Nhịp đập Thị trường 26/03: VIC lên đỉnh, VN-Index vẫn chưa quay lại được mốc 700
Bên cạnh BVH tăng trần từ sáng, VIC cũng đã tăng trần từ sau 14h10 rồi giữ nguyên mức đỉnh đó cho đến cuối chiều nay. Ngoài ra, trong nhóm VN30 cũng có 1 mã khác tăng trần là SBT, tuy vậy VN30-Index vẫn chìm dưới tham chiếu, còn VN-Index không quay lại được mức đỉnh hơn 700 điểm thiết lập trong phiên sáng.
Trên sàn HOSE vẫn có đến 265 mã giảm giá, nhiều gấp 2.5 lần số tăng giá. Trong nhóm VN30, có đến 21 mã giảm giá so với chỉ 9 mã tăng giá, có lẽ đó là những con số cho thấy tại sao VIC và một số Large Cap khác không kéo 2 chỉ số trên bật mạnh hơn trong phiên chiều nay.
Dù vẫn được coi là không tích cực như phiên sáng, nhưng diễn biến của VN-Index chiều nay tiếp tục “ngược sóng” so với diễn biến của các chỉ số future Mỹ lẫn các chỉ số chứng khoán lớn châu Á. Large Cap vẫn là nhóm đỡ chỉ số, dù bản thân số lượng cổ phiếu trong nhóm này giảm đi.
Hôm nay về tổng thể thì khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trên sàn HOSE, trong đó họ bán mạnh nhất ở MSN, VRE và HPG. Ngược lại, họ mua ròng mạnh ở VNM, VIC và ROS. VIC có lẽ duy trì mức giá tăng trần một phần có lẽ cũng nhờ khối ngoại.
BID cuối cùng cũng lấy được màu xanh, cùng với VCB, tuy nhiên nhìn chung những cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng lại giảm sâu hơn so với phiên sáng, ví dụ như ACB, CTG, MBB, STB, TCB hay TPB. VPB nổi sóng trong phiên chiều, nhưng đến khi giá gần bằng tham chiếu thì lại quay đầu giảm.
Với thông tin đóng cửa một số cửa hàng (trừ Bách hóa xanh) trong các phường có dịch ở Hà Nội, giá cổ phiếu MWG giảm gần sàn. Có lẽ những ai mua sát trần hôm qua là bất ngờ nhất, bởi thông tin nói trên có lẽ còn khiến nhiều người suy luận đến khả năng MWG phải đóng cửa hàng ở nhiều nơi khác. Lập luận tương tự có thể “áp dụng” cho PNJ, khi các cửa hàng của họ cũng đâu có bán hàng hóa thiết yếu. Sáng nay PNJ còn xanh, nhưng qua phiên chiều thì lại đổi màu sang đỏ và đóng cửa giảm 2%.
Diễn biến trên 2 sàn HNX và UPCoM tiêu cực hơn hẳn so với phiên sáng, cả 2 chỉ số chính 2 sàn này đều giảm mạnh, nhất là HNX-Index. Với sự giảm sâu của những Large Cap ACB, PVS, DBC hay PLC… HNX-Index đành đóng cửa ở 97.8 điểm, gần như thấp nhất trong ngày. Tương tự đối với UPCoM-Index, khi chịu áp lực từ những mã như ACV, VGI, BSR, LTG, CTR…
PGD bất ngờ tăng 6.3% chiều nay, nhưng cổ phiếu này không làm thay đổi thực tế, là hầu hết đại gia nhà PVN đều giảm giá mạnh. GAS giảm 2.3%, PVS, PVD, BSR… giảm hơn 3%...
Mía đường có lẽ là ngành hiếm có nhiều mã tăng giá, còn thủy sản cá tra, sắt thép hay bảo hiểm… là các nhóm ngành phân hóa rõ rệt trong phiên chiều. ở ngành thép, 2 đại gia HPG và HSG đều giảm mạnh hơn, nhưng những mã nhỏ như POM, NKG, TIS hay DNY vẫn tăng tốt. Ở ngành cá tra, VHC tăng 4.55%, tuy không mạnh bằng lúc sáng, nhưng có lẽ nhiều cổ đông vẫn vui mừng, ngoài ra ACL, HVG, ANV cũng tăng hơn 1%.
Phiên sáng: Khối ngoại giảm lực bán, VN-Index chùng xuống cuối phiên sáng
VN-Index tăng khá tốt trong nửa đầu phiên sáng nay, nhưng khi lên đến hơn 700 điểm thì lượng khớp lệnh tăng vọt, sau đó đẩy chỉ số lùi lại về mức 695.3 điểm cuối phiên sáng, tăng 0.7% so với chiều hôm qua.
