Nhịp đập Thị trường 05/03: Ngân hàng kéo lùi chỉ số
Có lẽ ít ai ngờ VN-Index lại đổ trong hầu hết phiên chiều, và chỉ dừng lại trước ATC vài phút. Chỉ số Nhóm VN30 thậm chí còn chọc thủng tham chiếu trong chốc lát. Chỉ số 2 sàn HNX và UPCoM cũng bị “vạ lây”, UPCoM-Index thậm chí còn rới xuống dưới tham chiếu trong hơn nửa cuối phiên chiều. Tuy nhiên đa số nhóm ngành trên HOSE vẫn có tương quan nghiêng về phía tích cực, trừ ngân hàng.
Có không ít đại gia bị tiêu biến đà tăng có được trong phiên sáng, hay góp mặt vào nhóm giảm giá trong nhóm VN30, và cũng là những yếu tố kéo đạp chỉ số này lẫn chỉ số chính sàn HOSE, như BVH, GAS, ROS, VNM… và nhất là nhóm ngân hàng. MSN, SSI và VPB vẫn trụ vững ở phía tăng giá, nhưng chưa đủ trọng số để bù đặp từ sự suy giảm của những cổ phiếu kia. Bộ ba nhà Vin tăng giá nhẹ, nên có lẽ mức độ ảnh hưởng lên chỉ số cũng nhẹ.
Khối ngoại giao dịch đáng kể trong chiều nay, có mặt cả ở 2 nhóm Large Cap tăng giá và giảm giá mạnh của sàn HOSE. Có lẽ nhiều mã đỡ giá hoặc bị đạp giá cũng do khối ngoại, ví dụ như SSI, BID, VCB, STB, CTG, HDB…
Nhóm ngân hàng bị trở mặt mạnh nhất so với các nhóm ngành khác. Nếu như trong phiên sáng nhóm này xanh bát ngát, thì qua phiên chiều tưởng như bị đốt cháy. Không ít mã đổi màu như ACB, CTG, HDB, VIB… LPB bị bán tháo gia tăng, giảm đến 6.5%. Duy có SHB là vẫn tăng giá khủng, nhưng thanh khoản cũng đạt lớn nhất trong thời gian dài, hơn 65.5 triệu cổ phiếu.
SHB cũng là cổ phiếu hỗ trợ mạnh nhất cho HNX-Index. Nói không ngoa, nếu không có SHB thì chiều nay có khi HNXindex đã đổi màu. Bên cạnh SHB, NTP, VCS và VNR cũng là một số Large Cap tăng giá tốt chiều nay, tuy nhiên ACB, DBC và mấy tên tuổi dầu khí như như PVS, PVI… lại kéo lùi chỉ số.
Cổ phiếu nào khiến UPCoM-Index giảm xuống dưới tham chiếu chiều nay? Câu hỏi này hơi khó trả lời. LPB là một cổ phiếu dễ nêu tên, nhưng đâu có nhiều LPB đến vậy, ngược lại không ít đại gia vốn hóa sàn này vẫn giữ đà tăng giá, như ACV, BAB, BSR, FOX, QNS, BCM, VEA, VTP, LTG… có lẽ những mã midcap ít tên tuổi của sàn này đã kéo chỉ số chính, bởi 1 trong những yếu tố giúp những midcap tăng tác động lên chỉ số, là biên độ giảm giá quá lớn, tới 15%.
Phiên sáng: Tâm lý hơi chùng xuống
VN-Index dừng lại nghỉ trưa ở 896.2 điểm, tăng 0.77% so với cuối ngày hôm qua, tuy nhiên diễn biến cuối phiên sáng nay hơi chùng xuống. Điều này cũng thấy rõ ở nhóm VN30, khi có thêm vài mã gia nhập nhóm giảm giá.
Trong nhóm VN30, MSN bất ngờ tăng mạnh từ 10h30, đến lúc này đã tăng tới 4.9%. 3 cổ phiếu nhà Vin đã tăng giá trở lại, tuy nhiên nhiều mã khác giảm đà tăng, thậm chí 1 vài mã đã chuyển sang sắc đỏ như PNJ, BVH, SBT.
