'Siết' dự án ma, bán đất ảo
Mù mờ thông tin quy hoạch, dự án... khiến hàng loạt vụ lừa đảo, bán dự án ma xảy ra trong mấy năm qua, kéo dài đến hiện nay.
* Địa ốc Alibaba lừa đảo bán dự án ma: Khởi tố thêm 14 bị can
* Từ vụ Công ty Hưng Phú, Bình Dương City Land: Mất tiền vì 'dự án ma'
* Bi kịch mua phải dự án ma
Dù chính quyền các nơi liên tục đưa ra cảnh báo nhưng tình trạng dự án “ma”, lừa đảo vẫn nở rộ. Ảnh: Khả Hòa
|
Để hạn chế tình trạng này, TP.HCM đã chính thức yêu cầu các sở ngành liên quan công khai thông tin dự án để người dân nắm rõ.
Vẽ dự án “ma”, bất chấp quy hoạch
Mới đây ông Vũ Quang Minh và gần 40 khách hàng đã có đơn cầu cứu khắp nơi về việc bị bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc lợi dụng danh nghĩa chủ đầu tư cùng công ty môi giới bất động sản (BĐS) lập ra dự án “ma”, bán đất nền thu tiền cọc nhiều người. Cụ thể, vào cuối năm 2017, bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc đã lập dự án Bưng Ông Thoàn 2 (P.Phú Hữu, Q.9, TP.HCM) và thông qua Công ty TNHH dịch vụ đầu tư môi giới BĐS Thủ Đức để ký hợp đồng bán nền đất cho khách hàng. Tổng số tiền các khách hàng đóng lên đến khoảng 54 tỉ đồng, thế nhưng đến nay khu đất vẫn là bãi đất hoang, chủ đầu tư không thực hiện ký công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng. Trong khi đó, thông tin từ UBND Q.9 khẳng định, chính quyền chưa phê quyệt dự án nào có tên là khu dân cư Bưng Ông Thoàn 2.
Với việc công khai minh bạch, nhà đầu tư có thể kiểm tra một cách nhanh chóng và chính xác trước khi quyết định xuống tiền đầu tư
Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn luật sư TP.HCM
|
Không chỉ dự án trên, bà Huỳnh Thị Hạnh Phúc và Công ty TNHH dịch vụ đầu tư môi giới BĐS Thủ Đức còn vẽ tiếp dự án “ma” khác tên Nguyễn Xiển trên đường Nguyễn Xiển, P.Trường Thạnh, Q.9, với 36 nền đất, thu về 45 tỉ đồng. Hiện các khách hàng mua đất tại 2 dự án trên đã đưa đơn tố cáo đến Công an TP.HCM và nơi đây đang tiến hành thụ lý vụ việc.
Mới đây UBND Q.9 cũng cảnh báo một dự án “ma” khác ở P.Phú Hữu do Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Tân Thành Công lập dự án phân lô bán nền. Qua rà soát, chính quyền địa phương cho biết khu đất trên diện tích gần 5.000 m2, mục đích sử dụng đất trồng lúa và chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phê duyệt hạ tầng để thực hiện việc phân lô tách thửa.
Dù chính quyền các nơi liên tục đưa ra cảnh báo nhưng tình trạng dự án “ma”, lừa đảo vẫn nở rộ Ảnh: Khả Hòa
|
Công khai thông tin đất đai, quy hoạch
Hầu hết các trường hợp lừa đảo bán dự án “ma” đều xuất phát từ mập mờ thông tin. Cơn sốt đất mới đây ở Ba Bình (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng xuất phát từ “nghe nói một tập đoàn lớn sắp làm dự án ở đây” được các đầu nậu truyền đi khắp nơi, kéo hàng ngàn người đổ về đây mua, bán.
Để hạn chế tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực nhà đất, UBND TP.HCM vừa giao các sở ngành phải công khai thông tin quyết định pháp lý về đầu tư và sử dụng đất của các dự án kinh doanh nhà ở tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử. Đồng thời, phải công khai các văn bản, quyết định xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng của chủ đầu tư dự án nhà ở. Bên cạnh đó, các dự án đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở, dự án đủ điều kiện kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai, cũng như những dự án nhà ở đã được phê duyệt nhưng có vi phạm pháp luật về đất đai, không đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở... cũng phải được công khai.
Trong đó, UBND TP giao cụ thể cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND các quận, huyện công bố công khai các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt, thông tin cho người dân biết những dự án kinh doanh nhà ở đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng. Khi người dân có yêu cầu, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch - Đầu tư phải cung cấp thông tin cho người dân, đồng thời niêm yết tại trụ sở UBND quận huyện, phường xã và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, hiện UBND TP đã giao Sở Xây dựng chủ trì công khai thông tin các dự án, Sở Tài nguyên - Môi trường đã công khai kế hoạch sử dụng đất hằng năm để người dân, doanh nghiệp nắm. Trong đó, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 hiện đã thẩm định xong và đã trình UBND TP chờ phê duyệt. Trong khi đó, những dự án sai phạm về đất đai hiện Sở Xây dựng cũng đã công bố.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2019 đến nay, trên cổng thông tin điện tử của Sở đều công khai các quyết định cho phép dự án nào đủ điều kiện ký hợp đồng huy động vốn đối với các dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Không những thế, việc công khai các dự án này cũng bao gồm các thông tin dự án có được ngân hàng bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai hay không. Pháp lý của dự án về đất đai, quy hoạch, xây dựng cũng được cập nhật đầy đủ trong các quyết định này.
Hạn chế chủ đầu tư làm bậy
Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng công khai thông tin là việc làm vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay (trước đây các thông tin về quy hoạch mặc dù được quy định công khai nhưng người dân thường rất khó tiếp cận). Nếu làm được sẽ giúp thị trường BĐS trở nên minh bạch và an toàn hơn cho nhà đầu tư.
“Trước đây khi khách hàng, nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư thì việc tiếp cận thông tin về pháp lý dự án rất hạn hẹp, chủ yếu thông qua môi giới và chủ đầu tư. Chủ đầu tư và môi giới thường đưa ra thông tin một cách chọn lọc và có định hướng để bán được hàng. Thậm chí, một số chủ đầu tư còn “làm giả” thông tin pháp lý nhằm làm cho khách hàng tin tưởng và mua sản phẩm. Với việc công khai minh bạch, nhà đầu tư có thể kiểm tra một cách nhanh chóng và chính xác trước khi quyết định xuống tiền đầu tư”, luật sư Cường phân tích.
Ở khía cạnh khác, lãnh đạo một công ty BĐS cho rằng thời gian qua dự án “ma” nở rộ, bởi các nhà đầu tư, khách hàng quá ham lợi nhuận khi mà đa số các dự án kiểu này mở bán thường pháp lý chưa có gì, thậm chí khu đất dự án còn chưa đền bù giải phóng mặt bằng xong. “Khách hàng thường nhắm xuống tiền vì thấy lợi nhuận khủng mà chủ đầu tư các dự án ma vẽ ra. Khi đó khách hàng mua bất chấp, chấp nhận rủi ro...”, vị này cho hay.
Đình Sơn
Thanh niên
|