WB cân nhắc gói hỗ trợ mới 160 tỷ USD để ứng phó với dịch COVID-19
Chủ tịch Malpass cho biết WB đã có các dự án mới liên quan đến COVID-19 tại 56 quốc gia, khuyến khích các ngân hàng phát triển đa phương khác cùng tham gia đợt này.
* WB, IFC tài trợ giúp khu vực tư nhân vượt qua khó khăn tạm thời do COVID -19
* IMF và WB kêu gọi hoãn lịch trả nợ cho các nước nghèo nhất
* IMF, WB cam kết hỗ trợ giải quyết các tác động kinh tế do COVID-19
Chủ tịch WB David Malpass trong cuộc họp báo tại Washington D.C., Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass ngày 26/3 trình Ban lãnh đạo WB đề xuất một gói hỗ trợ mới, có thể cung cấp tới 160 tỷ USD, nhằm ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ông Malpass cho biết: "Mục tiêu (của gói hỗ trợ) là rút ngắn thời gian để phục hồi, tạo các điều kiện cho tăng trưởng, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp bảo vệ người nghèo và người dễ bị tổn thương."
Theo ông Malpass, trước đó, WB đã phê chuẩn gói trị giá 14 tỷ USD tập trung vào các hậu quả y tế và xã hội trước mắt do dịch gây ra.
Gói hỗ trợ mới sẽ nhằm vào các hậu quả kinh tế lớn hơn trong 15 tháng tới.
Theo ông, hiện WB đang hoàn tất những khâu cuối cùng trước khi thông qua gói hỗ trợ tài chính thứ hai này.
Chủ tịch Malpass cho biết WB đã có các dự án mới liên quan đến COVID-19 tại 56 quốc gia, khuyến khích các ngân hàng phát triển đa phương khác cùng tham gia đợt này.
WB đang tái cơ cấu các dự án hiện hành tại 24 nước nhằm dồn vốn giải quyết tình trạng khẩn cấp về y tế.
Tập đoàn tài chính quốc tế (IFC), mảng tư nhân của WB, cũng đang nghiên cứu các khoản đầu tư mới vào 300 công ty.
Khẳng định rằng hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong thời gian này, Chủ tịch Malpass cho biết WB đang phối hợp chặt chẽ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng nhiều tổ chức khác để xác định các đánh giá cần thiết cho các nước khách hàng.
Trước đó cùng ngày, WB và IMF đã cùng kêu gọi các nước G20 giảm nợ cho các nước nghèo nhất nhằm giúp họ đối phó với các thách thức mà COVID-19 đặt ra, nhấn mạnh rằng dịch sẽ tác động nghiêm trọng hơn đối với các nước nghèo nhất, vốn đang phải phụ thuộc vào Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) của WB.
Trong một diễn biến liên quan, Vương quốc Anh đã thông báo bổ sung 210 triệu USD vào quỹ toàn cầu nghiên cứu bào chế vắcxin chống virus SARS-CoV-2, nâng tổng số đóng góp của nước này lên 544 triệu USD.
Đây là phần đóng góp lớn nhất vào Quỹ Liên minh vì phát triển khả năng sẵn sàng trong dịch (CEPI), một quỹ quốc tế nhằm tìm vắcxin.
CEPI cho biết cần thêm 2 tỷ USD để phát triển vắcxin.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết: "Trong khi các bác sĩ và y tá giỏi của chúng ta đang nỗ lực chống dịch trong nước, số tiền đóng góp lớn của Anh sẽ giúp tìm một vắcxin cho toàn thế giới."
Ông Johnson cũng kêu gọi các nước G20 và các chính phủ trên toàn thế giới tăng cường và nỗ lực dập dịch.
Chính phủ Anh cũng đã công bố một quỹ mới dành cho việc tăng cường sản xuất các công cụ xét nghiệm virus và thuốc điều trị bệnh./.
Bích Liên
Vietnam+
|