Thông tin về gói kích thích 2,000 tỷ USD được Thượng viện thông qua có vẻ như chưa kích đẩy sàn Future Mỹ cũng như mang lại hiệu ứng tích cực trên các sàn chứng khoán châu Á sáng nay, hiện Nikkei 225 vẫn giảm khoảng 3%..., có lẽ những con số này khiến nhà đầu tư Việt Nam dè chừng hơn 1 chút. Trên sàn HOSE, dù index tăng nhưng số cổ phiếu giảm giá vẫn nhiều gấp đôi số tăng giá, chủ yếu là midcap và smallcap.
Diễn biến trên HNX trái ngược với HOSE, chỉ số HNX-Index đang tìm điểm sâu nhất trong ngày khi giảm 1.6% về 98.5 điểm trước bữa trưa. Một số Large Cap sàn này giảm mạnh hơn so với nửa đầu phiên sáng, như ACB, PVS, VGC hay VPI.
Trên sàn UPCoM, QNS mang lại sự ngạc nhiên… lần thứ 3 khi tăng hơn 6% (thậm chí từng tăng hơn 8.6%) sáng nay. VTP, BCM cũng là những largecap có diễn biến tích cực. VEA cũng đã quay lại tham chiếu có lẽ một phần nhờ khối ngoại mua vào. Tuy nhiên ACV, MML và CTR vẫn duy trì mức giảm giá.
Bộ ba cổ phiếu nhà Vingroup vẫn đỡ cho 2 chỉ số VN30-Index và VN-Index, thậm chí còn được coi là lực đẩy chính cho 2 chỉ số này trong nửa đầu phiên sáng, nhưng đến lúc này cũng chùng xuống. VHM thậm chí lùi về sát tham chiếu. Điểm tích cực là khối ngoại quay ra mua ròng VIC. ở chiều giảm giá, MWG đứng đầu với thông tin “phải đóng cửa 1 số cửa hàng”. Nếu liên tưởng đến chỉ đạo từ lãnh đạo Hà Nội gần đây, có lẽ những đơn vị bán lẻ hàng hóa không thiết yếu (như TGDĐ hay ĐMX của MWG) sẽ bị ảnh hưởng.
Rõ ràng giao dịch của khối ngoại sáng nay đang có vẻ tích cực hơn, khi họ giảm đà bán và tăng lượng mua. Trên nhóm VN30, họ mua nhiều nhất ở VNM, ROS và VIC, trong khi bán mạnh ở MSN, VHM và VRE, tuy vậy về tổng thể lượng bán không thực sự nhiều như những phiên trước đó. Nhà đầu tư nên chờ thêm diễn biến giao dịch của khối ngoại trong phiên chiều.
Đến cuối phiên sáng chỉ còn VCB tăng cô đơn trong nhóm ngân hàng. BID đã quay lại tham chiếu dù cũng từng ánh sắc xanh. Không ít cổ phiếu giảm mạnh hơn khi về cuối phiên sáng như ACB, MBB, CTG, TCB, VPB… Trong mùa Covid-19 này, ngân hàng rõ ràng là nhóm ngành có nhiều cổ phiếu giảm giá mạnh, quả là điều ngạc nhiên cho nhà đầu tư.
BVH sáng nay tăng trần, có lẽ đối với nhiều traders theo phân tích kỹ thuật thì cổ phiếu này đã hình thành đáy. Với những ai mua ngày 23/3 thì hôm nay có thể chốt lời đẹp với kỳ vọng hơn 10%, do đó lượng khớp sáng nay cũng đã gấp 2 lần cả ngày hôm qua, cũng như gấp 2 lần lượng khớp bình quân 3 phiên trước.
VHC tăng trần trước 10g và giữ nguyên dư mua trần cho đến cuối phiên sáng nay. Trong nhóm thủy sản, kể đến tăng giá còn có ANV, ACL, TS4, tuy nhiên IDI vẫn giảm nhẹm còn ICF giảm tới hơn 10%. Chưa rõ việc tăng giá của VHC có liên quan gì đến thị trường Trung quốc hay không (nếu có thì tại sao IDI vẫn giảm giá)?
10h30: Nổi sóng ngược nhờ Large Cap
Sau vài phút giảm về 680.1 điểm, VN-Index bất ngờ bật cao, vượt lên trên tham chiếu và hiện tăng gần 1.5%. Vào lúc này các chỉ số future Mỹ lẫn nhiều chỉ số chứng khoán châu Á vẫn đỏ, nhưng VN-Index đang đi ngược nhờ lực đẩy từ các mã vốn hóa lớn, nhất là trong nhóm VN30.
Một điểm hỗ trợ cho thị trường lúc này là khối ngoại có vẻ giao dịch yếu hơn so với các phiên trước. Trên sàn HOSE, họ vẫn bán ròng, tuy nhiên lượng bán ròng trên các mã vốn hóa lớn không nhiều, thậm chí có những mã đang quay ngược mua ròng như VIC.
Bộ ba cổ phiếu nhà Vingroup và nhiều Large Cap khác đẩy VN30-Index lên trên tham chiếu. Thực tế một số mã ngân hàng như VCB và BID mới là người tiên phong tăng giá sớm, tuy nhiên sau đó có mặt thêm cả 3 cổ phiếu nhà Vingroup. VIC hiện tăng sát trần, VRE cũng tăng gần 5%. BVH đã chuyển sang dư mua trần. Tuy vậy MWG vẫn giảm gần 3%.
