Lạm phát tháng 2 giảm: Chưa mừng, đã lo
Việc lạm phát giảm tháng 2 là một tín hiệu đáng mừng, tạo dư địa cho điều hành, kiểm soát lạm phát trong những tháng tiếp theo đảm bảo mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, áp lực vẫn không hề nhỏ.
* Điều hành lạm phát cơ bản trong khoảng 2 – 2,5%
* 3 kịch bản lạm phát năm 2020: Tác động mạnh bởi giá thịt lợn
Áp lực lạm phát tăng
Bên cạnh yếu tố quy luật sau Tết và giá xăng dầu giảm thì lạm phát tháng 2 giảm còn vì tác động của dịch Covid-19. Ở lần tác động tạm gọi là “vòng 1” của dịch Covid-19 này, có thể thấy rất nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ từ giao thông tới văn hóa, giải trí, du lịch… đều chịu tác động giảm mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do dịch này. Trong khi đó, các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác như nhóm thuốc và dịch vụ y tế, các loại xà phòng và chất tẩy rửa (trong nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình) hay giá dịch vụ giúp việc gia đình… cũng rất liên quan đến dịch Covid-19, đã tăng giá. Điều đó phần nào cho thấy, với giả sử quy luật thông thường được duy trì trong thời gian tới thì mức độ khó lường của dịch bệnh này sẽ là yếu tố khó lường nhất với các chỉ số vĩ mô, trong đó có lạm phát của năm nay, và từ đó cũng gây những áp lực đến điều hành chính sách tiền tệ.
Nhiều ngành sản xuất bị ảnh hưởng vì gián đoạn chuỗi cung ứng
|
PGS. TS. Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh - người có cái nhìn lạc quan nhất trong số các chuyên gia mà Thời báo Ngân hàng tham khảo ý kiến cho bài viết này nhận định, CPI tháng 2 tuy giảm so với tháng 1 nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, mức CPI còn cao của tháng 2 vừa qua chủ yếu là do những ảnh hưởng ngắn hạn, nhất là tác động của giá thịt lợn cao do dịch tả lợn châu Phi.
“Xét cả năm 2020, tôi cho rằng lạm phát chắc chắn sẽ được kiểm soát mức thấp dưới 4%. Bởi với diễn biến tình hình kinh tế thế giới hiện nay, tổng cầu đang suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khiến giá xăng dầu thế giới giảm, giá xăng dầu trong nước thời gian qua cũng liên tục điều chỉnh giảm và sẽ kéo theo chỉ số CPI từ tháng 3 sẽ giảm”, chuyên gia này nhận định.
Cùng nhận định giá thịt lợn là “thủ phạm chính” khiến CPI tháng 2 giảm không như kỳ vọng, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, đây vẫn tiếp tục là yếu tố gây áp lực mạnh nhất đến lạm phát năm nay. “Nếu giá thịt lợn giảm sẽ giúp cho áp lực với lạm phát giảm đi rất nhiều”, TS. Độ nói. Trong vài năm trở lại đây, chuyên gia này được biết tới là người thường có những dự báo lạm phát tăng rất thấp và thực tế là khá chính xác. Đầu năm nay, TS. Độ đã đưa ra 3 kịch bản về lạm phát cho năm 2020 (lạm phát bình quân ở các kịch bản lần lượt tăng ở mức 3%; 3,5% và kịch bản xấu nhất là sẽ khó khăn trong kiềm chế dưới mức 4% nếu giá thịt lợn chưa thể giảm trong nửa đầu năm). Thế nhưng đến nay, kịch bản 1 (lạm phát bình quân tăng 3% với giả thiết giá thịt lợn giảm mạnh ngay trong tháng Tết nhờ dịch tả lợn châu Phi kết thúc sớm, người nông dân tái đàn thành công, đồng thời Chính phủ bình ổn giá thịt lợn thông qua biện pháp nhập khẩu) đã không diễn ra, và chưa kể nay lại cộng thêm sự xuất hiện của dịch Covid-19.
