Trung Quốc sẽ đánh mất vị thế 'công xưởng thế giới' vì virus corona
Dịch virus corona chủng mới đang đe dọa nghiêm trọng vai trò "công xưởng của thế giới" Trung Quốc sở hữu suốt 30 năm qua.
* Thị trường smartphone Trung Quốc đang lao dốc không phanh
* SCMP: Hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất vì thương chiến, nhưng virus corona khiến Việt Nam gặp khó vì thiếu nguồn linh kiện từ Trung Quốc
* Sức khỏe kinh tế, sản xuất của Trung Quốc thấp nhất mọi thời
"Sử dụng Trung Quốc làm trung tâm sản xuất... Mô hình đó đã chết yểu trong tuần này", Forbes dẫn lời chuyên gia Vladimir Signorelli thuộc Bretton Woods Research, một công ty phân tích đầu tư vĩ mô.
Theo giới phân tích, dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế Trung Quốc nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì thị trường đánh giá. Phố Wall dường như nhận ra điều đó tuần trước. Chỉ số S&P 500 sụt giảm tới 8% khi virus corona chủng mới lan tới nhiều quốc gia.
“Vấn đề đáng sợ nhất của cuộc khủng hoảng không phải là những thiệt hại kinh tế ngắn hạn mà nó gây ra, mà là việc các chuỗi cung ứng bị gián đoạn lâu dài”, nhà phân tích Shehzad H. Qazi, CEO China Beige Book, viết trên Barron's.
Ông Qazi cho biết nhóm hãng sản xuất ô tô và nhà máy hóa chất Trung Quốc bị đóng cửa nhiều hơn các ngành khác. Đến cuối tuần trước, lao động ngành công nghệ thông tin vẫn chưa thể quay lại làm việc. Nhiều hãng vận tải và hậu cần cũng tê liệt. "Tác động dây chuyền sẽ kéo dài ở các ngành phụ tùng xe hơi, điện tử, y tế trong nhiều tháng".
Tàu chở container hàng hóa rời cảng Ninh Ba, Trung Quốc hôm 21/2. Ảnh: Getty.
|
Các công ty quay lưng với Trung Quốc
Theo giới chuyên gia, trên thực tế trước khi dịch virus corona chủng mới bùng nổ, Trung Quốc đã mất dần ưu thế "công xưởng toàn cầu". Trong thời gian qua, các công ty quốc tế chủ động tìm kiếm các địa điểm sản xuất mới với chi phí rẻ hơn và môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Nguyên nhân là mức lương cơ bản ở Trung Quốc dần tăng cao, trong khi các quy định về môi trường được xiết chặt hơn. Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động chiến tranh thương mại chống Trung Quốc và đánh thuế trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc, các công ty đẩy nhanh tốc độ tìm nguồn sản xuất mới.
Hàng loạt tập đoàn bắt đầu di dời một phần dây chuyền sản xuất tới Bangladesh, Thái Lan, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Và sự xuất hiện của loại virus bí hiểm từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) khiến các công ty muốn chờ động thái mới của ông Trump phải lập tức xem xét lại sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Các nhà thuốc bán lẻ ở châu Âu không thể mua được khẩu trang từ Trung Quốc vì hàng nghìn nhà máy nước này chưa thể hoạt động trở lại. Tại sao không thể nhờ cậy Albania? Chi phí lao động ở Albania thậm chí rẻ hơn Trung Quốc, và vị trí thuận lợi hơn.
Forbes cho rằng dịch virus corona chủng mới là cú đòn knock-out đối với Trung Quốc. Sẽ rất khó để nước này tiếp tục giữ vai trò công xưởng thế giới giá rẻ. "Nếu ông Trump tái đắc cử, các công ty sẽ càng nhanh chóng rút dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc".
Mexico có thể thay thế vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng? Ảnh: Getty.
|
Tuy nhiên, việc lựa chọn một quốc gia sản xuất mới vẫn là bài toán khó. Không nền kinh tế nào đủ sức thiết lập hệ thống hậu cần toàn diện và có quy mô lớn như Trung Quốc. Rất ít quốc gia đưa ra được mức thuế ưu đãi như Trung Quốc.
Ấn Độ - quốc gia hơn 1 tỷ dân - có chính sách thuế thuận lợi với các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, hệ thống hậu cần của Ấn Độ còn lâu mới có thể bắt kịp Trung Quốc.
Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada được ký kết năm 2019 đang mở ra cơ hội bất ngờ cho Mexico, nước láng giềng của Mỹ. Forbes nhận định Mexico là vị trí tốt nhất có thể tận dụng sự rạn nứt địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sẽ đến thời của Mexico?
Theo khảo sát của Foley & Lardner LLP với 160 giám đốc điều hành ở các công ty lớn hôm 25/2, đại diện các ngành sản xuất, ôtô và công nghệ cho biết dự kiến di dời hoạt động sản xuất sang Mexico trong vòng 1-5 năm tới.
“Khảo sát của chúng tôi cho thấy phần lớn giám đốc điều hành các công ty đã di dời một phần dây chuyền sản xuất từ các quốc gia khác tới Mexico. Đây là kết quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự ra đời của Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada”, chuyên gia Christopher Swift của Foley cho biết.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc phần nào trấn an được các tập đoàn toàn cầu. Tuy nhiên, dịch virus corona cho thấy hậu quả nghiêm trọng của sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
"Dự báo đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển hướng từ Mỹ, Trung Quốc và châu Âu tới Mexico sẽ đạt 12-19 tỷ USD/năm", nhà phân tích Sebastian Miralles của Tempest Capital dự báo.
Mexico là quốc gia có nguồn lao động giá rẻ duy nhất ký kết thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ. Trong 25 năm qua, Mexico trở thành nhà xuất khẩu và sản xuất hàng đầu các mặt hàng như xe tải, xe hơi, hàng điện tử, tivi và máy tính. Mexico cũng sản xuất các mặt hàng phức tạp như động cơ máy bay, chất bán dẫn.
Công nhân của nhà máy Bombardier tại Mexico. Ảnh: Getty.
|
Tuy nhiên, an toàn vẫn là mối lo ngại hàng đầu ở Mexico. Nạn bắt cóc và sự hoành hành của các băng đảng ma túy vẫn khiến các doanh nghiệp nước ngoài e dè. Ước tính chỉ an toàn chỉ bằng một nửa Trung Quốc, kinh tế Mexico sẽ tăng trưởng thần tốc. An toàn ngang tầm Trung Quốc, Mexico sẽ trở thành nền kinh tế hàng đầu Mỹ Latinh.
Thương chiến Mỹ - Trung đem lại nhiều lợi ích cho Mexico. Nước này thế chân Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Theo khảo sát của Foley, hơn 50% công ty trả lời có dây chuyền sản xuất bên ngoài nước Mỹ. Khoảng 80% sản xuất ở Mexico có dây chuyền sản xuất ở nơi khác.
Khoảng 2/3 cho biết đã hoặc đang có kế hoạch chuyển hoạt động từ các quốc gia khác sang Mexico trong vài năm tới. Khoảng 1/4 đã chuyển hoạt động sang Mexico vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
An Chi
Zing.vn
|