Có nên 'cứu' giá cổ phiếu vào lúc này?
Trong 1 tháng trở lại đây, trước tình trạng giá cổ phiếu giảm sâu, nhiều doanh nghiệp đã ra tay mua vào cổ phiếu quỹ với số lượng khủng, trong khi ban lãnh đạo và cổ đông lớn của nhiều công ty cũng đăng ký mua vào với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu, cũng như nhằm đỡ giá cho cổ phiếu. Tuy nhiên, hành động đó có phù hợp trong lúc này?
* Các doanh nghiệp dự kiến chi hơn 4,000 tỷ để mua 251 triệu cổ phiếu quỹ
Chiêu bài quen thuộc
Hàng trăm triệu cổ phiếu đã được các doanh nghiệp, ban lãnh đạo và cổ đông lớn đăng ký mua vào trong những tuần gần đây, trong bối cảnh giá nhiều cổ phiếu lao dốc, không ít đã mất hơn nửa giá trị chỉ trong thời gian ngắn và rớt về mức thấp lịch sử kể từ khi niêm yết đến nay.
Mục tiêu đỡ giá là tất yếu, khi động thái này có thể hỗ trợ tâm lý cho các nhà đầu tư cá nhân khác bớt bán tháo cổ phiếu của doanh nghiệp. Điều này cũng nhằm giúp cổ phiếu tránh rơi vào tình trạng bị bán giải chấp nếu giảm xuống một ngưỡng giá nhất định, khi mà hiện nay không chỉ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng đang thế chấp cổ phiếu để vay tiền, hoặc chính doanh nghiệp lấy cổ phiếu làm tài sản bảo đảm để phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
KHÓA HỌC ONLINE
Chứng khoán Cơ bản
- Khai giảng: 15/4/2020
- Ưu đãi 50% ++
Hotline: 0908 16 98 98
>>Đăng ký ngay
|
Do đó, khi cổ phiếu giảm mạnh, những đối tượng này buộc phải đóng bổ sung tiền ký quỹ. Trong khi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ phần lớn sẽ đóng thêm tiền ký quỹ hoặc chấp nhận bán giải chấp, thì các doanh nghiệp, ban lãnh đạo, cổ đông lớn có thể tìm cách đẩy giá cổ phiếu lên trở lại để khỏi bị bán giải chấp. Do quy định nhóm này khi mua phải đăng ký và công bố thông tin, nên hành động mua vào có thể tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư, kéo giá cổ phiếu phục hồi, từ đó có thể sẽ không phải bỏ thêm tiền mặt để đóng ký quỹ bổ sung.
Thực tế trong những đợt giảm sâu và bán tháo vừa qua, không ít phiên là do cổ phiếu của các nhà đầu tư cá nhân đang thế chấp bị các công ty chứng khoán buộc phải bán giải chấp. Và xu hướng này có thể sẽ chưa kết thúc nếu giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu, lần này có thể sẽ đến từ lượng cổ phiếu mà các doanh nghiệp, ban lãnh đạo hay cổ đông lớn của công ty đang thế chấp tại chính các công ty chứng khoán, ngân hàng.
Những diễn biến gần đây càng khẳng định thực tế là nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hiện đang cầm cố cổ phiếu với số lượng lớn để vay tiền và đứng trước nguy cơ bị bán giải chấp. Mới đây nhất, CTCK Mirae Asset công bố thông tin về việc từ ngày 31/3/2020 bán giải chấp hơn 2.5 triệu cp LDG của CTCP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) do ông chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Hưng nắm giữ.
Hay như trước tin đồn Vietcombank bán giải chấp 100 triệu cổ phiếu HPG của ông Trần Đình Long, thì theo thông báo từ phía công ty đưa ra, hợp đồng trung dài hạn giữa Hòa Phát và Vietcombank đã có tài sản đảm bảo. Việc thế chấp 100 triệu cổ phiếu của ông Trần Đình Long chỉ là bổ sung thêm làm tài sản đảm bảo cho khoản vay chứ không phải dùng 100 triệu cổ phiếu này để mua cổ phiếu. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy thực tế lãnh đạo, cổ đông lớn của các công ty đang thế chấp cổ phiếu làm tài sản đảm bảo vay vốn là phổ biến.
Song, chiêu bài quen thuộc đăng ký mua vào cổ phiếu với số lượng lớn của cổ đông lớn hay ban lãnh đạo doanh nghiệp dường như đã mất hiệu quả trong tình hình hiện nay, khi hầu hết cổ phiếu được ra tay đỡ giá chỉ bật lại được 1-2 phiên ngắn ngủi và sau đó tiếp tục chuỗi ngày chìm sâu trước sự chứng kiến bất lực của Ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Có nên ra tay đỡ giá trong thời gian này?
