Thứ Ba, 07/04/2020 15:32

Các thương hiệu Việt 'vang bóng một thời' giờ thế nào?

Sá xị Chương Dương, thương hiệu vang bóng một thời của Việt Nam đã bắt đầu “hồi sinh” dưới bàn tay người Thái. Nhưng, không phải thương hiệu nào cũng may mắn như vậy, có rất nhiều sản phẩm là niềm tự hào của người tiêu dùng nội địa đã thu mình lại hoặc rút khỏi thị trường bởi bão cạnh tranh.

Sau khi đăng tải thông tin về việc Sá xị Chương Dương đã được người Thái “hồi sinh” sau nhiều năm lặn ngụp trong lỗ ngày 5-4. Tiếp đó, TBKTSG cũng mong muốn nhìn lại những thương hiệu nội địa từng là niềm tự hào của người tiêu dùng trong thế kỷ trước hiện đang tồn tại ra sao trên thị trường.

Que diêm Thống Nhất cuối cùng đã tắt

Bước sang năm 2020, hộp diêm có hình bồ câu trắng trên nền trời xanh đã chính thức khép lại vòng đời 63 năm của mình. Việc này đã được thông báo trước từ cuối năm 2019 khi Nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất đã thông qua việc dừng sản xuất các sản phẩm diêm. Việc "khai tử" thương hiệu diêm Thống Nhất cũng sẽ kết thúc vòng đời 63 năm của sản phẩm vang bóng một thời tại Việt Nam.

Nhà máy Diêm Thống nhất được thành lập năm 1956, là công xưởng sản xuất đầu tiên được xây dựng tại Miền Bắc sau năm 1954. Khi hầu hết gia đình Việt vẫn sử dụng bếp than và bếp củi để sinh hoạt, những bao diêm Thống Nhất có giá chỉ 100 đồng đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt của người dân. Có thời điểm sản phẩm này chiếm 100% thị phần diêm toàn Miền Bắc.

Từ giai đoạn nền kinh tế bắt đầu mở cửa, diêm Thống Nhất cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm tạo lửa từ nước ngoài, đặc biệt là bật lửa Trung Quốc. Khoảng 10 năm qua, doanh thu công ty đều đạt trên 100 tỉ  nhưng dây chuyền sản xuất cũ, giá nguyên liệu tăng khiến giá vốn công ty luôn chiếm tỷ lệ cao. Kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp dao động trong khoảng 2-3 tỉ đồng/năm.

Năm 2018, công ty ghi nhận 123 tỉ đồng doanh thu nhưng giá vốn chiếm hơn 83%, sau khi trừ các chi phí hoạt động diêm Thống Nhất thu về vỏn vẹn 2 tỉ đồng lãi ròng sau thuế. Thậm chí năm 2019 lợi nhuận còn giảm xuống mức 900 triệu đồng.

Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp

Trước tình trạng sản lượng diêm sụt giảm nhanh và dự báo sẽ còn xuống thấp trong những năm tiếp theo, lãnh đạo và cổ đông Diêm Thống Nhất đã quyết định dừng sản xuất các sản phẩm diêm từ năm 2020. Đồng thời, công ty cũng hủy giao dịch trên sàn chứng khoán UPCoM.

Việc "khai tử" thương hiệu diêm Thống Nhất cũng sẽ kết thúc vòng đời 63 năm của sản phẩm. Công ty sẽ tập trung vào hai sản phẩm chính là bật lửa và bao bì carton.

Xà bông Cô Ba chỉ được “níu giữ” vì quỹ đất

Cha đẻ của xà bông Cô Ba là ông Trương Văn Bền (1883-1956) được sinh ra tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công.

Ông Trương Văn Bền được xem là một trong những “huyền thoại doanh nhân” Việt Nam. Mặc dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực như lúa gạo, nhà băng, canh nông,… nhưng ông vẫn thành công nhất với thương hiệu xà bông Việt Nam.

Xà bông Cô Ba một thời nức tiếng Nam Bộ. Ảnh: HAR

Năm 1932, nhà máy sản xuất xà bông được phát triển trên nền tảng các xưởng dầu ông Bền. Là sản phẩm mới nhưng với chiến lược marketing hiện đại khi gắn sản phẩm vào một đoàn võ thuật để quảng bá thương hiệu đã xà bông Cô Ba đã phát triển rực rỡ thậm chí đẩy lùi được các sản phẩm của Pháp.

Thương hiệu đã duy trì được phong độ trong gần nửa thế kỷ, đến sau năm 1975 Công ty Trương Văn Bền và các con trở thành Nhà máy hợp doanh xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Đến năm 1995, công ty đổi tên thành Phương Đông, là kết quả của sự hợp tác, liên doanh giữa thuộc Bộ Công nghiệp với Tập đoàn Procter & Gamble (P&G).

