Thứ Bảy, 21/03/2020 08:13

Giá vàng SJC đắt hơn thế giới 6 triệu đồng/lượng

Lực mua vàng trên thị trường yếu nhưng giá vàng SJC vẫn “neo” ở mức cao, dẫn đến vàng trong nước cao hơn thế giới từ 4 - 6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC đắt hơn thế giới 6 triệu đồng/lượng
Giá vàng trong nước cao hơn thế giới có lúc lên 6 triệu đồng/lượng. Ảnh: Độc Lập

Không ai bán vàng

Thị trường vàng ngày 20.3 vẫn khá ảm đạm. Các tiệm vàng ở khu vực chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM), Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC... vắng vẻ khi mọi người hạn chế ra đường trong mùa dịch Covid-19.

Nếu đầu tư vàng, cần lưu ý không đổ dồn tất cả vốn vào đây. Phải xác định đầu tư dài hạn chứ không thể “ăn xổi” đánh ngắn hạn, đồng thời theo dõi giá vàng để xác định mức giá mua. Khó có thể biết vàng khi nào là đáy nhưng có thể mua khi giá đã giảm sâu
Ông Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân

Thế nhưng, không vì vậy mà vàng “hạ giá” theo thế giới, ngược lại “neo” ở mức cao. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng giá vàng SJC thêm 50.000 - 200.000 đồng mỗi lượng, mua vào 45,85 - 46 triệu đồng/lượng, bán ra 46,65 - 46,85 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji có giá mua cao hơn, lên 45,9 - 46,1 triệu đồng/lượng, bán ra 46,5 triệu đồng/lượng. Vàng thế giới hôm qua đã tăng trở lại, cộng thêm khoảng 20 USD/ounce, lên 1.508 USD/ounce, quy đổi tương ứng 42,7 triệu đồng/lượng (tính theo giá USD của Vietcombank, chưa tính thuế phí). Như vậy, giá vàng SJC đang cao hơn thế giới từ 3,5 - 4 triệu đồng/lượng.

Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), sở dĩ có tình trạng “vênh” là do nguồn cung trên thị trường khan hiếm. Các công ty kinh doanh vàng kinh doanh theo kiểu “tay trái bán 1 lượng thì tay phải mua vào 1 lượng”, ăn chênh lệch giá mua bán. Nhưng ai cũng nghĩ giá vàng sẽ tăng nên không ai bán ra, buộc các công ty kinh doanh phải để giá cao. Một điểm khá nhạy cảm trên thị trường những ngày qua đó là giá USD (đơn vị quy đổi vàng) tăng khá mạnh.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), lại cho rằng giá vàng trong nước cao hơn thế giới quá nhiều là do nhà đầu tư trong nước không có nhiều lựa chọn đầu tư nên ít bán vàng chuyển sang tiền mặt chờ cơ hội như các nhà đầu tư thế giới. Họ bán vàng để cắt lỗ, để chờ mua trái phiếu, doanh nghiệp trong khủng hoảng. Câu nói “tiền mặt là vua” không chỉ là vấn đề thanh khoản mà còn là cơ hội để đầu tư mới với giá thấp hơn.

“Các kênh đầu tư như chứng khoán, ngoại tệ, vàng, bất động sản, gửi tiết kiệm hiện nay đều “chênh vênh” nên người có vàng trong nước vẫn nắm giữ thay vì bán ra như các nhà đầu tư quốc tế. Điều này đã khiến vàng trong nước cao hơn thế giới, có lúc lên đến 6 triệu đồng/lượng. Hơn nữa, những người đang giữ vàng cũng cảm thấy yên tâm hơn các tài sản khác trước những ảnh hưởng quá xấu do dịch Covid-19 gây ra”, ông Hiếu nói.

Quá rủi ro

Ông Trần Thanh Hải cho rằng mua vàng SJC thời điểm này là quá rủi ro, vì đắt hơn 4 - 6 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Nếu có nhu cầu, nhà đầu tư có thể cân nhắc đến vàng 4 số 9 có mức giá thấp hơn SJC khoảng 2 triệu đồng/lượng.