Riêng với việc mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp, dù động thái này trước mắt có thể phần nào gia tăng cho giá trị cổ đông, khi không ít doanh nghiệp có thể lựa chọn mua cổ phiếu quỹ và sau đó hủy luôn số cổ phiếu này để làm giảm số lượng cổ phiếu lưu hành, từ đó giúp tăng thị giá trên sàn cho về đúng giá trị vốn hóa kỳ vọng của doanh nghiệp. Thực tế theo thông báo của nhiều doanh nghiệp, việc mua vào cổ phiếu quỹ cũng nhằm làm tối ưu hóa giá trị cho cổ đông, khi giúp cải thiện các tiêu chí như thu nhập trên cổ phiếu (EPS), các tỷ lệ P/E,... từ đó làm tăng sức hấp dẫn của doanh nghiệp theo định giá.
Dù vậy, trong bối cảnh niềm tin thị trường suy yếu, tâm lý nhà đầu tư cực kỳ nhạy cảm và dễ bị tổn thương như hiện nay, rõ ràng việc các doanh nghiệp, lãnh đạo ra tay đỡ giá cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa, thậm chí những phiên phục hồi ngắn ngủi kể trên còn được xem là cơ hội tuyệt vời để các nhà đầu tư thoát hàng và bán mạnh hơn, nhất là khi giá trị mua vào của các nhóm này chỉ như “muối bỏ bể”. Cụ thể với hàng trăm triệu cổ phiếu đăng ký mua vào nói trên, giá trị quy ra cũng chỉ vài ngàn tỷ đồng, mà thực tế số lượng mua vào có thể thấp hơn nữa khi nhiều người không mua vào đủ như số lượng đã đăng ký.
Trước tình hình dịch bệnh chưa biết sẽ còn diễn tiến đến đâu, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng, thu nhập người lao động bị tổn thương, nguy cơ không thể đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh liên tục hiện hữu hơn bao giờ hết, ảnh hưởng lên thanh khoản và dòng tiền kinh doanh, các doanh nghiệp có lẽ nên ưu tiên nguồn lực hiếm hoi hiện nay để giữ vững hoạt động, song song với hoạt động phòng chống dịch bệnh, cố gắng tồn tại cho qua giai đoạn khó khăn này, thay vì đem đi giải cứu giá cổ phiếu, nhất là trong bối cảnh “tiền mặt là vua” như hiện nay.
Bởi vì một lý do đơn giản là nếu chống dịch thành công, hoặc ít nhất vẫn đảm bảo được hoạt động kinh doanh vận hành trơn tru ở mức tối thiểu trong tình hình này, thì giá cổ phiếu sau giai đoạn suy giảm kéo dài tự khắc có thể phục hồi trở lại, khi các nhà đầu tư nhận ra rằng cổ phiếu đã về mức quá rẻ, nguy cơ doanh nghiệp phá sản là gần như không thể xảy ra, khi giờ đây doanh nghiệp đã có thể “sống chung với dịch” và mọi hoạt động có thể vẫn được duy trì để sống sót qua mùa dịch, tạo tiền đề cho khả năng phục hồi nhanh chóng một khi dịch bệnh được kiềm chế hoặc kết thúc.
Một điều cũng cần lưu ý là với những chính sách hỗ trợ gần đây của các cơ quan quản lý như miễn giảm thuế, phí, bảo hiểm xã hội, không loại trừ khả năng doanh nghiệp sử dụng nguồn lực tiết giảm này để sử dụng mua vào cổ phiếu quỹ, thay vì để duy trì chính sách cho người lao động hoặc tìm cách phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này nếu thật sự xảy ra thì rõ ràng không đáp ứng được mục tiêu ban đầu của nhà điều hành. Dù vậy, như đã nói, đứng trước áp lực cổ phiếu do chính các doanh nghiệp, ban lãnh đạo đem đi thế chấp, cầm cố nay sắp bị bán giải chấp, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng tìm cách đỡ giá cổ phiếu bằng cách đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ, dưới chiêu bài gia tăng giá trị cho cổ đông nhưng cũng chính là nhằm giải cứu cho các lãnh đạo, cổ đông nội bộ của chính doanh nghiệp. Chiến lược trên liệu có sai lầm?
Trước tình hình dịch bệnh chưa biết sẽ còn diễn tiến đến đâu, các doanh nghiệp có lẽ nên ưu tiên nguồn lực hiếm hoi hiện nay để giữ vững hoạt động thay vì đem đi giải cứu giá cổ phiếu, nhất là khi “tiền mặt là vua” như hiện nay.
|
Phan Thụy
FILI
|