“Áp lực kiểm soát lạm phát năm nay vì vậy cũng tương đối lớn. Tất nhiên chưa thể khẳng định chắc chắn là có thể kiểm soát được ở mức dưới 4% hay không”, chuyên gia này nhận định và cho rằng, tác động của dịch Covid-19 đến lạm phát lúc này cũng chưa thể lượng hóa hết, mà cần chờ thêm đến hết quý I thì mới biết chính xác hơn về xu hướng diễn biến lạm phát cho cả năm. “Còn ở thời điểm này, lạm phát vẫn dự báo ở mức 3,5-4%”, TS. Độ nói.
Cần duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt
Theo PGS. TS. Phạm Thế Anh - chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), dịch Covid-19 chủ yếu gây ra các tác động trái ngược đến phía cung sản xuất. Một mặt, nó làm giảm chi phí sản xuất, đơn cử như nhu cầu sản xuất của Trung Quốc chậm lại, kéo giá dầu mỏ trên thế giới giảm và giá xăng dầu trong nước cũng giảm theo. Điều đó có lợi cho lạm phát. Nhưng ngược lại, cũng có những ngành sản xuất, chi phí nguyên vật liệu bị tăng lên, bởi khi dịch gây gián đoạn nguồn cung. Về phía cầu, các yếu tố để có thể kéo giá lên hiện nay cũng không lớn vì hiện nay nhu cầu đi lại giảm, nhu cầu chi tiêu cũng giảm ở những ngành không thiết yếu, còn những ngành thiết yếu đến sức khỏe, đến cuộc sống bình thường vẫn đang ổn định.
Duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt bám sát tình hình dịch bệnh là thông điệp được PGS. TS. Trần Hoàng Ngân đưa ra. Các chuyên gia khác cũng rất đồng thuận với điều này. Theo TS. Nguyễn Đức Độ, “thận trọng” phải là yếu tố ưu tiên của chính sách tiền tệ hiện nay. Trong khi đó với kỳ vọng tác động của dịch Covid-19 nhiều khả năng chỉ là tạm thời, ngắn hạn, PGS. TS. Phạm Thế Anh cho rằng dịch sẽ không ảnh hưởng lớn đến thu nhập tiềm năng, cũng ít tác động tới tổng cầu của nền kinh tế. “Khi bệnh dịch qua đi, mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Do đó, việc vội vã thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng lúc này là không cần thiết”, chuyên gia này nhấn mạnh.
“Sau khi kết thúc bệnh dịch, các nhu cầu sẽ tăng để bù lại cho những sụt giảm trước nên có thể kéo theo giá cả tăng. Hơn nữa, đầu tư công đang tăng và sắp tới còn tăng mạnh nữa thì đây cũng là một yếu tố có thể đẩy lạm phát tăng. Vì vậy chính sách tiền tệ lúc này cần phải cẩn trọng và bám sát các mục tiêu đã cam kết, đặc biệt là về tỷ giá”, chuyên gia này phân tích.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã đưa ra hai kịch bản về tác động của dịch Covid-19 tới lạm phát. Theo đó, kịch bản I, nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý I/2020, CPI tháng 2 và tháng 3/2020 giảm so với tháng trước; giá xăng dầu, giá gas không tăng so với năm 2019, thì CPI bình quân năm 2020 sẽ tăng 3,96% so với năm 2019. Ở kịch bản 2, nếu dịch bệnh kéo dài thêm, giá thực phẩm tăng, giá nguyên vật liệu đầu vào một số ngành sản xuất tăng, giá xăng dầu tăng trở lại, cộng thêm yếu tố thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn… thì CPI bình quân năm 2020 có thể tăng tới 4,86% so với năm ngoái.
Đỗ Lê
Thời báo Ngân hàng
|