Hải Phòng chi 269 tỉ đồng tặng quà 6 vạn hộ dân: 'Phô trương và ấu trĩ'
Trong bối cảnh cả nước đang chống dịch Covid-19 như chống giặc, việc Hải Phòng chi 269 tỉ đồng ngân sách mua ấm chén, cờ Tổ quốc tặng người dân, theo các chuyên gia, là lãng phí và ấu trĩ.
* Hải Phòng chi 269 tỉ đồng mua quà tặng cho toàn bộ hơn 580.000 hộ dân của thành phố
Vẫn còn không ít người dân Hải Phòng đời sống nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Tân
|
Sao không để tiền chống dịch, hỗ trợ người nghèo?
Trước đó, nói về lý do Hải Phòng chi 269 tỉ đồng tặng quà, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, cho biết quyết định này đã được thảo luận, bàn bạc rất kỹ, không hề lãng phí. “Số tiền 269 tỉ đồng quả thực là rất lớn nhưng được dành cho hơn 600.000 hộ dân, chia ra thì gần 500.000 đồng/hộ thôi”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, dự kiến, 1 bộ ấm chén có giá khoảng 400.000 đồng, mỗi lá cờ Tổ quốc có giá 20.000 đồng.
Vị này còn tự hào, bộ ấm chén là hàng Việt Nam chất lượng cao, rất đẹp, nếu không dùng thì có thể trưng bày. Hàng được đặt riêng, giá thị trường khoảng 700.000 đồng, nhưng vì Hải Phòng mua nhiều nên còn khoảng 400.000 đồng. Cờ Tổ quốc thì nhà nào cũng cần.
Trước lý giải trên, bà Phạm Chi Lan, nguyên Tổng thư ký và Phó chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nguyên Thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, không giấu nổi bức xúc: “Nói như thế thì ấu trĩ quá. Kỷ niệm thành lập thì thiếu gì cách làm ý nghĩa, thiết thực. Sao lại tặng quà ấm chén, cờ quạt trong khi cả nước đang vật lộn trong khó khăn vì dịch Covid-19? Phản cảm, phô trương, lãng phí”.
Vẫn theo chuyên gia này, ngay tại Hải Phòng, người dân, doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn để chống dịch. Đặc biệt, đây là địa bàn "nóng" về giao thương, xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Do đó, thành phố phải đi vào những việc thiết thực, tập trung nguồn lực để hỗ trợ.
“Tiền này là tiền ngân sách nhà nước, một phần do người dân đóng từ thuế. Nay cả nước nói chung, Hải Phòng nói riêng, khó khăn sao lại không mang ra hỗ trợ, lại đi tặng quà nhau vô bổ như thế?”, bà Phạm Chi Lan bày tỏ, và cho rằng, Hội đồng nhân dân thành phố cũng như các đại biểu của Hải Phòng phải lên tiếng để ngăn chặn ngay.
“Ngay bản thân lãnh đạo thành phố, những người đứng đầu phải xem lại tư duy, trách nhiệm của mình. Đừng phô trương, lãng phí tiền của nhà nước khi mà chúng ta còn quá khó khăn, còn rất nghèo. Hãy để tiền đó xây bệnh viện, trường học cho người dân”, bà Lan đề nghị.
Tương tự, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nói thẳng ông không đồng tình với việc làm như vậy, dù đó có là ngày kỷ niệm 65 năm hay 100 năm thành lập thành phố.
Dẫn luật Phòng chống lãng phí, tiết kiệm đã được Chính phủ ban hành với tinh thần cắt giảm tối đa chi thường xuyên cho các ngày lễ, kỷ niệm, khánh thành, khai trương;… rồi thực tế vùng sâu, vùng xa cả nước còn rất nhiều người dân không đủ cơm ăn, áo mặc, ông Long bày tỏ: "Dù thành phố có nguồn thu cao nhưng tôi đảm bảo vẫn còn rất nhiều hộ nghèo và liệu họ có thấy cả nước đang gồng mình chống dịch. Họ có biết ngân sách chi tiêu rất lớn để mua vật tư, thiết bị y tế chống dịch Covid-19 hay không?”.
Chuyên gia này cũng đặt vấn đề có hay không việc lợi dụng tặng quà vì những mục đích, động cơ thiếu trong sáng để vụ lợi: “Tặng quà thông qua mua bán vậy có đấu thầu công khai không, mua với giá 500.000 đồng hay bao nhiêu? Và liệu có hay không việc chiết khấu hoa hồng cho nhau?”.
Trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, Hải Phòng lại chi 269 tỉ đồng tặng quà kỷ niệm. Ảnh: Tiến Đạt
|
Kỷ niệm phải tiết kiệm, không phô trương
Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này cho biết, việc tặng quà kỷ niệm tại các bộ, ngành và địa phương thì luật hiện hành đã có quy định. Theo Nghị định số 111/2018/NĐ-CP, tổ chức hoạt động kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống được thực hiện trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức. Kinh phí tổ chức được cân đối bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của địa phương theo luật Ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đã có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành như: luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10.5.2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.
Trong đó, tại điều 4 Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg quy định, nghiêm cấm việc sử dụng tiền, tài sản của nhà nước, hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để làm quà tặng không đúng quy định dưới mọi hình thức.
Đồng thời, tại điều 19 Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg cũng quy định cơ quan, đơn vị tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho công quỹ. Cá nhân tặng quà không đúng thẩm quyền, không đúng quy định, tặng quà nhằm mục đích liên quan đến các hành vi tham nhũng quy định tại điều 3 của luật Phòng, chống tham nhũng thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng, và tuy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Anh Vũ
Thanh niên
|