Đây là khoảng thời gian các tập đoàn đa quốc gia thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Trong đó, hàng tiêu dùng, thiết yếu là lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm lớn nhất. Cùng với P&G, Unilever xưng hùng xưng bá với hai bước đi chính: Tự phân phối sản phẩm của mình và… thâu tóm doanh nghiệp Việt.

Tất nhiên, cả 2 "ông lớn" thế giới đều thâu tóm doanh nghiệp Việt để giảm thiểu cạnh tranh, chứ không phải phát triển. Từ đó, Xà Bông Cô Ba cũng “sống lay lắt” trong xu thế này.

Đến năm 2017, hy vọng lại được nhen nhóm lên khi có đại gia bất động sản tỏ ý muốn “hồi sinh” xà bông Cô Ba. Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR) đã chi gần 214 tỉ đồng để nắm giữ 30,88% vốn của xà bông Cô Ba.

Tuy nhiên, sau một năm về với HAR thị thương hiệu này vẫn chưa có dấu hiệu “hồi sinh” xà bông Cô Ba như tuyên truyền. Mới đây, Ban lãnh đạo HAR nhận định, thương hiệu này vẫn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng nhưng rất khó để cạnh tranh với sản phẩm của các doanh nghiệp cùng ngành. Do đó, chủ trương của công ty là không rót quá nhiều tiền vào đây để hạn chế rủi ro.

Thậm chí mới đây, ông Nguyễn Nhân Bảo, Phó chủ tịch HĐQT HAR cho biết mục đích chính của thương vụ này là thâu tóm quỹ đất gần 10.000 m2 tại các quận trung tâm mà Phương Đông đang có. Trong khi đó, thương hiệu xà bông Cô Ba “trôi dạt” về miền Tây Nam Bộ phân phối lẻ tẻ. Nếu HAR khong tìm được liên doanh để khôi phục sản phẩm này trong thời gian tới, có lẽ thương hiệu xà bông Cô Ba cũng lui vào dĩ vãng.

Cao Sao Vàng trở thành “hiện tượng” trên… Amazon, Ebay

Cao Sao Vàng là một sản phẩm mà bất kỳ gia đình Việt nào cũng có vào những năm 90 của thế kỷ trước. Đây được coi là “thần dược” khi cảm cúm, hắt hơi, đau bụng, bong gân, hay thậm chí đau đầu một chút cũng được sử dụng. Thực sự Cao Sao Vàng trở thành biểu tượng của ngành dược Việt Nam rất nhiều năm sau đó.

Tuy nhiên, sau khi thị trường mở cửa vào những năm 90, các đối thủ nặng ký như dầu gió, dầu cao và những loại thuốc tây y khác đã tung đòn “phủ đầu” Cao Sao Vàng bằng công năng chuyên biệt hơn rất nhiều. Các hộp cao màu đỏ này rút dần khỏi các kênh phân phối dược phẩm ở những năm đầu thế kỷ 21.

Cao Sao Vàng là biểu tượng của ngành dược một thời. Ảnh: Thanh Niên

Những tưởng Cao Sao Vàng sẽ chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình, thì đến những năm trở lại đây, công ty chủ quản của sản phẩm này là Công ty cổ phần Dược phẩm OPC và Công ty cổ phần dược TW3 đã đưa sản phẩm “tái xuất giang hồ”. Sự trở lại của sản phẩm này không thực sự thành công ở quê nhà nhưng bất ngờ là nó lại trở thành “hiện tượng” trên các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới như Amazon.

“Cao Sao Vàng đã được dùng ở Việt Nam cả thế kỷ. Nó có chứa một loại dầu đặc biệt cao cấp ở Việt Nam, kích cỡ nhỏ nên dễ mang đi mang lại, có tác dụng khi bị cúm, cảm lạnh, đau bụng và đau nhức cơ cổ, lưng…”, là những dòng giới thiệu về sản phẩm trên Amazon. Với lời giới thiệu này và chỉ mất 2 đô la để sở hữu “thần dược”, người tiêu dùng phương Tây sẵn sàng móc hầu bao để trải nghiệm. Đó có thể là lý do Cao Sao Vàng luôn cháy hàng trên sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Nói với báo chí về việc này, ông Bùi Xuân Hưởng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dược phẩm TW3 cho biết, công ty không xuất khẩu cao ra nước ngoài, sự xuất hiện thương hiệu cao Sao Vàng trên Amazon do các công ty thương mại khác xuất khẩu.

