Kỳ lân Yeah1 uống nước tăng lực
"Nước tăng lực" đã có, nhưng để gọi Yeah1 là một kỳ lân tiềm năng ngay thời điểm này thì vừa muộn lại vừa sớm. Động lực tăng trưởng trước đây đã là hào quang quá khứ, còn những mảng kinh doanh mới vẫn cần thời gian để chứng minh.
Ảnh: Tuấn Trần
|
Nước tăng lực
Giữa tháng 03/2020, Yeah1 (HOSE: YEG) công bố kế hoạch kinh doanh cùng đối tác chiến lược mới Tân Hiệp Phát, tập đoàn nước giải khát hàng đầu Việt Nam. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu YEG tăng gần 90% trong một tháng trở lại.
Chủ tịch Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cùng cộng sự giới thiệu một trọng tâm kinh doanh mới, Mega1. Họ hào hứng và tin tưởng vào kế hoạch.
Mega1 là dự án nằm trong chiến lược mới của Yeah1 với cái tên Media-Commerce, nghĩa là thương mại hóa sức mạnh truyền thông theo chia sẻ của những người điều hành doanh nghiệp. Về Tân Hiệp Phát, ông Tống ví đây chính là mảnh ghép quan trọng, mà nếu không có đối tác chiến lược này dự án khó có thể bắt đầu triển khai sớm như vậy.
Mega1 là ứng dụng được làm ra bởi MediaOne, công ty vừa được Yeah1 thâu tóm. Về phân chia lợi ích tại Mega1, 80% thuộc về Yeah1, 20% còn lại thuộc về những nhân viên MediaOne làm ra ứng dụng.
|
Mega1 là một chương trình khách hàng thân thiết, khuyến khích mua sắm (nền tảng điểm thưởng và khuyến mãi) thông qua mobile app, website. Người tiêu dùng mua sản phẩm, sau đó nhập mã code trên sản phẩm vào Mega1 để có cơ hội nhận thưởng. 100 triệu chai/tháng (600-700 tỷ đồng) là sản lượng hàng hóa mà ông Tống cho rằng sẽ được kích thích bởi mô hình này.
Quang cảnh buổi lễ ký kết hợp tác chiến lược Yeah1 và Tân Hiệp Phát. Ảnh: TV
|
Chia sẻ với chúng tôi bên lề buổi ký kết hợp tác chiến lược giữa Yeah1 và Tân Hiệp Phát ngày 12/03, Chủ tịch Tống cho biết, nếu dự án trơn tru nghĩa là hàng ngàn tỷ đồng tiền bán hàng hóa sẽ được thúc đẩy nhờ Mega1. Đáng nói hơn, Yeah1 sẽ chịu chung chi phí giải thưởng cùng Tân Hiệp Phát và hưởng phần chia doanh thu. Tỷ lệ chia sẻ lợi ích được hai bên giữ kín.
Nhưng, Mega1 cũng không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp nào. Đại diện Yeah1 cho biết, trong năm 2020 họ muốn bắt tay thêm 10 đối tác, với quy mô tương tự Tân Hiệp Phát. Dựa trên những chia sẻ đó của người trong cuộc, mối làm ăn này thật sự quá tốt, ngoại trừ việc tất cả đều mới chỉ là… dự phóng.
Viễn cảnh sinh lời hay tiềm năng tương lai hứa hẹn là một chuyện, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là kết quả cuối cùng. Thời điểm cuối năm 2019, một nền tảng của Yeah1 là Appnews cũng được ra mắt kèm những con số dự phóng hàng triệu, hàng tỷ USD choáng ngợp. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh đến nay vẫn là dấu chấm hỏi. Theo tìm hiểu của người viết, hàng chục đơn vị báo chí đã tham gia Appnews nhưng lượt tải ứng dụng từ phía người dùng tương đối ít ỏi, vỏn vẹn vài trăm lượt tải mỗi ứng dụng (mobile app). Appnews không góp mặt trong danh sách các mảng kinh doanh trọng tâm 2020 của Yeah1.
