẽ hồi phục từ từ.
Xuất khẩu cũng giảm mạnh do nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam giảm như Mỹ và Trung Quốc. Nhu cầu xuất khẩu yếu sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành sản xuất. Vốn đầu tư thực hiện trong quý 1/2020 đã giảm 6.6% so với năm trước.
Fitch kỳ vọng cán cân vãng lai sẽ chỉ thâm hụt nhẹ trong năm 2020, do xuất khẩu, du lịch và kiều hối giảm. Tuy nhiên, số liệu này có thể thặng dư trở lại vào năm tới khi kinh tế toàn cầu phục hồi.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện các chính sách để giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, bao gồm các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp như miễn thuế, giãn thuế, trợ cấp tiền mặt cho người thu nhập thấp và mất việc làm. Tính đến nay, gói cứu trợ đã lên đến 17,000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua vào lượng ngoại tệ đáng kể, nâng dự trữ ngoại hối lên mức gần 80 tỷ USD vào năm 2019, giúp ổn định tiền tệ.
Ngân sách có thể bị ảnh hưởng do các chính sách hỗ trợ dịch Covid-19, chi tiêu cao hơn để bù đắp tác động của dịch đến kinh tế, do đó, Fitch dự báo thâm hụt ngân sách năm 2020 lên 6.5% GDP, so với mức 3.4% năm 2019. Tổng nợ Chính phủ được dự báo lên 42.5% GDP trong năm 2020 từ mức 38% năm 2019. Hai chỉ tiêu này có thể tăng hơn nữa nếu dịch bệnh kéo dài hơn dự báo.
Tuy nhiên, Fitch cũng dự báo kinh tế sẽ hồi phục trong năm 2021, với mức tăng trưởng GDP dự kiến là 7.3% khi nhu cầu trong và ngoài nước hồi phục. Xuất khẩu và du lịch có thể tăng trở lại cùng với vốn FDI trong lĩnh vực sản xuất cũng tăng lên, hỗ trợ triển vọng kinh tế trong trung hạn.
Cát Lam
FILI
|