Không chỉ Amazon, một số trang thương mại điện tử khác như Ebay, Tiki, Sendo... hiện nay cũng rao bán mặt hàng này. Việc xuất hiện ở các chợ điện tử nổi tiếng khiến nhiều điểm bán hàng lưu niệm trong nước cũng đưa cao Sao Vàng trở lại trên kệ. Thực tế, về mức độ đóng góp về doanh số Cao Sao Vàng không phải là quá cao và bền vững, tuy nhiên sự trở lại gần đây này cũng cho thấy được hiệu ứng của thương hiệu vàng son một thời.

"Huyền thoại" mì tôm Miliket, âm thầm thống trị thị trường ngách

Thương hiệu mì ăn liền Colusa - Miliket với biểu tượng hai con tôm chụm đầu trên bìa giấy đã trở thành một mảnh ký ức của thế hệ những người sinh ra, trưởng thành trong giai đoạn thập niên 80 - 90 thế kỷ trước.

Mì 2 tôm Miliket xứng đáng được gọi là huyền thoại vì là khởi nguồn cho danh từ "mì tôm" ở Việt Nam. Ảnh: VD

Năm 1975, Colusa do Công ty thực phẩm Sài Gòn sản xuất là một trong những thương hiệu mì ăn liền đầu tiên tại VN, sau này được ghép thêm tên Miliket thành Colusa - Miliket (thường gọi là Miliket). Nhắm vào phân khúc giá rẻ, bình dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, Miliket “xâm chiếm” kệ bếp của hầu khắp các gia đình. Nó quen thuộc đến mức người tiêu dùng lấy hai từ “mì tôm” định danh cho loại thực phẩm này.  

Đến bây giờ trên thị trường đã có hàng trăm loại mì gói, cả trong nước và ngoại nhập, nhưng với nhiều gia đình vẫn trung thành với mì Miliket. Dù sản phẩm này không xuất hiện một giây quảng cáo nào trên các phương tiện truyền thông. Việc thức thời trong các phương án kinh doanh đã giúp Miliket “trú ẩn” thành công trong cơn bão hàng tiêu dùng nhanh do các “đại gia” như Vina Acecook, Masan, Asia Food… tạo nên.

Chiến lược giá rẻ nhất trên kệ siêu thị, phân phối sỉ vào nhà hàng bình dân, thị trường nông thôn... giúp Miliket vẫn “thu tiền” đều đặn hàng chục năm qua. Thậm chí năm 2017 Miliket chính thức được niêm yết trên sàn UPCOM với giá tham chiếu là 25.800 đồng/cổ phiếu.

Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket, doanh thu thuần của doanh nghiệp năm 2019 là 622 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 31 tỉ đồng và lợi nhuận ròng 25 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Đến hết năm 2019, tổng tài sản của Miliket là 224 tỉ  đồng, trong đó có tới 51 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền cùng 124 tỉ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Dù tài sản có phần khiêm tốn nhưng chỉ số tài chính của doanh nghiệp “đẹp hiếm có” khi không ghi nhận khoản vay nợ nào.

Vẫn còn nhiều thương hiệu Việt Nam như hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, Kem đánh răng Dạ Lan, Xe đạp Thống Nhất, giày Thượng Đình… khi nhắc đến là luôn “khơi gợi” những ký ức đẹp đẽ của người tiêu dùng. Tuy nhiên đến nay dưới sức ép quá lớn của thị trường, trong khi nguồn lực lẫn động lực để phát triển sản phẩm không lớn khiến các thương hiệu này hoặc tồn tại lay lắt dưới “cái bóng quá” khứ hoặc rút lui khỏi thị trường.

V.Dũng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Cần tư duy mới trước những điều chỉnh toàn cầu sau đại dịch COVID-19 (07/04/2020)

>   Việt Nam triển khai các thủ tục phê chuẩn Hiệp định EVFTA (07/04/2020)

>   34.900 doanh nghiệp đóng cửa, 2 triệu lao động nguy cơ mất việc (07/04/2020)

>   Chuyên gia Đức: Kinh tế Việt Nam sẽ bật dậy nhanh sau Covid-19 (07/04/2020)

>   Sacombank ưu đãi nhiều loại phí ngân hàng điện tử dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu (07/04/2020)

>   Bộ Công Thương: Tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng kiểm soát chặt số lượng (07/04/2020)

>   Giao nhận hàng an toàn mùa dịch Covid-19 (07/04/2020)

>   Giá điện mặt trời giảm về hơn 1.640 đồng một kWh (06/04/2020)

>   Thêm 4 ca dương tính SARS-COV-2 được ghi nhận (06/04/2020)

>   Covid 19 khiến 34.900 doanh nghiệp đóng cửa, giải thể, phá sản (06/04/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật