Chứng khoán có tạo đáy trong tháng 4?
Theo nhận định của các chuyên gia, kỳ vọng dịch Covid-19 được kiểm soát trong tháng 4 đang có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường đang hình thành đáy?
Ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc Môi giới CTCK Mirae Asset nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 4 đang kỳ vọng vào một đợt phục hồi ngắn hạn, khi Chính phủ đã thi hành biện pháp cách ly xã hội quyết liệt, nhằm ngăn chặn triệt để tình hình lây lan của dịch bệnh quá phức tạp không kiểm soát được. Sự kỳ vọng hồi phục này còn đến từ yếu tố bên ngoài, khi các quốc gia top đầu về đỉnh dịch cũng đang có những biện pháp hết sức cứng rắn nhằm dập tắt đại dịch, đồng thời bung hàng loạt gói kích cầu khổng lồ, để hỗ trợ và kích hoạt lại nền kinh tế gần như đóng băng của mình .
Vị chuyên gia nói thêm, về mặt xu hướng và định giá tương đối vùng 650 điểm của VN-Index đang hình thành một khu vực hỗ trợ khá tốt, khi dòng tiền bắt đáy tham gia khá mạnh tại đây, cũng như mức định giá tương đối của thị trường theo PE đang rẻ nhất khu vực (quanh 10.x lần).
Còn theo ông Hoàng Công Tuấn – Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô CTCK MB (MBS), hiện tại thị trường chứng khoán thế giới nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng đang có tín hiệu phục hồi tạo đáy với kỳ vọng dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 4 của giới đầu tư.
Trong giai đoạn này, 2 yếu tố chính tác động tới thị trường là diễn biến của dịch Covid-19 và các yếu tố kinh tế vĩ mô.
Về yếu tố dịch bệnh, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt tại Việt Nam và trên thế giới từ cuối tháng 4, thì thị trường sẽ tạo được đáy vững chắc và đi lên với các nhịp điều chỉnh xen kẽ.
Về các yếu tố vĩ mô, các thông số của nền kinh tế thế giới được công bố sẽ tiếp tục xấu đến hết quý 2/2020 sẽ gây ra nhưng nhịp điều chỉnh giảm của thị trường do tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế là rất rõ ràng. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 thì nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh vào quý 3 - 4 năm nay nhờ các gói hỗ trợ, kích thích tăng trưởng kinh tế của các quốc gia làm nền tảng cho sự phục hồi của thị trường vào các quý cuối năm.
Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tại Việt Nam và trên thế giới, VN-Index có thể sẽ phục hồi trở lại trên mức 800 điểm trong 1 – 2 tháng sau khi dịch được kiểm soát vì dòng tiền đầu tư rất nhanh sẽ đổ mạnh vào thị trường trở lại. Cơ sở để thu hút dòng tiền trở lại của thị trường là mức định giá hấp dẫn trong dài hạn khi thị trường đã giảm rất mạnh trong thời gian qua. Rất nhiều cổ phiếu blue chip của các công ty đầu ngành có nền tảng kinh doanh vững chắc đã về vùng giá rất thấp so với triển vọng dài hạn của doanh nghiệp.
Trong trường hợp dịch bệnh không được kiểm soát hoặc kéo dài lâu hơn dự kiến thì thị trường sẽ có nhiều khả năng giảm điểm trở lại đáy cũ. Do đó, việc theo dõi diễn biến của dịch bệnh trong 1 - 2 tuần tới là cần thiết đối với các nhà đầu tư.
Khối ngoại rút ròng là hợp lý
Đối với dòng tiền khối ngoại, ông Minh Tuấn cho rằng câu chuyện bán ròng ngoại khối vẫn sẽ tiếp diễn và đồng biến với tình hình đại dịch, cùng với những biến động của thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu, vì lượng tiền đang rút ra này vẫn thiên về nhóm quỹ chỉ số ETF và các quỹ giao dịch phòng hộ cần rút tiền về chính quốc để đảm bảo chiến lược phòng thủ trong bối cảnh bất ổn hiện nay .
Ông Công Tuấn đánh giá trong diễn biến kinh tế toàn cầu tiêu cực, triển vọng lợi nhuận doanh ngiệp sụt giảm thì khối này có xu hướng rút vốn khỏi cổ phiếu của các thị trường mới nổi để nắm giữ các tài sản an toàn như USD và trái phiếu hoặc đổ lại vào các thị trường phát triển. Việc rút ròng xảy ra ở hầu hết các thị trường mới nổi, cận biên chứ không phải chỉ riêng ở Việt Nam. Xu hướng này sẽ đảo chiều khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và thị trường thế giới tạo đáy.
Về phần kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, ông Minh Tuấn cho biết hiện tại hầu hết các doanh nghiệp đang điều chỉnh lại toàn bộ kế hoạch kinh doanh cho 2020 trước biến cố bất ngờ này, trong đó, đa số những doanh nghiệp lớn đã và đang xin gia hạn ngày công bố kết quả kinh doanh và đại hội cổ đông. Do đó, con số của quý 1 sẽ không quan trọng bằng kế hoạch kinh doanh được công bố trong kế hoạch trù bị về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cho 2020.
Đối với kết quả kinh doanh quý 1, ông Công Tuấn cho rằng tác động lên thị trường bởi yếu tố này hiện nay sẽ không nhiều vì yếu tố chính vẫn là tình hình dịch Covid-19. Tuy nhiên, kết quả quý 1 được công bố sẽ gây ra tình trạng phân hóa, dòng tiền sẽ tập trung vào các doanh nghiệp ít chịu tác động từ dịch và có triển vọng tươi sáng hơn các doanh nghiệp còn lại.
Cơ hội để đầu tư dài hạn
Về chiến lược đầu tư, ông Công Tuấn khuyến nghị, đây là giai đoạn để nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn. Mặc dù không biết bao giờ dịch bệnh mới kết thúc song xu hướng thị trường hồi phục trong dài hạn là chắc chắn. Nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu để nắm giữ trong thời gian dài từ 1 - 2 năm. Các bluechip của doanh nghiệp hàng đầu có năng lực kinh doanh tốt, đủ khả năng duy trì hoạt động trong và sau dịch, có lợi nhuận khá (mặc dù nhiều khả năng sẽ sụt giảm) đáng để xem xét đầu tư. Đây cũng là thời điểm để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, tranh thủ những nhịp tăng để bán ra cổ phiếu của các doanh nghiệp yếu kém, không trụ lại được sau dịch. Mặt khác, nên hạn chế dùng đòn bẩy trong giai đoạn hiện nay.
Còn theo ông Minh Tuấn, chiến lược đầu tư hay đầu cơ trong thời điểm hiện tại vẫn cần phải có sự đánh giá sát sao và lượng hoá thiệt hại của dịch bệnh vào doanh nghiệp nhà đầu tư dự phóng đầu tư. Chiến lược tổng thể vẫn thiên về hướng phòng thủ và lựa chọn những doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt như tiền mặt nhiều, ít nợ và nghề ngành kinh doanh ít bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch như nhóm tiện ích, năng lượng, nhu yếu phẩm.
Chí Kiên
FILI
|