Các ngân hàng Mỹ đứng trước cơ hội trở thành người hùng
Các ngân hàng Mỹ hiện có cơ hội lớn để nổi lên từ đại dịch Covid-19 như những “người hùng” và “người tốt bụng”, một quản lý quỹ nói với CNBC hôm thứ Tư.
Phát biểu trong chương trình “Street Signs Europe” của CNBC, Nick Ford, đồng quản lý Quỹ cơ hội Mỹ và Quỹ các công ty nhỏ hơn của Mỹ tại Premier Miton Investors, cho rằng có một niềm an ủi lớn trong cơn bĩ cực dành cho các tổ chức cho vay, bất chấp áp lực chồng chất do đại dịch gây ra cho các hoạt động của họ.
“Hãy nhớ rằng, ngân hàng là phương tiện để các hệ thống chuyển tiền đến tay những người gặp khó khăn. Tôi nghĩ rằng có cơ hội lớn cho hệ thống ngân hàng Mỹ để phát triển hình ảnh từ điều này như những người tốt bụng - những anh hùng”, ông nói.
Ford thừa nhận các ngân hàng đang bước vào giai đoạn khó khăn, với sự suy thoái kinh tế sắp xảy ra do đại dịch có thể gây áp lực lên thẻ tín dụng và việc trả nợ. Tuy nhiên, ông cho biết những tổ chức cho vay sẽ có vị thế tốt sau cuộc khủng hoảng nếu họ làm việc với các cơ quan chức năng để giúp đảm bảo những nguồn tiền quan trọng đến được tay các công ty nhỏ và người tiêu dùng đang cần đến chúng.
“Nếu họ có thể giải quyết được những vấn đề gặp phải với Cơ quan quản trị doanh nghiệp nhỏ (SBA) trong việc mang tiền đến cho các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng - và có lẽ từ bi hơn nhiều nếu kiên nhẫn, không thu hồi các khoản thanh toán nợ trễ - họ có thể tạo ra hình ảnh tốt từ điều này”, ông nói với CNBC.
Các ngân hàng đã bắt đầu phân phối tiền cho chương trình “Bảo vệ tiền lương Mỹ”, gói viện trợ trị giá 349 tỷ USD phân bổ các khoản vay có thể được miễn trả dành cho các doanh nghiệp nhỏ để giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch. Tuy nhiên, vào hôm thứ Tư, SBA cảnh báo chương trình diễn ra theo cách thức “tới trước được phục vụ trước” này - với 1.3 triệu khoản vay đã được phê duyệt - có thể sắp đạt đến giới hạn cho phép.
Cả Wells Fargo lẫn J.P. Morgan Chase đều báo cáo đã nhận được hơn 300,000 đơn xin vay theo chương trình này.
Các tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng Covid-19 đã xuất hiện trong báo cáo thu nhập của các ngân hàng tuần này, với việc Citigroup, Bank of America và Goldman Sachs đều công bố mức giảm lợi nhuận hơn 45% khi họ xây dựng nguồn dự trữ.
Tuy nhiên, Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz, cho biết các ngân hàng ở Mỹ đã nhanh chóng dành ra hàng tỷ USD để bù cho các khoản tổn thất do cho vay, vì điều đó cho phép họ bảo vệ hình ảnh bằng cách che giấu doanh thu giao dịch cao hơn.
“Nếu kiếm được nhiều tiền khi giao dịch thì bạn thực sự không muốn thể hiện những khoản lợi nhuận khổng lồ. Bạn không muốn nói ‘Nhìn này, tôi đang làm tốt’, trong khi hàng triệu người bị thất nghiệp”, ông nói.
Phố Wall đã bị chỉ trích vì chứng khoán tăng điểm trong những tuần gần đây, khi số lượng người Mỹ mất việc lên mức kỷ lục. Các nhà lập pháp cũng tranh cãi dữ dội về việc những tập đoàn lớn được cấp tiền cứu trợ bằng thuế, trong khi các doanh nghiệp và hộ gia đình nhỏ hơn đối mặt với áp lực tài chính ngày càng tăng.
Trong khi đó, CEO của Standard Life Aberdeen, Keith Skeoch, nói với CNBC hôm thứ Năm rằng các tập đoàn lớn có “mệnh lệnh đạo đức” là phải tiếp tục trả cổ tức trong suốt cuộc khủng hoảng, khi các ngân hàng lớn trên khắp châu Âu đã được các ngân hàng trung ương thuyết phục hủy bỏ việc trả cổ tức cho năm 2020.
Nhã Thanh (Theo CNBC)
FILI
|