Kinh tế sẽ ra sao sau đại dịch?
Kịch bản kinh tế hậu Covid-19 như thế nào sẽ còn phụ thuộc vào 2 tuần kế tiếp cân não chống dịch của Chính phủ và toàn dân Việt Nam. Nhưng dù sao đi nữa thì cấu trúc nền kinh tế có thể sẽ thay đổi cơ bản trong thời gian tới. Khi đó, một số các mô hình kinh doanh truyền thống hiện nay buộc phải thay đổi nếu muốn tồn tại.
* Hai kịch bản của nền kinh tế Mỹ dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
* Bốn kịch bản u ám của nền kinh tế toàn cầu trong dịch Covid-19
* Kịch bản làm ăn hậu dịch bệnh corona
Khi nền kinh tế Việt Nam quay trở lại với điều kiện vận hành bình thường, ngay cả trong kịch bản chống dịch thành công, thì hiệu quả, mức độ phục hồi như thế nào vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào môi trường kinh doanh của thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN
|
Đây những nội dung mà chúng tôi ghi nhận sau buổi trao đổi với PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính - Đại học Kinh tế TPHCM về câu chuyện này.
Kinh tế phụ thuộc vào y tế
PV: Ông có thể đưa ra kịch bản kinh tế nào cho thời điểm hậu Covid-19?
- Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Theo những gì mà các quan chức và chuyên gia y tế cảnh báo thì hai tuần tới là khoảng thời gian quyết định kết quả trận chiến “chống dịch như chống giặc” của Việt Nam. Nghĩa là đến giữa tháng 4 thì chúng ta mới biết được dịch bệnh có được khống chế thành công hay không.
Trong trường hợp lạc quan, Việt Nam sẽ vượt qua giai đoạn này, khống chế được dịch bệnh mà không có bất cứ điều gì tồi tệ bùng phát. Ngược lại thì kịch bản thứ hai sẽ rất bi quan.
Chính vì thế mà số phận của nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào một trong hai khả năng vừa nêu. Vì vậy, yếu tố quyết định lúc này không nằm ở khía cạnh kinh tế mà phụ thuộc vào mặt trận y tế chống dịch. Nói cách khác là trong hoàn cảnh hiện nay, y tế sẽ quyết định kinh tế.
Vậy trong trường hợp chống dịch thành công, sẽ mất bao lâu để nền kinh tế Việt Nam có thể hồi phục?
- Việt Nam là nền kinh tế nhỏ, mở và dễ bị tổn thương, phụ thuộc nhiều vào những quốc gia đối tác và môi trường quốc tế, đặc biệt là trong thương mại và đầu tư. Những quốc gia này vừa đóng vai trò là nhà đầu tư, bạn hàng, thị trường đầu ra lẫn nhà cung cấp các yếu tố đầu vào cho các ngành sản xuất của Việt Nam như xăng dầu, linh kiện, máy móc, vật tư, nguyên vật liệu v.v.
Với những đặc điểm như vậy nên khi nền kinh tế quay trở lại với điều kiện vận hành bình thường, ngay cả trong kịch bản chống dịch thành công, thì hiệu quả, mức độ phục hồi như thế nào vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào môi trường kinh doanh của thế giới. Cụ thể là kết quả chống dịch của các nước, mà vấn đề này thì chúng ta không thể dự đoán và kiểm soát được.
Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính - Đại học Kinh tế TPHCM. Nguồn: NVCC.
|
Cú sốc bất định
Vậy hiện nay việc đưa ra một dự báo cụ thể để doanh nghiêp hướng đến là điều không thể?
- Dịch bệnh Covid-19 lần này đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng được xem là một cú sốc toàn cầu và có tính cấu trúc chứ không phải tạm thời và cục bộ. Trước đây, chúng ta đã chứng kiến những cuộc khủng hoảng được gây ra bởi các cú sốc ngắn hạn liên quan đến tiền tệ, giá chứng khoán hay giá dầu nhưng đó là những cú sốc tạm thời, chỉ làm cho nền kinh tế đi lệch khỏi trạng thái cân bằng. Sau khi cú sốc qua đi, thị trường hoặc nền kinh tế sẽ chỉ mất một khoảng thời gian ngắn để tự điều chỉnh và quay trở về trạng thái cân bằng. Nhưng với cú sốc dài hạn thì mọi thứ sẽ khác.
Thực ra, trong giai đoạn đầu của cơn dịch, chúng ta vẫn hi vọng đây là cú sốc ngắn hạn, nhưng cho đến lúc này, nhìn tình hình chống dịch ở châu Âu và Mỹ với những hệ lụy nghiêm trọng của hệ thống tài chính và nền kinh tế của các quốc gia này đã có thể khẳng định rằng cú sốc lần này không phải là ngắn hạn, mà là cú sốc cấu trúc và những tác động sẽ diễn ra trong dài hạn.
Gọi là cú sốc cấu trúc vì có thể nó sẽ tạo ra nhiều sự thay đổi lớn đối với nền kinh tế, thậm chí là có nhiều lĩnh vực sẽ không quay về trạng thái cân bằng trước đó, nhiều ngành nghề sẽ thay đổi hoàn toàn, từ cách làm việc, mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất.
