Lãi suất huy động tiếp tục giảm; tín dụng tăng trưởng thấp khiến nhu cầu bơm hút trên thị trường mở của NHNN cũng ngưng trệ; USD hạ nhiệt quốc tế nhưng vẫn tiếp tục tăng tại Việt Nam với mức 2% từ đầu năm tới nay... đó là diễn biến thị trường tiền tệ tuần qua vừa được SSI tính toán.
Tuần qua, thị trường mở chỉ phát sinh giao dịch mua kỳ hạn 7 ngày với giá trị 1,09 tỷ đồng, bù đắp khoản 1, 02 tỷ đồng mua kỳ hạn tuần trước đến hạn. Số dư tín phiếu giữ nguyên ở mức 147 nghìn tỷ đồng, NHNN tạm dừng bơm/hút trên trên thị trường mở (là thị trường mà ở đó ngân hàng trung ương thực hiện nghiệp vụ mua bán các giấy tờ có giá ngắn hạn nhằm thực thi chính sách tiền tệ quốc ).
Thanh khoản các NHTM ổn định, lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang, chốt tuần ở mức 2.18%/năm với kỳ hạn qua đêm và 2.28%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng giữ ở mức 1.3-1.4%/năm.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/3/2020, huy động và tín dụng tăng trưởng lần lượt là 0.51% và 0.68%, giảm mạnh so với mức 1.72% và 1.9% của cùng kỳ 2019.
NHNN đánh giá sơ bộ có 926 nghìn tỷ đồng dư nợ của 23 NHTM có khả năng quá hạn do ảnh hưởng của dịch bệnh, chiếm 11% tổng dư nợ. Mặc dù hầu hết các NHTM đã giảm lãi vay từ 1-1.5% nhưng giải ngân mới vẫn rất hạn chế. Các biện pháp cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí với các hợp đồng vay vốn hiện có sẽ có tác động thiết thực hơn và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Đến nay, các NHTM đã miễn giảm lãi cho 8.000 khách hàng với trên 350 tỷ đồng; đang xem xét miễn giảm lãi vay với 180.000 tỷ đồng dư nợ hiện tại và 24.000 tỷ đồng hồ sơ vay mới.
Đầu ra tín dụng hạn chế và thu nhập lãi chịu áp lực giảm mạnh, các NHTM cần giảm chi phí huy động vốn để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận. Lãi suất huy động tiền gửi tiếp tục giảm từ 20-30bps tại nhiều NHTM, mức lãi suất hiện phổ biến trong khoảng 4.1-4.75%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5.1-6.8% với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng và 6.3-7.2%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.
Giá đô la trong nước vẫn tăng
Tình hình dịch bệnh ngày càng trở lên trầm trọng tại Mỹ, nước này đã trở thành ổ dịch COVID - 19 lớn nhất thế giớibắt đầu từ 26/3/2020. Chỉ trong1 tuần, số ca nhiễm tại Mỹ đã tăng gấp 3.3 lần, lên tới 142 nghìn ca với tâm dịch là thành phố New York, số người tử vong cũng lên tới hơn 4.500 người.
Để hỗ trợ nền kinh tế đang phải oằn mình chống đỡ với dịch bệnh, FED đã tuyên bố sẽ thực hiện gói nới lỏng định lượng không giới hạn, Quốc hội Mỹ cũng đang trong quá trình phê duyệt một gói cứu trợ chưa từng có trong lịch sử với quy mô lên tới 2.000 tỷ USD. Diễn biến xấu của dịch bệnh khiến đồng USD hạ nhiệt nhanh chóng, chỉ số DXY giảm từ 102.8 về 98.4 (-4.3% WoW), hầu hết các đồng tiền tăng giá so với USD trong tuần vừa qua.
Tuy nhiên, đây chỉ là bước hồi phục ngắn hạn sau khi đã giảm giá mạnh trong 2 tuần trước đó.Đại dịch Covid 19 vẫn chưa rõ điểm dừng, lượng người nhiễm đã là hơn 700 nghìn người trong đó có hơn 34 nghìn người tử vong.
Hoạt động kinh tế tê liệt đang khiến nền kinh tế toàn cầu đối mặt với rủi ro chưa từng có tiền lệ, bóng đen suy thoái bao trùm. Chỉ số sản xuất PMI giảm mạnh ở tất cả các nước, tâm lý u ám bao trùm khiến các tài sản an toàn như vàng và trái phiếu chính phủ lên giá.
Tuần qua, vàng tăng giá 8.64% trong khi lợi tức trái phiếu giảm mạnh ở các kỳ hạn, hiện TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm chỉ là 0.675%/năm và kỳ hạn 3 tháng đã chuyển âm trong hơn 1 tuần gần đây.
Diễn biến quốc tế khiến NHNN điều chỉnh tỷ giá trung tâm giảm 17đ/USD, xuống mức 23.235 đ/USD và phát đi thông điệp sẵn sàng bán ngoại tệ quy mô lớn ở tỷ giá thấp hơn tỷ giá niêm yết để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh phức tạp trong nước và quốc tế tạo sức ép tâm lý khiến tỷ giá giao dịch tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua.
Tỷ giá giao dịch trên ngân hàng tăng 170đ/USD, lên mức 23.510/23.700; tỷ giá tự do tăng 80đ/USD chiều mua vào và 120đ/USD chiều bán ra, lên mức 23.720/23.820. Chỉ từ giữa tháng 3 đến nay, VND đã mất 2% giá trị so với USD. Diễn biến dịch bệnh sẽ tiếp tục là yếu tố chi phối thị trường ngoại hối trong thời gian tới.
Khánh Huyền
Tiền phong