Những đường bay ‘cứu cánh’ ngành hàng không giữa mùa dịch
Dịch cúm Covid-19 bùng phát từ những ngày cuối năm 2019 đã làm ảnh hưởng toàn cầu, không chỉ riêng về tình hình sức khỏe y tế mà hầu hết tất cả các ngành kinh tế đều điêu đứng theo, nhất là các ngành ảnh hưởng trực tiếp như hàng không, du lịch… Vì thế, các hãng hàng không nội địa đang tìm cách kích cầu khách hàng giữa lúc dịch chưa thể kiểm soát.
Giá cổ phiếu… thấm đòn vì dịch
Trong năm 2019, tuy không phải là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường nhưng giá cổ phiếu ngành hàng không vẫn thuộc nhóm tăng trưởng khá ấn tượng. Thế nhưng, chỉ một cơn dịch cúm bùng phát vào đầu năm đã thổi bay thành quả trước đó, giá cổ phiếu ngành hàng không đến nay quay đầu lao dốc.
Thay đổi giá cổ phiếu ngành hàng không từ đầu năm 2020 đến nay
|
Giá cổ phiếu của 2 ông lớn là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) và Hàng không Vietjet (VietjetAir, HOSE: VJC) đã giảm 33% và gần 18% so với đầu năm.
Diễn biến giá cổ phiếu VJC và HVN từ đầu năm 2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance
|
Diễn biến giá cổ phiếu HVN từ đầu năm 2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance
|
Các cổ phiếu ngành dịch vụ hàng không cũng chịu chung số phần, chẳng hạn như Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN) giảm gần 18%, Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (Masco, HNX: MAS) giảm đến 33%, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) giảm hơn 30%...
Con số thiệt hại sẽ không dừng ở 25,000 tỷ đồng?
Giá cổ phiếu ngành hàng không lao dốc thẳng đứng là điều dễ hiểu khi đây là ngành chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất khi dịch Covid-19 bùng phát.
Để tránh tình trạng lây lan dịch cúm, việc tập trung chỗ đông người và đi du lịch, nhất là qua vùng dịch được mọi người hạn chế một cách triệt để. Và việc này tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động của các hãng bay, dẫn đến tình trạng chung hàng loạt hãng hàng không châu Á đang lâm vào khủng hoảng khi phần lớn lượng khách phụ thuộc vào quốc gia đông dân nhất thế giới - Trung Quốc đồng thời cũng là nơi khởi nguồn của dịch cúm Covid-19.
Chưa dừng lại ở đó, khi tình hình dịch bệnh ngày càng trầm trọng lây lan sang các nước khác và Hàn Quốc đang trở thành nước bên ngoài Trung Quốc có tốc độ lây nhiễm cao nhất cũng đang dần chịu ảnh hưởng.
Hành khách đến từ Hàn Quốc nhất là vùng dịch như Daegu và Bắc Gyeongsan đều bị hạn chế, cách ly. Và khi những sự kiện, lễ hội lớn bị hủy bỏ cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các sân bay quốc tế lớn tại châu Á như Changi (Singapore), sân bay quốc tế Hong Kong (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc)…
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), các hãng hàng không châu Á có thể thiệt hại tới 27.8 tỷ USD doanh thu, trong đó riêng các hãng Trung Quốc mất 12.8 tỷ USD.
Tại Việt Nam, thay vì dự kiến thiệt hại 10,000 tỷ đồng như cách đây nửa tháng, thì theo ước tính mới nhất của Cục Hàng không, các hãng hàng không trong nước sẽ thiệt hại, giảm doanh thu khoảng 25,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thiệt hại hoàn toàn có thể còn cao hơn nhiều khi mà có thêm nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã có dịch Corona.
Hiện Trung Quốc đã cắt toàn bộ chuyến bay, Đài Loan đã cắt giảm 25% số chuyến bay (còn 172 chuyến/tuần so với 231 chuyến/tuần trước đó), trong đó, các hãng Việt Nam cắt giảm 34% chuyến bay (còn 99 chuyến/tuần so với 151 chuyến/tuần cuối năm 201).
Riêng với thị trường Hàn Quốc, hiện các hãng hàng không Việt đã hoặc có kế hoạch ngưng các tuyến đến và đi. Sản lượng vận chuyển hành khách đã giảm nghiêm trọng từ trung bình 26,000 khách chỉ còn 8,000 – 12,000 khách/ngày (giảm 54 - 70%).
Vietjet sẽ tạm dừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc từ ngày 07/03/2020. Trước đó, Bamboo Airways là hãng hàng không đầu tiên thông báo tạm dừng khai thác các chặng bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc từ ngày 26/02/2020. Sau đó, Vietnam Airlines cũng cho biết sẽ tạm dừng tất cả đường bay đến Hàn Quốc từ ngày 05/03/2020.
Trong khi đó, hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air cũng đã thông báo tạm dừng khai thác nhiều chuyến bay từ sân bay Incheon (Seoul, Hàn Quốc) và sân bay Busan tới các thành phố của Việt Nam như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc trong tháng 3 và tháng 4. Asiana Airlines cũng sẽ tạm dừng khai thác nhiều chuyến bay từ sân bay Incheon tới Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang ít nhất đến giữa tháng 3.
Hai hãng trên vẫn duy trì đường bay từ Incheon đi Đà Nẵng và Phú Quốc với tổng tần suất khai thác là 5 chuyến mỗi tuần.