Và nói đến tính bất định, nghĩa là không ai trong chúng ta hiểu rõ về nó, rằng dịch bệnh sẽ diễn biến ra sao và hậu quả sẽ to lớn đến đâu. Quan trọng hơn là không ai có đủ kinh nghiệm để dự báo và ứng phó. Chính vì vậy mà các kịch bản đưa ra cũng chỉ để tham khảo và có tính phòng ngừa chứ không có thể là những dự báo mang tính chất đầu cơ, đầu tư.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây, không phải là mất bao lâu để nền kinh tế quay lại như trước kia, mà sẽ là sau cú sốc này, kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ như thế nào?
Theo ông, khả năng phục hồi sau dịch bệnh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ như thế nào?
- Trên lý thuyết, vì là một nền kinh tế nhỏ, chủ yếu là gia công và chế biến, đội ngũ lao động thì luôn sẵn sàng, máy móc nhà xưởng thì vẫn ở đó, chỉ cần các hoạt động thông thường trở lại, học sinh đi học, công nhân vào nhà máy thì sự phục hồi là rất nhanh. Nhưng trên thực tế, khả năng phục hồi được tới đâu thì còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp của quốc gia đối tác và môi trường quốc tế. Liệu họ có muốn tiếp tục mô hình sản xuất như trước đây?
Thông thường sau những cuộc khủng hoảng, các công ty đa quốc gia hoạt động ở quy mô toàn cầu sẽ có xu hướng thu hẹp lại, co cụm, thậm chí là tiến hành tái cấu trúc nên dễ xảy ra hiện tượng thoái vốn. Nếu điều này diễn ra thì rõ ràng chúng ta không thể quay trở lại trạng thái như trước khi dịch bệnh diễn ra được nữa. Điều này có nghĩa rằng, ngay cả trong trường hợp chống dịch thành công, sự phục hồi không còn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.
Nhưng bên cạnh nguy cơ xảy ra sự đổ vỡ hàng loạt sau khủng hoảng thì vẫn tồn tại những cơ hội dành riêng cho các doanh nghiệp và tổ chức nhận diện và nắm bắt được những phương thức làm ăn mới, hoặc cải tiến các mô hình truyền thống dựa trên nguồn nhân lực, vật lực sẵn có. Những phương thức kinh doanh, phương pháp làm việc hiện hữu cũng buộc phải thay đổi để hiệu quả hơn.
Dịch bệnh lần này cũng có những mặt tích cực riêng, khi nó đặt chúng ta vào trạng thái buộc phải hoạt động chậm lại và trong một hoàn cảnh khắc nghiệt hơn. Khi đó, các tổ chức và cá nhân sẽ có điều kiện để lắng nghe, nhìn nhận và đánh giá lại các đặc điểm và giá trị truyền thống của tổ chức mình, dám chấp nhận từ bỏ các thói quen và hoạt động không cần thiết để tăng tính hiệu quả và nâng cao giá trị của công ty.
Doanh nghiệp có thể kỳ vọng gì vào vai trò của Chính phủ trong cú sốc bất định lần này, thưa ông?
- Có thể nói hiện nay Chính phủ đang làm rất tốt vai trò của mình, vừa dồn toàn sức chống dịch, vừa giữ cho nền kinh tế hoạt động trong trạng thái ổn định, tuy có chậm lại nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện an toàn cho sản xuất, tiêu dùng và đời sống xã hội. Trong khi nền kinh tế của một số quốc gia phát triển đã gần như “vỡ trận”.
Vì vậy, mỗi quốc gia có một hoàn cảnh, nguồn lực, đặc điểm riêng và cách thức khác nhau để tiến hành “kế hoạch giải cứu”. Nhiều quốc gia phát triển bắt đầu tung ra các gói hỗ trợ bằng tiền với quy mô lớn để ngăn nền kinh tế không sụp đổ, đảm bảo mức sống tối thiểu để người dân không hoảng loạn. Còn Việt Nam cho đến thời điểm này, vẫn hỗ trợ tốt cho nền kinh tế chủ yếu thông qua các chủ trương và chính sách như miễn, giãn thời gian đóng các loại thuế, phí, yêu cầu ngân hàng thương mại giảm lãi vay hoặc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực. Nếu quy các gói hỗ trợ của Chính phủ thành tiền cụ thể thì trong những trường hợp này cũng rất đáng giá.
Và một điều quan trọng là nền kinh tế của chúng ta chỉ là đang chậm lại chứ không đến mức đình trệ như các quốc gia đang phải thực hiện các gói giải cứu khổng lồ. Chúng ta đang làm chủ được trận chiến chống dịch và phải tập trung toàn lực để giành chiến thắng tất yếu. Vì như đã nói, khống chế được dịch bệnh mới quyết định được số phận của nền kinh tế. Vì vậy, trên mặt trận kinh tế, tôi nghĩ Chính phủ chỉ nên tác động một lực vừa đủ để đảm bảo sự phá sản hàng loạt không xảy ra, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là điều quan trọng vì đây là động lực để nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau dịch bệnh.
Xin cảm ơn ông!
Dũng Nguyễn
TBKTSG
|