Nhóm ngân hàng vẫn giảm giá, trừ BID và VCB. Đây cũng là 2 cổ phiếu chuyển sắc xanh sớm trong số Large Cap sàn HOSE, nhưng lại không gây hiệu ứng tích cực cho cả nhóm ngân hàng.
Diễn biến giá 2 cổ phiếu MWG và VRE hiện tại có thể… so sánh với nhau. Cùng có mảng kinh doanh cốt lõi là siêu thị, do đó cả 2 doanh nghiệp này cùng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhất là rủi ro từ quy định “đóng các cửa hàng ngoại trừ kinh doanh hàng thiết yếu”, nhưng hôm nay, VRE tăng mạnh còn MWG vẫn giảm sâu.
HNX-Index vẫn giảm sâu dưới tham chiếu, và có lẻ lờ đi tiếng gọi từ HOSE. Chỉ số sàn này vẫn giảm gần 1%, do hầu hết cổ phiếu trong nhóm largecap vẫn đỏ, bao gồm cả ACB, API, SHB, SHS, MBS… Riêng PTI tăng trần 9.9% cộng với 3 mã xanh khác, nhưng lực đỡ nhóm này lên chỉ số có vẻ rất yếu.
QNS đầu phiên giảm giá nhưng hiện tăng hơn 8,1%. Đây có lẽ là Large Cap đáng chú ý nhất sàn UPCoM, bên cạnh VTP của họ Viettel. Tính trong 3 phiên cả sáng nay, QNS đang hình thành 3 cây nến xanh với đuôi khá dài, mang lại sự yên tâm rất lớn cho những ai bắt đáy gần nhất. Không chỉ QNS, sáng nay đa số cổ phiếu mía đường cũng tăng giá.
Mở cửa: Niềm hưng phấn tan nhanh
Trước giờ ATO, sàn HNX và UPCoM đều đã nhuốm đỏ. Điều này có thể lý giải là do ảnh hưởng từ các chỉ số chứng khoán châu Á (đa số cũng mang sắc đỏ). Tuy vậy, quay lại sàn HOSE, vẫn có không ít mã vốn hóa lớn tăng giá dự kiến khớp khá tốt như BVH, VCB, SAB và ngay cả VIC.
Đến 9h15, VN-Index ghi nhận giá trị đầu tiên là 689 điểm, giảm nhẹ 1.25 điểm, thuộc loại rất khiếm tốn khi so với mức giảm của nhiều sàn châu Á khác. Mức giảm này có thể được coi là vẫn còn vương vấn sự hưng phấn trong phiên giao dịch chiều qua. Tuy nhiên còn hơi sớm để kỳ vọng index phục hồi, vì nhóm Large Cap sàn HOSE đang có xu hướng giảm sâu hơn. Có vẻ niềm hưng phấn đang tan nhanh khi NĐT vừa nhìn bảng giá, vừa liếc qua các sàn chứng khoán châu Á khác và sàn future Mỹ.
CHỨNG KHOÁN CƠ BẢN
- Khai giảng: 15/4/2020
- Đăng ký 3 - tính tiền 2
- Đăng ký 5 - tính tiền 3
📞 0908 16 98 98
🖰 Đăng ký ngay
|
Trong nhóm Vn30, số cổ phiếu tăng giá chỉ đạt khoảng 10 mã, nhưng mức tăng giá khá mong manh, trừ BVH và ROS. VIC tăng giá 0.1% nhưng VHM và VRE đang giảm hơn 2%. Nhóm ngân hàng đều giảm hết, cả VCB vốn trước ATO còn tăng nhẹ. Diễn biến nhóm largecap này rõ ràng đang khiến những ai bắt đáy chiều qua lo sợ. lưu ý rằng trong tháng 3, VN-Index bị “đạp” mạnh cũng chủ yếu là do nhóm Large Cap VN30 này.
Tình hình tiêu cực quay trở lại với cả 3 sàn chứng khoán. Các chỉ số đều giảm sâu hơn so với thời điểm ATO. 2 sàn HNX và UPCoM dù ít cổ phiếu có thanh khoản, nhưng cũng giảm thêm do các mã Large Cap các sàn này suy giảm. Trên UPCoM, ACV và QNS đã vừa chuyển từ sắc xanh sang đỏ. VEA cũng lùi về tham chiếu và có thể chuyển qua đỏ bất cứ lúc nào.
Bảo hiểm, sắt thép là những nhóm hiếm có khó tìm lúc này, khi còn có 1 ít sắc xanh. BVH tăng hơn 4% là điểm nhấn của nhóm. PTI cũng giữ được sắc xanh. ở nhóm sắt thép, dù 2 đại gia HPG và HSG giảm giá, nhưng những mã nhỏ hơn lại tăng như NKG, TLH hay POM.
Hoàng Nam
FILI
|