Từ ngày 01/03/2020, sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất đã dừng tiếp nhận các chuyến bay từ Hàn Quốc theo chỉ thị từ Cục Hàng không Việt Nam. Máy bay có thể chuyển hướng hạ cánh tại 3 sân bay được chỉ định là Vân Đồn, Phù Cát, Cần Thơ.
Và sau 18 giờ ngày 03/03/2020, các chuyến bay chở khách từ Hàn Quốc về Việt Nam sẽ chỉ được cấp phép hạ cánh tại cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn và Cảng Phù Cát. Sân bay Cần Thơ sẽ ngưng tiếp nhận các chuyến bay từ Hàn Quốc.
Việt Nam cũng đã tạm dừng việc đơn phương miễn thị thực đối với công dân Hàn Quốc từ ngày 29/02/2020.
Giảm giá vé, kích cầu nội địa và mở tuyến quốc tế đến vùng khí hậu nóng
Chính vì tình hình dịch bệnh ngày càng trầm trọng đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp hàng không, nhiều hãng bay đã mở rộng thêm đường bay khác để bù đắp vào các đường bay đến vùng dịch bị hoãn hoặc tung ra các gói khuyến mãi nhằm kích cầu khách nội địa.
Vietnam Airlines cho biết từ 29/02- 06/03, sẽ bán vé chỉ từ 589,000 một chiều (đã gồm thuế, phí) trên hơn 30 đường bay nội địa cho thời gian bay từ 04/09-26/12.
Đồng thời trong ngày nhuận 29/02, hãng này cũng tung thêm chương trình đồng giá vé khứ hồi quốc tế. Giá vé cho chặng khứ hồi đi Đông Nam Á (chưa bao gồm thuế, phí) khoảng 680,000 đồng, đi chặng khu vực Đông Bắc Á, trừ Nhật Bản khoảng hơn 3 triệu đồng.
Trong ngày 29/02, Jetstar Pacific cũng có chương trình săn vé giảm đến 50% các chuyến nội địa. Bamboo Airways vừa mở bán vé giá rẻ từ 69,000 đồng vào thứ 4 mỗi tuần với hầu hết các chặng bay nội địa.
Vietjet Air vẫn giữ chương trình giảm giá 50% trên toàn mạng bay khởi hành từ 20/02 đến 27/04. Đây là đợt giảm giá mạnh và trên nhiều đường bay nhất của hàng không Việt Nam kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Bên cạnh đó, hồi giữa tháng 02 Vietjet Air cũng đã mở mới 5 đường bay đến Ấn Độ với giá vé chỉ từ 666,000 đồng chưa bao gồm thuế, phí. 5 đường bay thẳng đến Ấn Độ gồm: TPHCM – Mumbai, TPHCM – New Delhi, Hà Nội – Mumbai và Đà Nẵng – New Delhi.
Giá vé máy bay khứ hồi cho chặng Hà Nội – Mumbai (chưa bao gồm thuế, phí)
Nguồn: Vietjet Air
|
Jestar Pacific Airlines cũng vừa công bố chương trình đi xa thả ga với giá vé chỉ từ 39,000 đồng với các tuyến nội địa từ 10/03 – 25/10, còn các tuyến quốc tế trong thời gian 10/08-20/12/2020 với các tuyến đi Bangkok, Cao Hùng, Taipei.
Hầu hết các hãng bay đều giảm giá vé tuyến quốc nội khi mùa hè đang đến. Ghi nhận hiện tại, giá vé khứ hồi cho chặng Hà Nội - TP HCM của Jetstar trung tuần tháng 3 rẻ nhất, chỉ hơn 900,000 đồng đã bao gồm thuế, phí. Giá vé chặng này của Vietnam Airlines cùng khoảng thời gian trên cũng chỉ nhỉnh hơn một ít, từ 1.2 triệu đồng. Từ tháng 3 đến gần cuối tháng 4, vé khứ hồi chặng Hà Nội - TP HCM của Vietjet Air đa phần ở mức rẻ nhất từ 1.1 triệu đồng.
Vé đến những điểm khác như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn... cũng đang khá rẻ. Vé khứ hồi Hà Nội hoặc TP HCM đi Đà Nẵng tháng sau dưới 1 triệu đồng. Vé khứ hồi chặng Hà Nội - Phú Quốc tuần cuối tháng 3 của một số hãng chỉ từ 1.3 triệu đồng. Đây không phải thời cao điểm giá vé nhưng so với cùng kỳ những năm trước, các mức giá trên vẫn rẻ hơn khoảng 20-50%.
Giá vé ưu đãi tại Vietjet Air
Nguồn: Vietjet Air
|
Đánh giá thiệt hại của ngành vận tải do dịch Covid-19 gây ra, sáng ngày 27/02/2020, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết để khắc phục thiệt hại, có thể mở thêm các tuyến quốc tế mới đến các vùng khí hậu nóng như Ấn Độ. Trong khi đó, hàng không nội địa lâu nay ưu tiên mở tuyến nước ngoài lợi nhuận cao, nhưng hiện nay khi các đường bay ngoại đang dừng, cần tăng khai thác nội địa tới các sân bay nhỏ như từ Cần Thơ đi Tây Nguyên.
Ngoài ra, để giảm bớt khó khăn, các hãng có thể tái cơ cấu đội máy bay, máy bay cũ thì tìm cách xử lý, thanh lý. Hợp đồng đã ký mua bán thì kéo dài thời gian nhận tàu, để chậm chậm lúc này tốt cho doanh nghiệp, đàm phán giảm giá thuê và dừng hợp đồng thuê...
Cát Lam
FILI
|