Chuyển động cổ phiếu ngân hàng trong quý 1
Sắc đỏ là gam màu chủ đạo bao trùm không chỉ riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng mà hầu như là cả thị trường chứng khoán trong quý đầu tiên của năm 2020.
Khép lại phiên giao dịch 31/03, VN-Index dừng ở mức 662.53 điểm, giảm hơn 31% so với đầu năm 2020. Chỉ số ngành ngân hàng cũng đồng điệu với VN-Index khi đã giảm gần 29%, lùi về mức 59.25 điểm.
Theo đó, dựa trên dữ liệu thống kê của Vietstock tại 18 ngân hàng đang niêm yết trên 2 sàn HOSE, HNX và đăng ký giao dịch trên UPCoM trong 3 tháng đầu năm, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều theo xu hướng giảm.
Vốn hóa ngân hàng “tan biến”hơn 226,201 tỷ đồng
Giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng vào cuối phiên 31/03 đã lùi về mức gần 695,526 tỷ đồng. Cuối quý 1/2020, vốn hóa ngân hàng đã bay hơi hơn 272,673 tỷ đồng, tương đương giảm 28% so với mức của đầu năm 2020.
Nguồn: VietstockFinance
|
Về phía 3 “ông lớn” gốc Nhà nước, mặc dù VietinBank (CTG) có mức giảm vốn hóa đáng kể nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với sự mất mát của BIDV (BID) và Vietcombank (VCB).
So với mức đóng cửa hồi đầu năm, vốn hóa của VCB đã “ra đi” gần 106,816 tỷ đồng, tương đương giảm 32%, chỉ còn hơn 229,950 tỷ đồng. Còn BID đã mất hơn 64,553 tỷ đồng vốn hóa, giảm 34% về mức hơn 124,079 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn hóa của CTG giảm 20%, tương đương mất gần 16,011 tỷ đồng, còn gần 64,043 tỷ đồng.
Tại các ngân hàng cổ phần tư nhân, vốn hóa Techcombank (TCB) chỉ còn hơn 52,502 tỷ đồng, giảm 37% so với đầu năm. MB (MBB) có vốn hóa giảm 34% còn gần 32,675 tỷ đồng. Riêng Vietbank và Bac A Bank (BAB) là ngân hàng có mức giảm vốn hóa nhẹ chỉ từ 4-7%. Những nhà băng còn lại có mức giảm từ 11%-28%.
Vốn được xem là nhóm cổ phiếu dẫn dắt tâm lý thị trường, diễn biến tiêu cực của cổ phiếu ngân hàng trong quý đầu tiên của năm 2020 là hậu quả của dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2020, huy động và tín dụng tăng trưởng lần lượt là 0.51% và 0.68% so với đầu năm 2020, giảm mạnh so với mức 1.72% và 1.9% của cùng kỳ 2019. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá sơ bộ có 926 ngàn tỷ đồng dư nợ của 23 NHTM có khả năng quá hạn do ảnh hưởng của dịch bệnh, chiếm 11% tổng dư nợ. Với các chỉ tiêu quan trọng đều tăng chậm hơn so với cùng kỳ chứng tỏ các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến kinh doanh của ngân hàng.
“Chồi non” giữa sa mạc?
Trong quý 1/2020, với sắc đỏ là tông màu chủ đạo, cổ phiếu SHB ngược đường leo dốc giữa lúc 17 mã cổ phiếu ngân hàng còn lại đều rớt giá.
Nguồn: VietstockFinance
|
Được đánh giá là một trong những cổ phiếu nằm ở chiếu dưới của nhóm ngân hàng năm 2019, thị giá của SHB chìm dưới mệnh giá, nhưng chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2020, thị giá cổ phiếu SHB đã cao gấp 2.2 lần hồi đầu năm, leo lên mức 12,200 đồng/cp vào cuối phiên 31/03.Trong đó, mức giá cao nhất mà SHB ghi nhận là 12,900 đồng/cp vào cuối phiên 05/03, đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 10 năm qua của cổ phiếu này.
