Ngành nào hưởng lợi nhiều nhất khi giá dầu thế giới lao dốc?
Bên cạnh cú sốc trên thị trường chứng khoán thế giới, những ngày tháng 3/2020 còn chứng kiến việc giá dầu thế giới đột ngột lao dốc. Các doanh nghiệp dầu khí trong nước dường như “đứng hình” khi đã đặt kế hoạch kinh doanh đi cùng với mức giá từ 60 USD/thùng trở lên. Trong khi đó, vận tải và nhiệt điện khí được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, nụ cười của các doanh nghiệp này cũng không thể trọn vẹn.
Khác với hồi thập niên 1970 khi nhu cầu thị trường luôn ở mức gần như tuyệt đối, sự xuất hiện của các công nghệ tiên tiến đã cho phép sử dụng khí đốt và các nhà máy điện nguyên tử, gián tiếp làm giảm nhu cầu về dầu mỏ.
Thực tế, đà giảm giá vẫn luôn đeo bám dầu thô từ cuối năm 2019. Cộng thêm tác động của dịch Covid-19, khiến nhu cầu về dầu mỏ trên thế giới ngày càng suy yếu, đặc biệt là ở tâm khởi phát dịch - Trung Quốc - khi quốc gia này cắt giảm khoảng 20-25% nhu cầu. Giá dầu dần rơi về mức 50-60 USD/thùng trong tháng 1 và tiếp tục sụt giảm trong tháng 2/2020.
Rồi tình hình trở nên không lối thoát khi đầu tháng 3/2020, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC, với đại diện là Ả-rập Xê-út) và Nga đã không đạt thỏa thuận cắt giảm sản xuất. Theo đó 2 bên tuyên bố gia tăng sản lượng sản xuất, chính thức bước vào trận chiến về giá.
Thông tin này lập tức ảnh hưởng nghiêm trọng lên thị trường dầu thô. Kết thúc phiên giao dịch thứ Sáu 27/03, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymwex rơi về 21.51 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn London đạt 24.93 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu WTI và dầu Brent đều đã lao dốc 5 tuần liên tiếp.
Diễn biến giá dầu WTI và dầu Brent từ năm 2019 đến nay. Đvt: USD/thùng
|
“Điều này không giống bất cứ điều gì chúng ta đã từng trải qua trước đây”, Marshall Steeves, Chuyên gia phân tích thị trường năng lượng tại IHS Markit cho rằng, sự sụp đổ của giá dầu là do đà giảm sâu của nhu cầu khi nhiều khu vực bị hạn chế cách ly bao gồm California hiện giờ và với việc người dân New York làm việc tại nhà và không đi lại, cùng với việc sản lượng của Ả-rập Xê-út tràn vào thị trường cùng lúc nhu cầu đang suy yếu.
Doanh nghiệp dầu khí trong nước ảnh hưởng nặng nề
Với Việt Nam, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt ngành dầu khí chịu tác động trực tiếp, nặng nề nhất khi lượng tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu, hiệu quả khai thác dầu giảm mạnh do giá kế hoạch vào mức 60 USD/thùng.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì doanh thu bán dầu thô là 4,668 tỷ USD. Nhưng nếu giá giảm xuống còn 30 USD/thùng thì doanh thu chỉ còn khoảng 2,362 tỷ USD. Hoạt động khai thác dầu khí xuống thấp cho thấy thiệt hại về kinh tế rõ ràng, những lợi điểm từ nhập khẩu xăng dầu giá thấp không thể bù đắp. Trong khi quốc gia xuất khẩu dầu lớn như Mỹ còn tính đến phương án tăng cường nhập khẩu dầu thô giá thấp để dự trữ thì Việt Nam càng cần cân nhắc bài toán duy trì sản lượng.
Về lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng gặp khó tương tự khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Việc giá dầu giảm mạnh làm ảnh hưởng đến giá cung cấp các giàn khoan khi tái ký hợp đồng, bên sử dụng sẽ yêu cầu đàm phán lại giá. Các giàn khoan hiện đang cung cấp cho khách hàng ở nước ngoài, nếu dịch bệnh kéo dài, các cửa khẩu đóng cửa, ngừng các chuyến bay quốc tế… sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các hợp đồng cung cấp dịch vụ và giá cho thuê giàn.
Doanh nghiệp dầu khí ảnh hưởng nặng nề khi giá dầu giảm mạnh
|
Ông Lê Vương Hùng - Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) chỉ ra nhóm doanh nghiệp khai thác dầu với đại diện như PV Drilling (HOSE: PVD) sẽ ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy vậy, mức ảnh hưởng sẽ chưa diễn ra ngay do nhiều doanh nghiệp thường ký hợp đồng 3-6 tháng với mức giá ấn định trước đó. Trong trường hợp giá dầu lao dốc như hiện nay thì ít nhất cũng phải sau vài tháng, các con số thể hiện mức độ ảnh hưởng mới dần dần lộ ra.
Nhóm dịch vụ hỗ trợ, cung cấp vật tư dầu khí cũng gặp khó khi theo đánh giá, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị thu hẹp. Đây là nhóm doanh nghiệp thường hoạt động hiệu quả với giá dầu ở mức trên 60 USD/thùng.