Cuối tháng 3 này, Yeah1 sẽ cắt hai kênh truyền hình hoạt động không hiệu quả, mà theo họ sẽ giúp công ty tiết kiệm 1.4 triệu USD (hơn 32 tỷ đồng) mỗi năm. Hãng này cũng ngừng đầu tư sản xuất phim chiếu rạp. Ở mặt trận tấn công, Yeah1 dự kiến sẽ đầu tư vào những nền tảng của riêng họ, mà Mega1 và Appnews nằm trong số đó, cùng với những Adnetwork và một nền tảng quản lý người nổi tiếng (KOL) sắp ra mắt. 78 triệu USD doanh thu và 5.2 triệu USD lợi nhuận sau thuế (tương đương gần 1,800 tỷ đồng và 120 tỷ đồng) là mục tiêu mà hãng truyền thông này hướng đến trong 2020.
Nếu nhìn vào quá khứ gần nhất, kế hoạch trên không phải thứ dễ dàng đạt được. Năm 2019, ngay cả khi chưa tính khoản trích lập dự phòng thanh lý ScaleLab, Yeah1 vẫn ghi lỗ gần trăm tỷ đồng do hiệu quả sinh lời sụt giảm ở cả hai mảng kinh doanh quảng cáo truyền hình lẫn kỹ thuật số, trong khi lợi nhuận dự kiến là 180 tỷ đồng.
Kỳ lân lỡ thì
Vẫn đang trong giai đoạn chứng minh khả năng tăng trưởng nhưng mức định giá thị trường của Yeah1 cũng chẳng "mềm". Khoản lợi nhuận kế hoạch 120 tỷ đồng trong năm 2020 tương ứng mức EPS xấp xỉ 4,000 đồng. Điều này nghĩa là với thị giá trên 70,000 đồng (giá ngày 12/03, ngày ký kết Yeah1 - Tân Hiệp Phát) thì mỗi cổ phiếu YEG đang được giao dịch quanh mức P/E dự phóng 18x. Định giá này thậm chí chưa làm thỏa mãn nhiều nhà đầu tư, nhất là khi họ nghĩ về mức giá ba chữ số trước đây của YEG.
CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH – KIẾM LỜI KHI THỊ TRƯỜNG ĐI XUỐNG
- Khai giảng: 07/4/2020 (Tp.HCM)
- Giảng viên: CMT-Charterholder
- Đăng ký 3 - tính tiền 2
- Đăng ký 5 - tính tiền 3
🖰 Đăng ký ngay
|
Hào quang trong quá khứ cũng tạo chướng ngại nhất định. Trong giao dịch bán cổ phần cho bà Trần Uyên Phương vừa qua, theo chia sẻ của Chủ tịch Tống, Yeah1 không chào bán thêm cổ phần để có nguồn vốn mới cũng bởi vì mức giá phát hành 300,000 đồng/cp thời điểm chào sàn. "Những cổ đông mua cổ phần trước đây sẽ không vui nếu gặp tình huống đó. Bài toán dài hạn là rất tốt, khi công ty có thêm vốn, nhưng ngắn hạn sẽ khó khiến họ hài lòng." - ông Tống nói.
Trong số 20% cổ phần mà Chủ tịch, Tổng Giám đốc Yeah1 bán cho bà Phương thì xấp xỉ 10% được mua lại từ nhóm cổ đông VinaCapital trước đó ít lâu. Mức giá chuyển nhượng trong các giao dịch này là tương đương nhau, gần 50,000 đồng/cp, ông Tống chia sẻ.
Giá cổ phiếu là chủ đề mà vị Chủ tịch Yeah1 hay được hỏi trong mỗi sự kiện mà ông góp mặt. Tại buổi lễ ngày 12/03, bao giờ YEG mới trở lại mức giá trước thời điểm khủng hoảng Youtube là một câu hỏi khó trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, một phần của câu trả lời có lẽ đã hé mở trong cuộc phỏng vấn ngắn sau buổi ký kết giữa người viết với Tổng Giám đốc Yeah1 Đào Phúc Trí.
"Yeah1 không phải là công ty công nghệ. Yeah1 không làm code." - ông Trí chia sẻ. Vị Tổng Giám đốc nói rằng hãy nhớ về Yeah1 như một nhà sản xuất nội dung. Vậy thì, hẳn là Yeah1 sẽ không còn hợp với những mức định giá theo kiểu-thung-lũng-silicon nữa.
* Yeah1 cộng Number1
* Yeah1 và những đơn thuốc vội vã
Thừa Vân
FILI
|