Trong khi đó, BID (giảm 34%), HDBank (HDB) (giảm 36%), MB (MBB) (giảm 36%), TCB (giảm 37%), VCB (giảm 32%) là những cổ phiếu có giá sụt giảm mạnh và BAB (giảm 4%) cùng với VBB (giảm 6%) là mã có giá giảm nhẹ nhất trong nhóm ngân hàng.
Hiện tượng bùng nổ giá của SHB vẫn là ẩn số chưa có lời giải đáp.
Thanh khoản NVB tăng vọt, giao dịch thỏa thuận bùng nổ ở VPB
Nguồn: VietstockFinance
|
Nhìn vào thanh khoản cổ phiếu ngân hàng trong quý 1/2020, đã có hơn 4,188 triệu cp được giao dịch, tăng 67%, tương ứng với giá trị giao dịch gần 77,547 tỷ đồng, tăng 51% so với quý 1/2019.
Với giá cổ phiếu bùng nổ, SHB cũng giữ vị trí đứng đầu về thanh khoản khi có hơn 818 triệu cp được giao dịch, gấp 2.4 lần của quý 1/2019, với giá trị giao dịch đạt gần 7,770 tỷ đồng.
Những mã khác đều có khối lượng giao dịch lên đến hàng triệu cổ phiếu, duy chỉ có KLB là cổ phiếu có thanh khoản yếu ớt nhất khi chỉ 764,850cp, giá trị 9 tỷ đồng được giao dịch trong 3 tháng đầu năm.
Xét về tốc độ tăng trưởng, có đến 14/18 cổ phiếu ngân hàng có khối lượng giao dịch tăng. Trong đó, NCB (NVB) có thanh khoản tăng mạnh nhất với gần 164 triệu cp được giao dịch, cao gấp 3.5 lần quý 1/2019.
Nguồn: VietstockFinance
|
Xét về phương thức giao dịch, trong quý 1 đã có hơn 3,453 triệu cp được giao dịch theo phương thức khớp lệnh trên sàn, tương ứng với giá trị giao dịch đạt hơn 63,300 tỷ đồng, chiếm 82% về tổng khối lượng giao dịch và 81% về tổng giá trị giao dịch.
Còn lại hơn 734 triệu cp được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với giá trị đạt gần 15,145 tỷ đồng. Trong đó, VPB là mã có khối lượng giao dịch thỏa thuận lớn nhất với hơn 153 triệu cp, giá trị 3,863 tỷ đồng, chiếm 40% tổng khối lượng cổ phiếu VPB giao dịch trong quý 1.
Khối ngoại bán ròng gần 84 triệu cp
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong quý 1/2020, khối ngoại đã bán ròng gần 84 triệu cp, với giá trị bán ròng gần 60,308 tỷ đồng, trong khi quý 1 năm trước khối ngoại mua ròng gần 59 triệu cp, với giá trị mua ròng hơn 1,743 tỷ đồng.
Trong đó, nếu xét về khối lượng bán ròng, SHB là nhà băng có khối ngoại bán ròng mạnh nhất với gần 53 triệu cp, giá trị hơn 3,045 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước khối ngoại mua ròng hơn 3 triệu cp với hơn 25 tỷ đồng. VCB là nhà băng có giá trị khối ngoại bán ròng lớn nhất với gần 31,158 tỷ đồng, khối lượng bán ròng hơn 6 triệu cp trong khi quý 1 năm trước được mua ròng hơn 19 triệu cp, giá trị gần 1,182 tỷ đồng.
CTG, EIB và MB là một trong số ít nhà băng được khối ngoại mua ròng. Trong đó, CTG được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với hơn 7 triệu cp, giá trị gần 4,134 tỷ đồng, giảm 56% về lượng và thấp hơn 10 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Còn EIB được khối ngoại mua ròng 632,380 triệu cp, giá trị hơn 547 tỷ đồng, giảm 84% về lượng và thấp hơn 10 lần quý 1/2019. Riêng MB tuy được khối ngoại mua ròng 5,910 cp nhưng giá trị bán ròng gần 1,730 tỷ đồng.
Ái Minh
FILI
|