Trong khi đó, nhóm chế biến, phân phối sản phẩm dầu khí sẽ ít bị ảnh hưởng hơn cả. Các sản phẩm như xăng, dầu, khí vẫn luôn là mang tính thiết yếu đối với người tiêu dùng hay doanh nghiệp, nên nếu có sụt giảm nhu cầu cũng không thể giảm quá nhiều. Các doanh nghiệp đại diện nhóm này có thể kể đến như Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) hay Petrolimex (HOSE: PLX).
Vận tải và nhiệt điện khí: Vui, nhưng chớ vội mừng
Ông Lê Vương Hùng cũng chia sẻ rằng, trước diễn biến giá dầu giảm với biên độ lớn, các doanh nghiệp ngành vận tải sẽ hưởng lợi nhiều nhất và một số trường hợp thể hiện gần như ngay lập tức. Cụ thể, xăng dầu luôn chiếm tỷ trọng lớn (thường chiếm 30% trở lên) trong chi phí giá vốn của các doanh nghiệp như Vinasun (HOSE: VNS), Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (HOSE: SKG), Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT),...
Tuy vậy, không ít doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm vận tải hành khách đang phải buồn lòng bởi dịch Covid-19 đang hoành hành. Lượng hành khách sụt giảm thê thảm trước khuyến cáo, thậm chí là lệnh cấm (như chặn một số tuyến bay nước ngoài về Việt Nam) của chính quyền và nhu cầu đi lại của người dân hạ thấp thấy rõ. Các doanh nghiệp vận tải hàng không như Vietnam Airlines (HOSE: HVN) và Vietjet (HOSE: VJC) vẫn đang điêu đứng trước cảnh doanh số bốc hơi chóng mặt.
Các đơn vị nhiệt điện sử dụng khí đốt làm nguyên liệu đầu vào (nhiệt điện khí) hẳn đang mỉm cười trước việc giá dầu đi xuống. Nguồn nhiên liệu khí đốt ước tính chiếm khoảng trên 30% giá vốn của các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, giá khí thường đã được ấn định theo hợp đồng (trước đó) kéo dài 3-6 tháng. Nên cũng phải sau vài tháng, lợi thế giá đầu vào giảm mới bắt đầu có tác động. Đại diện nhóm doanh nghiệp này gồm Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HOSE: POW),...
Song, doanh nghiệp nhiệt điện khí như NT2 đang đối mặt một số vấn đề không nhỏ. Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 lây lan khiến nhiều đơn vị có xu hướng thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, làm giảm đáng kể nhu cầu về điện nói chung và nhiệt điện khí nói riêng. Nếu được lựa chọn, bên mua hẳn sẽ ưu tiên với nguồn điện từ thủy điện, đơn giản vì giá thành rẻ hơn so với nhiệt điện.
Khó khăn thứ hai của NT2 là bài toán nguồn cung cấp khí. Thực tế, lượng khí cung cấp năm 2019 không đáp ứng đủ nhu cầu vận hành theo thị trường, đã trực tiếp làm giảm lợi nhuận sản xuất điện. Lượng khí cung cấp trung bình năm vừa rồi chỉ đạt 2.6 triệu sm3/ngày trong khi nhu cầu phát cao lên tới 3.1 triệu sm3/ngày.
Nhà máy của Nhơn Trạch 2 sử dùng khí đốt làm nhiên liệu đầu vào để phát điện
|
Ngoài ra, được kỳ vọng hưởng lợi trước sự suy yếu của giá dầu còn có ngành nhựa với đại diện như Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP), Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (HNX: NTP),... hay ngành phân bón với các đại diện như Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM), Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM),...
Việc sản xuất nhựa và phân bón cũng sử dụng dầu khí là nguyên liệu đầu vào, tuy vậy, tỷ lệ trong chi phí giá vốn không cao bằng nhóm vận tải hay nhiệt điện khí kể trên.
Ông Lê Vương Hùng - Giám đốc môi giới VDS
“Nhờ diễn biến giá dầu lao dốc, nhiều doanh nghiệp có thể tiết giảm được chi phí sản xuất, có thêm điểm tựa để vượt qua tình hình khó khăn như hiện tại.
Giá dầu giảm còn có mặt tích cực khi góp phần làm cho CPI tháng 3 và tháng 4/2020 dự báo giảm xuống. Đây là điều đang được nhiều nhà đầu tư mong chờ. Khi đó, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành các chính sách (như giảm lãi suất) nhằm hỗ trợ nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng. Và nhờ vậy, thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội ổn định và phục hồi trong thời gian tới.”
TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)
“Việc PVN xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại cũng là một phương án rất hợp lý bởi vì chúng ta có thể tận dụng tình hình giá dầu thô đang giảm như hiện nay để mua về chế biến, khi giá dầu tăng lên chúng ta có thể bán ra thị trường, đó cũng là cách tránh được lỗ và có thể có lãi để bù lỗ cho sản xuất.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, biến động của thị trường rất khó lường vì vậy cần phải dự đoán chính xác để tránh thua lỗ. Ví dụ như hiện nay, giá vàng lên xuống thất thường, nhiều người mua vàng để dự trữ thì có người lãi đậm nhưng có người thua lỗ lớn. PVN muốn làm được điều này nên tìm những chuyên gia có kinh nghiệm và trình độ đánh giá thị trường để được tư vấn cụ thể, từ đó có thể quyết nhanh, thực hiện nhanh, không nên để kéo dài do dự.”
|
Duy Na
FILI
|