Trước câu hỏi “vàng đang giảm, có nên mua hay không?”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là quyết định khó khi vàng trong nước đang ở mức quá cao so với thế giới nhưng vàng cũng là nơi trú ẩn an toàn trong thời điểm kinh tế khủng hoảng. Đặc biệt, thị trường vàng hiện nay quá khó dự báo.

Cách đây 2 tuần vàng được dự báo lên 50 triệu đồng/lượng nhưng sau đó giảm nhanh về 46 - 47 triệu đồng/lượng. “Nếu đầu tư vàng, cần lưu ý không đổ dồn tất cả vốn vào đây. Phải xác định đầu tư dài hạn chứ không thể “ăn xổi” đánh ngắn hạn, đồng thời theo dõi giá vàng để xác định mức giá mua. Khó có thể biết vàng khi nào là đáy nhưng có thể mua khi giá đã giảm sâu”, ông Hiếu khuyến cáo.

Dự báo giá vàng thời gian tới, ông Trần Thanh Hải cho rằng vàng hồi tăng lại qua mức 1.500 USD/ounce trong ngày 20.3 chỉ là kỹ thuật. Khả năng kim loại quý sẽ còn tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới. Vàng thế giới biến động hiện nay khá giống kịch bản khủng hoảng của năm 2008.

Tháng 3.2008, giá vàng đạt mức 930 USD/ounce nhưng đến tháng 10 năm đó đã giảm xuống 740 USD/ounce, tương đương 20%, rồi tăng khá mạnh vào năm 2011 lên mức đỉnh 1.923 USD/ounce.

“Tình hình dịch Covid-19 hiện nay vẫn chưa phải đỉnh điểm ở châu Âu và Mỹ, số người bị lây nhiễm và chết vẫn tiếp tục gia tăng. Việc các nước tung ra các gói kích thích nền kinh tế chỉ mới ở giai đoạn đầu và chưa có tác dụng gì nhiều khi tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng, đình đốn. Khi dịch qua đi, lúc này trên thị trường tràn ngập tiền, đó là thời điểm để vàng tỏa sáng tăng giá”, ông Hải nói.

Vàng không phải là một kênh đầu tư dễ chịu. Nhiều đại gia, ngân hàng, công ty trong nước chuyên nghiệp cũng thua lỗ khá mạnh khi “nhúng tay” vào vàng.
Vàng trong nước hiện nay đang có giá cao hơn thế giới rất nhiều, nên nếu giá thế giới có tăng mà trong nước không tăng thì cũng không kiếm được lời.
Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT VGB

Thanh Xuân

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới vẫn giảm hơn 2% tuần qua bất chấp đà tăng trong phiên (21/03/2020)

>   Giá vàng ngày 20/3: Trong nước cao hơn thế giới gần 5 triệu đồng (20/03/2020)

>   Vàng thế giới phục hồi từ mức thấp nhất trong năm (20/03/2020)

>   Giá vàng SJC cao hơn thế giới 4,3 triệu đồng (19/03/2020)

>   Vàng thế giới đảo chiều, giảm hơn 3% xuống thấp nhất từ tháng 12/2019 (19/03/2020)

>   Giá vàng ngày 18/3: Tăng mạnh sau 7 ngày giảm liên tục (18/03/2020)

>   Vàng thế giới khởi sắc, có phiên tăng đầu tiên trong 6 phiên (18/03/2020)

>   Giá vàng ngày 17/3: thế giới giảm còn 42,4 triệu đồng/lượng (17/03/2020)

>   Vàng thế giới sụt 2% xuống thấp nhất kể từ tháng 12/2019 (17/03/2020)

>   Vàng thế giới rớt mốc 1,500 USD/oz, dầu bốc hơi 10% (17/03/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật