Kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bao lâu vì dịch COVID-19?
Thế giới sẽ mất nhiều năm để hồi phục sau đại dịch corona, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo.
Tổng thư ký OECD, Angel Gurria
|
Tổng thư ký OECD, Angel Gurria, cho biết cú sốc kinh tế do virus corona gây ra giờ đây đã lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Thật "ảo tưởng " khi tin rằng các quốc gia sẽ hồi phục nhanh chóng, ông nói với BBC.
OECD kêu gọi các Chính phủ xóa bỏ những quy tắc chi tiêu để đảm bảo việc kiểm tra và điều trị virus corona được diễn ra nhanh chóng.
Theo ông Gurria, cảnh báo gần đây cho rằng một vụ bùng phát nghiêm trọng có thể khiến mức tăng trưởng toàn cầu giảm phân nửa, xuống còn 1.5%, có vẻ quá lạc quan.
Mặc dù số lượng việc làm bị mất đi và số công ty phá sản vì đại dịch này vẫn chưa được xác định rõ nhưng ông cho rằng các nước sẽ phải đối phó với những hậu quả về mặt kinh tế "trong nhiều năm tới".
Ông nói nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào "suy thoái" trong những tháng tới -theo định nghĩa là suy giảm kinh tế trong hai quý liên tiếp, hay nói cách khác là tốc độ tăng trưởng kinh tế âm liên tục trong hai quý.
"Ngay cả khi không có suy thoái kinh tế trên toàn thế giới, cũng sẽ không có tăng trưởng hoặc chỉ có tăng trưởng âm ở nhiều nền kinh tế trên thế giới, bao gồm một số nền kinh tế lớn. Do đó, bạn sẽ thấy không chỉ tăng trưởng thấp trong năm nay mà còn mất nhiều thời gian hơn để tăng trưởng trong tương lai”, ông nói thêm.
Cú sốc lớn
Ông Gurria cho biết sự bất ổn kinh tế do virus corona gây ra có nghĩa là các nền kinh tế phải hứng chịu cú sốc lớn hơn cả những gì cuộc tấn công khủng bố ngày 11/09 hoặc khủng hoảng tài chính năm 2008 gây ra.
Ông nói: "Lý do là, chúng ta không biết sẽ phải mất bao nhiêu để giải quyết nạn thất nghiệp vì không biết được có bao nhiêu người sẽ thất nghiệp. Chúng ta cũng không biết sẽ mất bao nhiêu để ‘sửa chữa’ hàng trăm ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải hứng chịu hậu quả".
Các Chính phủ trên khắp thế giới đã thực hiện những biện pháp chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Chẳng hạn, các nhà hoạch định chính sách ở Anh đã cam kết trả lương cho những nhân viên không thể làm việc do đại dịch corona.
Ông Gurria kêu gọi các Chính phủ xóa bỏ các quy tắc vay mượn và "ném mọi thứ chúng ta có vào đó" để đối phó với khủng hoảng.
Tuy nhiên, ông cảnh báo thâm hụt và các khoản nợ lớn hơn cũng sẽ đè nặng lên các quốc gia mắc nợ trong nhiều năm tới.
Không thể hồi phục nhanh
Ông Gurria nói chỉ vài tuần trước, các nhà hoạch định chính sách từ câu lạc bộ G20 - 20 nước giàu nhất thế giới - đã tin rằng sự hồi phục sẽ có hình chữ V - nghĩa là sụt giảm mạnh, ngắn hạn trong hoạt động kinh tế, rồi sau đó sẽ tăng trưởng nhanh chóng.
"Điều đó chủ yếu là mơ tưởng”, ông nói.
"Tôi không đồng ý với ý tưởng về hiện tượng hình chữ V. Ngay bây giờ, chúng ta biết rằng nó sẽ không phải chữ V. Trong trường hợp tốt nhất, nó sẽ nhiều hơn, giống như chữ U với một rãnh dài ở đáy trước khi đến giai đoạn hồi phục. Chúng ta có thể tránh được trường hợp giống như chữ L, nếu đưa ra quyết định đúng đắn ngày hôm nay”.
OECD đang kêu gọi kế hoạch “4 mũi giáp công” để đối phó với đợt bùng phát, bao gồm xét nghiệm virus miễn phí, thiết bị tốt hơn dành cho bác sĩ và y tá, chuyển tiền mặt cho công nhân và cả những người tự làm chủ, giảm thuế cho các doanh nghiệp.
Ông Gurria so sánh mức độ tham vọng đó với Marshall Plan - kế hoạch giúp thanh toán cho việc tái thiết châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Nhã Thanh (Theo BBC)
FILI
|