HNXIndex vẫn trụ ở mức cao, dù VNindex có dấu hiệu chùng xuống. SHB không còn sát trần, nhưng mức tăng vẫn cao, +7.5%. NTP đã giảm mạnh đà tăng từ 9.8% về còn 1.7% khi lượng khớp tăng lên chút ít. Tuy nhiên HNX-Index lại được đỡ bởi 1 số mã khác tăng giá tốt hơn như VCS, VNR…
Khối lượng giao dịch tại SHB đã gần bằng cả ngày hôm qua, với đà khớp lệnh này thì có lẽ đến cuối chiều nay sẽ tạo ra 1 phiên khớp lệnh khủng. Khối ngoại cũng đã bán gần 15 triệu cổ phiếu ở đây, cũng gần gấp 2 lần ngày hôm qua.
Tiếp nối HVN, VJC cũng thông báo tạm dừng các chuyến bay đến Hàn Quốc từ tuần sau. Trong những quý gần đây, các tuyến bay quốc tế trở thành mảng kinh doanh đóng góp nhiều nhất vào doanh số bay của hãng này. Như vậy với tình hình dịch bệnh và vận chuyển gián đoạn đến 2 thị trường lớn là Trung quốc và Hàn quốc, có lẽ kết quả quý 1 tới đây của VJC cũng không đẹp cho lắm. Tuy vậy sáng nay cổ phiếu VJC vẫn tăng giá nhẹ 1.2%. Điều quan trọng là khối ngoại không hề có dấu hiệu bán ròng mạnh ở đây.
Nhóm chứng khoán lại muốn quay về đáy cũ, khi có ngày càng nhiều sắc đỏ. VDS giảm tới 6.7% mạnh nhất trong nhóm này. Hai đại gia tốp đầu như HCM, SSI ngược lại tăng khá hơn lúc sáng sớm.
Mía đường đang trở thành nhóm có diễn biến tiêu cực khi giá đường thế giới đang giảm khoảng 8% trong tuần qua. SBT chuyển sang sắc đỏ vào những phút cuối, KTS thậm chí giảm gần 6%.
Nhóm VN Diamond đang bắt đầu có vài chấm đỏ, ngược lại với tình trạng xanh toàn diện đầu phiên sáng. Các chấm đỏ đang nổi lên ở MWG, CTD, NLG, PNJ và FPT.
10h30: HNX-Index bay cao
HNX-Index tiếp tục tăng nhanh hơn VN-Index, và hiện đã hơn 116 điểm. Tính từ phiên 03/02, tức là khi bắt đầu có những cơn sóng hồi kể từ khi có thông tin dịch Covid-19, HNX-Index đã tăng 15 điểm, trong khi VN-Index tiếp tục tạo đáy.
SHB là cổ phiếu chính thúc đẩy HNX-Index điểm. Sáng nay cổ phiếu này cũng đã tăng sát trần. Tương tự, NTP tăng 9.8% cũng hỗ trợ mạnh cho chỉ số. Ngoài ra, 1 số Large Cap khác cũng hỗ trợ HNX-Index sáng nay như ACB, DBC, VCS…
Sau khi tăng mạnh vào thời điểm ATO, VN-Index đi ngang xung quanh vùng 985 +/-1 điểm. Nhóm VN30 hỗ trợ tốt cho chỉ số này, trong khi dòng tiền có vẻ yếu ở nhóm Mid Cap.
FPT bất ngờ giảm, dù nhẹ, sáng nay. Trong cả 2 phiên trước đó, cổ phiếu này cũng bất ngờ hình thành 2 cây nến đỏ. Không rõ đà tăng kể từ cuối tháng 2 đã bị chặn lại hay chưa, nhưng rõ ràng đang có 1 ngưỡng kháng cự khá mạnh ở gần 57,000 đ/cp. Ngoài FPT, trong nhóm VN30 cũng có thêm vài cổ phiếu mang sắc đỏ, như CTD, EIB, SBT và cũng ngạc nhiên, là MWG.
2 cổ phiếu ngân hàng dậy sóng thời gian qua là SHB và VPB tiếp tục tăng mạnh sáng nay, nhất là SHB. Khởi đầu chỉ tằng chừng 3%, nhiều người tưởng SHB sẽ thôi lên đỉnh, nhưng không dè đến lúc này, cổ phiếu chỉ còn cách giá trần 1 tick.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trên HOSE, đừng đầu là STB, POW và DIC. Theo thống kê của HOSE, trong tháng 3 này (chưa tính hôm nay), khối ngoại đã bán ròng hơn 1,000 tỷ đồng (gồm cả thỏa thuận). Lưu ý rằng tháng 3 mới chỉ trải qua có 3 phiên giao dịch mà thôi. Theo thông tin từ cuộc gặp gỡ với UBCKNN hôm qua, đại diện một số quỹ ngoại tỏ ý việc bán ròng không đồng nghĩa là thoái vốn khỏi sàn chứng khoán. Tuy nhiên trong không ít trường hợp, bán ròng đi kèm với giá cổ phiếu giảm mạnh. Rõ ràng khối ngoại là một nhân tố cần lưu ý lúc này.
UPCoM-Index tăng nhẹ sáng nay, dù có thông tin rằng UBCKNN sẽ xem xét và đề xuất lên Bộ Tài chính để cho phép thực hiện giao dịch ký quỹ (margin) cho những cổ phiếu tốt của sàn UPCoM. Các ông lớn trên sàn này đang tăng khá tốt 2-3% như ACV, QNS, LTG, VTP, BSR… Tuy nhiên ở chiều kia, là LPB giảm hơn 4.2%.
Sức nóng đang bớt ở nhóm chứng khoán, so với đầu phiên sáng. Ngoại trừ SHS tăng hơn 7% ăn theo cái tên SHB, những đjai gia như SSI, HSC hay VCI đang lùi đà tăng, VND, BVS… lại đang giảm nhẹ.
Mở cửa: Đồng loạt tăng
VN-Index, HNX-Index và đồng loạt các chỉ số phụ (sub index) khác đều xanh đầu phiên sáng nay. Tâm lý hứng khởi có lẽ nhờ mức tăng hơn 1,000 điểm đêm qua của chỉ số Dow Jones (Mỹ). Trong vòng 1 năm qua, thật khó kiếm 1 phiên nào trên HOSE mà khởi điểm có đến hơn 150 mã tăng áp đảo so với chỉ khoảng 30 mã giảm giá.
Không chỉ đón nhận tin tốt từ sàn chứng khoán Mỹ, sàn chứng khoán Việt nam sáng nay cũng đón nhận nhiều thông tin tích cực khác, trong đó phải kể đến thông báo từ WB và IMF về các gói hỗ trợ tài chính của 2 tổ chức này. Đây có thể được coi là chuỗi hỗ trợ định lượng tính từ khi Fed thông báo hạ lãi suất cơ bản.
Hầu hết các nhóm ngành đều tăng giá tích cực. Ngay cả nhóm chứng khoán cũng tăng, còn nhờ thông tin về cuộc gặp gỡ với đại diện của UBCKNN, nhằm đề đạt các giải pháp cứu thị trường chứng khoán, và cũng cứu chính mình. Thủy sản cá tra có lẽ là nhóm khá hiếm có nhiều mã giảm giá sau ATO.
HNX-Index tiếp tục bay nhanh hơn VN-Index. Sáng nay chỉ số này đã sớm tăng hơn 1%, nhờ sự hỗ trợ từ SHB và nhiều largecap khác như ACB, VCS, DBC…
VIC và VHM là đại gia duy nhất trong nhóm VN30 giảm giá khi mở cửa. Những phiên gần đây, VIC, VHM và một cổ phiếu cùng “họ” khác là VRE thường xuyên đè chỉ số.
LPB bị chốt lời sớm? Cổ phiếu này cùng với EIB đang đi ngược nhóm ngân hàng sớm sáng nay, khi giảm 3.2%. Kể từ tháng 2 đến nay, hoặc thậm chí tháng 3, thanh khoản tại LPB tăng rất mạnh, đồng thời giá cổ phiếu này cũng dự đứng. Tuy nhiên độ cao của “tháp” LPB không bền bằng “tháp” SHB, khi sáng nay SHB tiếp tục tăng hơn 2%.
HVN tiếp tục tăng hơn 2.4% tại ATO, sau khi bất ngờ tăng trần hôm qua. Điều đáng nói là HVN chưa có tin gì tốt, sau khi hãng này công bố những thiệt hại “khủng khiếp” từ dịch Covid-19. Có lẽ mức giá giảm gần 30% kể từ Tết âm lịch, cũng là khi có dịch, khiến HVN rơi về vùng giá đáy 1 năm đã khiến cổ phiếu này lại trở nên hấp dẫn. Thiệt hại “đã phản ánh vào giá cổ phiếu” có thể là một suy luận cho HVN vào lúc này. Và tất nhiên, tương tự cho ACV.
Hoàng Nam
FILI
|